Một câu chuyện xảy ra ở Trung Quốc mới đây đã khiến nhiều phụ huynh phải giật mình. Theo đó, trong khi một cặp vợ chồng đi vắng thì hàng xóm đã quay lại được cảnh tượng khá sốc về 2 đứa con của họ. Cụ thể bé gái là chị, hiện đang học mẫu giáo đã liên tục tát vào mặt cậu em trai gần 1 tuổi. Cậu bé vì còn quá nhỏ nên chẳng thể làm được gì mà chỉ biết ngơ ngác nhìn chị.
Sau khi biết được vụ việc, cặp vợ chồng nọ cho biết, con gái họ bình thường rất ngoan, được bố mẹ và ông bà nội ngoại thương yêu. Nhưng cách đây không lâu, khi người mẹ mang thai em trai đã không chuẩn bị tâm lý kỹ lưỡng cho bé gái.
Vì em trai còn nhỏ nên nhiều khi bố mẹ phải bận rộn chăm sóc hơn. Đôi lúc, bé gái cảm thấy không vui nhưng vẫn giúp đỡ bố mẹ chăm sóc em. Không ngờ là khi bố mẹ đi vắng, cô bé đã đánh em như vậy.
Cô bé liên tục đánh, tát em của mình.
Sau đó, chính người bố đã chia sẻ câu chuyện này lên mạng, nhờ các bậc cha mẹ khác tư vấn giúp mình cách giải quyết. "Con gái tôi còn rất nhỏ nhưng đã biết giả vờ thương yêu em trước mặt bố mẹ, giờ tôi phải làm sao", người bố đưa ra câu hỏi.
Trước câu chuyện này, một số ý kiến cho rằng, trước hết đừng đổ lỗi cho con cái mà nên tìm ra vấn đề từ phía cha mẹ trước.
Chúng ta đều biết, hiện tượng này thường xảy ra ở những gia đình đông con, chẳng hạn như anh cả sẽ bắt nạt em thứ hai khi bố mẹ đi vắng. Nguyên nhân là do hầu hết các bậc cha mẹ không nhìn nhận vấn đề từ góc độ của con cái. Liệu chúng ta đã đối xử bình đẳng với các con hay không? Có khi nào chúng ta khiến con cái tủi thân vì những hành động thiên vị trong vô thức? Cha mẹ đã có cách giáo dục đúng đắn để những đứa trẻ biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau hay chưa?
Cần dạy dỗ như nào để các con yêu thương, không ganh tị nhau?
Đầu tiên, để con cái luôn yêu thương nhau thì trước hết cha mẹ cần chú ý đến hành động của mình. Đừng thiên vị con cái, cũng đừng suốt ngày ra rả bắt anh/chị phải nhường em mọi lúc, mọi nơi. Sự bắt ép này của cha mẹ có thể gây ra sự ức chế tâm lý cho trẻ, khiến trẻ cho rằng tại vì em mà mình phải chịu bất công. Từ sự ấm ức đó, trẻ có thể ghét, thậm chí bắt nạt em mình.
Bên cạnh đó, có những điều cha mẹ cần ghi nhớ như sau:
1. Không nên so sánh hai đứa trẻ
Trong một gia đình đông con, chắc chắn bố mẹ sẽ không tránh khỏi sự so sánh "Nhìn anh/chị làm như thế nào, sao mà ngốc thế?"; "Nhìn em trai/chị ngoan ngoãn mà sao con lại nghịch ngợm thế này". Đừng nói bất cứ điều gì như thế. Việc so sánh có nghĩa là "cha mẹ không yêu con" đối với đứa trẻ. Việc bị giảm giá trị trong một thời gian dài không chỉ làm gia tăng thái độ thù địch với anh chị em mà còn khiến đứa trẻ cảm thấy tự ti hoặc thậm chí từ bỏ chính mình.
Cha mẹ cần có cách dạy đúng đắn để con cái hòa thuận.
2. Ở một mình với con cái
Tạo cơ hội ở một mình với con cái của bạn. Tại thời điểm này, con bạn không cần phải cạnh tranh để được chú ý và cảm nhận được tình yêu độc nhất mà cha mẹ dành cho mình. Có thể cùng con làm đồ thủ công, kể chuyện... Chỉ khi mỗi đứa trẻ tin rằng mình được yêu thương và có đủ tình yêu thương thì chúng mới có thể yêu thương người khác, anh chị em, gia đình mới được hòa thuận.
3. Giao tiếp với trẻ nhiều hơn, tìm ra vấn đề và sửa chữa kịp thời
Trong bộ phim "Reply 1988" đình đám của Hàn Quốc, bố của nhân vật chính Duk Sun đã nói một điều rất xúc động: "Lần đầu tiên bố cũng làm bố, bố phải học làm bố...". Cha mẹ thường cần giao tiếp nhiều hơn với con cái, tìm hiểu thêm về suy nghĩ thực sự của con cái, hoặc sau khi giải quyết một vấn đề, hãy hỏi con cái xem chúng có hài lòng không và bố mẹ đang làm gì sai. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể phát hiện ra vấn đề và sửa chữa kịp thời, đồng thời học cách trở thành một người cha, người mẹ tốt trong giao tiếp hàng ngày với con cái.
Nhà tâm lý học giáo dục người Mỹ Jane Nelson cho biết: "Hai đứa trẻ phải được đối xử bình đẳng, để một đứa không nảy sinh tâm lý "nạn nhân", còn đứa kia không nảy sinh tâm lý" bắt nạt". Điều quan trọng không phải là bạn làm gì, mà còn là cách bạn làm trông như thế nào". Cha mẹ phải có ý thức điều chỉnh tâm lý, đối xử công bằng với từng đứa trẻ, làm giảm bớt sự cạnh tranh giữa các con và khiến chúng cảm thấy mình là duy nhất.
Nguồn: Sohu