Đối với cha mẹ, một trong những vấn đề luôn được quan tâm nhiều nhất là việc học tập của con cái. Đặc biệt khi con mang bài kiểm tra về nhà, cha mẹ sẽ cùng con phân tích bài kiểm tra, xem con làm sai câu nào, giúp con hiểu nguyên nhân vì sao mình làm sai để tránh lặp lại lỗi đó trong lần sau. Trong tình huống hướng dẫn con làm bài, nhiều cha mẹ cũng có những tình huống đặc biệt.
Anh Lưu có một người con trai học lớp 3, thành tích mỗi lần đều đứng trong top 5 của lớp. Anh Lưu đặt nhiều hy vọng vào con trai mình, hy vọng con trai sau này sẽ thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng. Một ngày nọ, con trai cầm về nhà một bài kiểm tra đạt 95 điểm, anh Lưu vốn rất vui mừng, như thường lệ ngồi cùng con trai để phân tích bài kiểm tra.
Tuy nhiên, khi xem xét, anh Lưu phát hiện ra rằng câu hỏi bị trừ điểm của con trai là một bài toán tương đối dễ. Điều khiến anh không hiểu là câu này rõ ràng con trai đã làm đúng, tại sao giáo viên lại đánh dấu sai? Anh thấy, con trai anh làm phép tính “100:10=10” rõ ràng đã đúng nhưng cô giáo gạch đỏ.
Theo đó, bài toán có đề bài như sau: "Đoạn đường sắt dài 100m được nối bằng những thanh ray 10m. Hỏi cần tất cả bao nhiêu thanh ray?".
Con trai anh Lưu đặt phép tính “100 : 10 = 10”. Anh Lưu suy nghĩ mãi về câu hỏi này và vẫn cho rằng con trai mình không làm sai. Vì vậy, anh đã gọi điện cho giáo viên toán, chất vấn: "Căn cứ vào đâu mà cô chấm con trai tôi sai? Cô có nhìn nhầm khi chấm bài không?".
Nhận được cuộc điện thoại, cô giáo bình tĩnh đáp lại: “Câu hỏi này chỉ có một vài học sinh trong lớp làm đúng. Đây không phải là bài toán tính toán thông thường mà còn kiểm tra kiến thức thực tế. Tuyến đường ray gồm 2 ray song song với nhau đặt trên các thanh ngang, vậy nên câu trả lời đúng là (100x2) : 10 = 20 thanh ray.”
Nghe xong, anh Lưu cảm thấy xấu hổ nên đã xin lỗi giáo viên rồi cúp điện thoại. Nhưng sau đó, anh Lưu nghĩ, câu hỏi này mang tính “đánh đố”. Vì vậy, anh đã đăng câu hỏi này lên mạng xã hội để bàn luận, nhiều người cho rằng đề bài toán này lắt léo.
Theo Toutiao