Con lấy trộm gần 2 triệu đồng, mẹ dùng một cách từ đó không bao giờ mất tiền nữa

Hiểu Đan |

Nếu con mắc lỗi, cha mẹ nên hướng dẫn con như thế nào cho đúng để trẻ học cách nhìn nhận vấn đề của bản thân, cuối cùng là tránh được lỗi sai để trưởng thành?

Một bà mẹ có con 6 tuổi ở Trung Quốc mới đây đã chia sẻ trên diễn đàn dành cho phụ huynh phương pháp giáo dục con khiến nhiều người tán thưởng. Theo đó, một ngày cuối tuần, bà mẹ này phát hiện trong túi của mình bị mất 500 nhân dân tệ (Khoảng 1,7 triệu đồng). Ban đầu, chị căng thẳng cao độ và trở nên rất cảnh giác, nghĩ rằng có kẻ trộm đã vào nhà.

Nhưng ngay sau đó, người mẹ nhanh chóng loại trừ khả năng này. Nguyên do là trong ví có hơn 500 tệ, nếu là kẻ trộm, chúng sẽ không bao giờ chừa số tiền còn lại. Lúc này, chị đặt nghi vấn ở đứa con trai vừa tròn 6 tuổi của mình.

Tuy nhiên, chị không mắng mỏ con một cách nặng nề, cũng không ép buộc hay dụ dỗ con nói ra mà chọn cách khác nhẹ nhàng hơn. Người mẹ nói thẳng trước mặt 3 người trong nhà: "Em nghĩ rằng có kẻ trộm vào nhà, em muốn gọi cảnh sát đến kiểm tra".

Con lấy trộm gần 2 triệu đồng, mẹ dùng một cách từ đó không bao giờ mất tiền nữa - Ảnh 1.

Người mẹ vừa dứt lời liền quan sát đứa trẻ, phát hiện con trở nên căng thẳng, đôi tay vụng về không biết để vào đâu. Hành vi của đứa trẻ khiến người mẹ càng thêm chắc chắn, trong lòng thầm nghĩ: Tiền nhất định là do con lấy.

Vì vậy, chị cố tình nói với chồng: "Nhưng nghĩ lại, còn một phần trong túi chưa lấy, chưa chắc là trộm, có thể em đã để quên trong ngăn kéo hoặc nơi nào đó của phòng ngủ. Đợi sau giờ ăn, em sẽ tìm thử xem".

Sau một thời gian, người mẹ phát hiện ra đứa trẻ đã dừng trò chơi và lẻn vào phòng của cha mẹ. Cuối cùng, chị vào phòng và tìm thấy tờ 500 tệ dưới gối. Chị không bao giờ nhắc đến chuyện mất tiền, hai vợ chồng cũng không đánh mắng hay chỉ trích con. Tuy nhiên, những ngày sau đó, bà mẹ lẳng lặng mua rất nhiều sách tranh về vấn đề này.

Chị cũng đặt giả thiết, nếu con là cậu bé/cô bé lỡ tay lấy đồ người khác thì sao? Qua đó dặn con nếu có nhu cầu gì cũng không nên làm như vậy mà không hỏi ý kiến mẹ. Bà mẹ này cho rằng, nếu phụ huynh không muốn khiến con cảm thấy mình là người xấu thì đừng dán nhãn hành động đó là ăn trộm. Thay vào đó, hãy nói rõ rằng việc lấy thứ gì đó mà không hỏi là sai.

Đồng thời, tìm cơ hội để dò hỏi vì sao con cần tiền. Như trường hợp của cậu bé nói trên, con đơn giản chỉ lấy tiền để mua một món đồ chơi phát sáng. Nhờ cách ứng xử khéo léo của bà mẹ, đứa trẻ từ đó không tái phạm nữa.

Xử lý ra sao khi con lấy đồ người khác?

Nếu trẻ dưới 6 tuổi lấy đồ người khác, có thể do trẻ chưa có nhận thức rõ được đúng sai về vấn đề này. Do đó, hãy dạy con bắt đầu từ việc lên tiếng đề nghị những gì chúng muốn có, dạy cho chúng sự sẻ chia, thông cảm. Nhưng khi con lớn hơn, bạn nên xử lý vấn đề nghiêm túc hơn. Giải thích cho con đó là hành vi bị nghiêm cấm, đồng thời hỏi con: "Con nên làm gì lần sau?", để trẻ ý thức hành vi.

Cha mẹ không được cho phép con mình giữ lại những gì chúng đã lấy. Trong trường hợp trẻ lấy đồ từ các nhà hàng, siêu thị... nên nghiêm khắc yêu cầu trẻ mang món đồ đó trả lại để trẻ trực tiếp đối diện với vấn đề chúng gây ra và tìm cách xử lý nó thay vì trốn tránh.

Nếu một đứa trẻ cứ lặp đi lặp lại hành vi ăn trộm thì vấn đề không còn đơn giản, lúc này cha mẹ cần dành thời gian nói chuyện với giáo viên, với bạn bè của con để tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra.

Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ khi thấy con có hành vi sai trái thường sẽ chọn cách đánh, mắng con. Nhưng cách làm này dễ dẫn tới những hậu quả lớn hơn:

1. Dễ phủ bóng đen lên tâm lý trẻ

Hành động bạo lực của cha mẹ khiến trẻ ghi nhớ sự việc sâu sắc hơn, rất dễ tiếp tục phạm sai lầm tương tự. Cha mẹ thực sự cần phải tạo uy tín trong lòng con cái, nhưng làm quá mức sẽ dẫn đến tâm hồn trẻ hoang mang, hoảng sợ.

2. Thấy mình không tốt

Cha mẹ đánh mắng con quá mức sẽ khiến trẻ nghiêm túc nhận lỗi, điều này không chỉ gây áp lực tâm lý không nhỏ cho trẻ mà còn khiến trẻ cảm thấy có lỗi với cha mẹ rất nhiều. Nếu một đứa trẻ luôn cảm thấy mình không tốt ngay từ khi còn nhỏ và luôn tạo gánh nặng cho cha mẹ thì sự trưởng thành của trẻ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến sự phát triển bị cản trở và hạn chế.

3. Ảnh hưởng đến mối quan hệ cha con giữa cha mẹ và con cái

Dù thế nào đi nữa, đánh mắng cũng là một mặt xấu mà cha mẹ thể hiện trước mặt con cái, khó tránh khỏi để lại cho trẻ ấn tượng rằng cha mẹ rất hung dữ, dẫn đến mối quan hệ cha mẹ - con cái ảnh hưởng.

Trên thực tế, trong quá trình giáo dục con cái, trước hết cha mẹ phải học cách kiềm chế bản thân. Nếu chưa chưa biết cách giáo dục, hướng dẫn con đúng đắn thì có thể đọc truyện, sách dạy làm cha mẹ, tham khảo ý kiến từ các bậc phụ huynh hay chuyên gia có kinh nghiệm. Đồng thời, người lớn trước tiên phải làm gương và hạn chế hành vi tiêu cực của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại