Riêng nạn nhân Phạm Văn Thuấn (đại biểu MTTQ xã Kim Lương) là người thôn Cổ Phục Bắc, xã Kim Lương.
Theo ghi nhận của Tuổi trẻ, chiều tối 21/1, hai thôn Lương Xá Nam và Lương xá Bắc bao trùm bầu không khí tang tóc. Một người đàn ông 63 tuổi tên Viễn nói rằng, sống quá nửa đời người, ông và bà con chưa bao giờ chứng kiến sự tang tóc như thế.
Còn người đàn ông tên Huân, ở thôn Lương Xá Nam, chia sẻ cả thôn rối như tơ vò. Mọi người chia nhau tới gia đình có người gặp nạn để phụ giúp dựng phông bạt, thuê bàn ghế lo hậu sự.
Ảnh: Hoàng Hoan/Lao động
Người thân của các nạn nhân vẫn không thể tin chồng, cha, anh mình buổi sáng còn nói đi họp nhưng chiều đã ra đi không về.
"Ông nói với tôi ông đi họp. Ông đi họp mà sao giờ ông không đi về", bà Thoa, vợ nạn nhân Lê Hồng Tư (70 tuổi, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam, Bí thư chi bộ thôn Lương Xá Nam) khóc nghẹn.
Cũng theo Tuổi trẻ, con gái ông Tư - chị Thu - mới từ Hàn Quốc về nước hôm 19/1 thì 2 ngày sau đã xảy ra sự việc đau lòng với cha.
"Con ở xa ba mẹ mà, ba nói ba thương con gái út mà. Giờ con mới về, con mới mua cho ba cái áo mới, ba mới ướm thử chứ đã mặc đâu, sao ba đã đi như thế ba ơi", nguồn trên dẫn lời chị Thu.
Trưởng thôn Lương Xá Nam, bà Nguyễn Thị Tươi, bày tỏ với Trí Thức Trẻ, chưa bao giờ bà lại nghĩ ở làng có đại tang vào ngày giáp Tết và đây cũng là lần đầu tiên ở thôn xảy ra vụ tai nạn nhiều người chết như vậy.
Trong 8 người thiệt mạng thì 2 nạn nhân Trần Văn Đoan (Trưởng công an xã Kim Lương) và ông Trần Văn Đường (Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xã) còn là anh em ruột. Theo Đời sống & Pháp luật, gia đình ông Đường có 2 con 1 trai, 1 gái, người con trai sống ở Nhật. Trước khi gặp nạn, ông Đường bị ung thư và đang trong giai đoạn xạ trị.
"Bệnh nặng không mất mà cuối cùng lại mất vì tai nạn. Đau đớn quá", anh Trọng - một người dân trong thôn chia sẻ.
(Tổng hợp)