"Con mong bố sớm qua đời" - điều ước sinh nhật của cậu bé 6 tuổi bóc trần bi kịch gia đình

Hiểu Đan |

Sau khi sự việc bị lan truyền trên mạng, ai nấy đều đau xót, không thể tưởng tượng nỗi đứa trẻ phải tuyệt vọng ra sao mới phải thốt lên điều ước như vậy.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cha mẹ là sự tồn tại đáng tin cậy nhất và ấm áp nhất đối với con cái, là bến đỗ mà chúng hết lòng tin tưởng trong quá trình trưởng thành. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng làm được điều này. Thậm chí có những bậc phụ huynh còn mang lại bi kịch cho con cái.

"Con mong bố sớm qua đời", điều ước sinh nhật của cậu bé 6 tuổi mới đây ở Trung Quốc khiến nhiều người "choáng váng". Nếu không biết sự thật, có lẽ ai nấy đều hoang mang không hiểu sao một đứa trẻ lại có suy nghĩ xấu xa như vậy?

Tuy nhiên, sau khi hiểu được tình hình thực tế, phần lớn đều thông cảm cho cậu bé này.

Hóa ra cha của em suốt ngày bơ phờ vì làm ăn thất bại, thậm chí còn nghiện rượu, mỗi lần say xỉn về nhà là lại đánh mẹ. Lâu dần người mẹ không chịu nổi, chọn cách một mình bỏ trốn. Sự ra đi của vợ khiến người cha càng điên tiết, trút những trận bạo hành nặng nề hơn lên các con của mình.

Con mong bố sớm qua đời - điều ước sinh nhật của cậu bé 6 tuổi bóc trần bi kịch gia đình - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tuy bị đối xử tàn tệ, vào ngày sinh nhật thứ 6, cậu bé vẫn kỳ vọng sẽ nhận được một lời chúc từ cha mình. Không ngờ, thứ em nhận được lại là người cha say rượu về muộn, liên tục đấm đá con, đến nỗi hàng xóm phải gọi cảnh sát.

Đứa trẻ nhập viện vì vết thương quá nặng, trong quá trình cấp cứu, cậu bé nói với bác sĩ: "Con mong bố sớm qua đời!". Sau khi sự việc bị lan truyền trên mạng, ai nấy đều đau xót, không thể tưởng tượng nổi đứa trẻ phải tuyệt vọng ra sao mới phải thốt lên điều ước như vậy.

Hậu quả của giáo dục bằng bạo lực

Có câu "thương cho roi cho vọt". Nhiều người tin rằng con cái sẽ không ngoan ngoãn và thành công nếu không bị giáo dục nghiêm khắc bằng bạo lực. Tuy nhiên, những trận đòn roi và tiếng la mắng của người lớn không chỉ ảnh hưởng đến thân thể trẻ mà còn có thể khiến trẻ tổn thương não và tăng nguy cơ tự tử. Đây chính là cảnh báo của các chuyên gia y tế.

Hầu hết những đứa trẻ lớn lên trong bạo lực đều lâm vào hai tình trạng này:

Một là trở nên rụt rè, kém cỏi và hèn nhát, chúng sẽ cảm thấy mọi việc mình làm đều sai, đó là lý do tại sao cha mẹ chúng lại đối xử như vậy. Lâu ngày không được sự đồng tình của cha mẹ, các em sẽ ngày càng mặc cảm, thiếu tự tin. Thường xuyên bị đánh, mắng chửi, bị so sánh với người khác, sao có thể lớn lên khỏe mạnh, lạc quan và tự tin?

Hai là quen với bạo lực, thậm chí dùng bạo lực, đứa trẻ như vậy sẽ có tính cách rất dễ cáu gắt, khi gặp chuyện không hay sẽ có thói quen dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Trẻ cũng có tâm lý trả thù mạnh mẽ.

Nhà tâm lý học người Canada Albert Bandura đã thực hiện một thí nghiệm "chơi Bobo": Chia một nhóm trẻ thành hai nhóm, một nhóm trẻ nhìn thấy người lớn đánh búp bê, còn nhóm trẻ kia thì không. Sau đó, họ đặt búp bê trong phòng và đưa từng đứa trẻ vào rồi quan sát phản ứng của chúng. Hóa ra những đứa trẻ xem người lớn đánh "Bobo" cũng bắt chước và bắt đầu tấn công những con búp bê.

Có thể thấy, lời nói và việc làm của người lớn sẽ có tác động khó phai đối với trẻ. Trẻ thích bắt chước hành vi của người khác, nếu thường xuyên bị đánh trẻ sẽ học cách tương tự để trả đũa người khác.

Hãy dạy con những điều sau

- Cho con bạn biết về quyền làm người, quyền không để ai đụng chạm vào cơ thể mình kể cả bố mẹ ruột, biết phản ứng và bảo vệ bản thân khi bị kẻ khác xâm phạm. Đồng thời, con cũng không được làm đau đớn người khác. Khi trẻ lớn dần, cha mẹ có thể dạy trẻ về các quyền về thân thể. Dạy trẻ biết phân biệt đâu là dạy dỗ, đâu là bạo hành.

- Hãy dạy trẻ nhận biết các dấu hiệu chứng tỏ bạo lực sắp xảy ra (người lớn giận giữ, quát tháo…), dạy trẻ tránh bạo lực bằng cách rời khỏi khu vực nguy cơ.

- Dạy trẻ biết cách bỏ chạy và kêu cứu: Ngoài việc lên tiếng bảo vệ, bênh vực, khuyên can người gây bạo lực thì người lớn trong gia đình cần phải dạy trẻ biết cách bỏ chạy và kêu cứu khi bị bạo lực.

– Hãy giúp trẻ hiểu rằng, sau mỗi lần bị đánh đập, trẻ cần kể lại với một người lớn nào đó đủ tin tưởng và có khả năng bảo vệ trẻ. Đó có thể là ông bà, họ hàng, người luôn yêu thương và quan tâm đến trẻ để họ can thiệp, giúp đỡ khi có những lần khác.

- Các con cần được dạy về các số điện thoại khẩn cấp, các cách thông tin cho người khác trợ giúp, các địa chỉ cần thiết con có thể tìm đến để được bảo vệ và giúp đỡ… Khi phát hiện trẻ bị bạo hành thì việc người lớn nên làm là đưa ngay trẻ đến cơ quan y tế, giám định thương tật. Ổn định tinh thần và động viên trẻ, tránh để trẻ gặp hay quay trở lại môi trường đã bị bạo hành.

Nếu trẻ vẫn phải sống cùng kẻ gây bạo lực thì người lớn khác trong gia đình cần nhờ sự can thiệp của hội phụ nữ, chính quyền địa phương. Nếu vợ chồng đã ly hôn thì mẹ hoặc bố nên làm đơn khiếu nại ngay lập tức để bảo vệ quyền lợi cho trẻ đồng thời giành lại quyền nuôi con nhằm cứu trẻ thoát khỏi cảnh bạo lực gia đình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại