Một hóa thạch khủng long đã chết vào đúng ngày tiểu hành tinh tên là Chicxulub đâm vào Trái Đất đã được các nhà khoa học tìm thấy. Nếu bạn chưa biết, Chicxulub chính là tên các nhà khoa học đặt cho tiểu hành tinh đã đâm xuống khu vực khu vực bán đảo Yucatán, Mexico 66 triệu năm trước.
Với bán kính hơn 10 km, và lớn xấp xỉ đỉnh Everest, vụ nổ của tiểu hành tinh này đã gây ra sự kiện tuyệt chủng lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Được biết đến ngày nay dưới tên gọi đại tuyệt chủng kỷ Phấn Trắng–Paleogene, sự kiện này đã xóa sổ tới 3/4 số loài thực vật và động vật trên toàn thế giới. Trong đó, không một loài động vật lớn hơn 25kg nào có thể sống sót bao gồm cả khủng long.
Hóa thạch con khủng long xấu số đã chết ngay ngày tiểu hành tinh Chicxulub đâm xuống Trái Đất được tìm thấy ở địa điểm khai quật Tanis thuộc tiểu bang North Dakota, Hoa Kỳ.
Nó được xác định là Thescelosaurus- một loài khủng long nhỏ sống ở cuối kỷ Phấn trắng muộn ở Bắc Mỹ. Con khủng long dài khoảng hơn 3 mét, có hai chân trong đó một chân được bảo quản gần như hoàn hảo.
Các nhà khoa học cho biết thậm chí một phần da của nó vẫn còn sót lại.
Con khủng long này đã chết vào đúng ngày tiểu hành tinh Chicxulub đâm vào Trái Đất
"Thật là một điều điên rồ", Phillip Manning, giáo sư lịch sử tự nhiên tại Đại học Manchester nói. "Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi chưa bao giờ dám mơ ước mình sẽ nhìn thấy một thứ gì đó như vậy".
Giáo sư Manning cho biết sở dĩ hoá thạch khủng long này trở nên đặc biệt bởi nó được xác định trong "một độ phân giải thời gian nằm ngoài những giấc mơ hoang đường nhất của chúng ta".
Không ai từng có mặt ở 66 triệu năm trước để chứng kiến loài khủng long tuyệt chủng. Con người khi đó còn chưa ra đời. Cũng không phải toàn bộ những con khủng long trên đã chết ngay trong khoảnh khắc tiểu hành tinh Chicxulub đâm vào Trái Đất.
Vậy tại sao các nhà khảo cổ học có thể xác định con khủng long này đã chết đúng vào thời điểm đó?
Trên thực tế, khu vực khảo cổ Tanis không chỉ có xác con khủng long Thescelosaurus. Các nhà khoa học còn tìm thấy ở đây một loạt các mẫu vật khác, bao gồm hoá thạch của một con rùa bị xuyên qua bởi một cọc gỗ, một quả trứng khủng long bên trong vẫn còn phôi và đặc biệt là những bộ xương cá với mảnh vỡ của tiểu hành tinh còn nguyên vẹn trong mang.
Đó là những hạt đá nóng chảy như thuỷ tinh được gọi là tektite. Tektite là những viên đá hoá lỏng vì bị nung lên đến nhiệt độ lớn hơn cả bề mặt Mặt Trời. Chúng sau đó nguội và kết tinh thành thuỷ tinh. Trải qua thời gian, thủy tinh sẽ thoái hoá thành đất sét, nhưng lõi của những hạt tektite này vẫn còn là thuỷ tinh.
Chúng đã nằm ở đây, trong mang cá và bên cạnh xác của con rùa cũng như con khủng long Thescelosaurus. Niên đại cũng như tình trạng của những hạt tektite này xác nhận chúng chỉ có thể sinh ra từ vụ nổ Chicxulub.
Khi những hạt thuỷ tinh lỏng rơi xuống từ trên trời giống như một trận mưa nham thạch, những con cá này đã đớp phải chung và chết. Con khủng long Thescelosaurus được tìm thấy cạnh nó cũng vậy.
"Chúng tôi tìm thấy rất nhiều chi tiết trong khu vực này, các bằng chứng cho chúng tôi biết những gì đã xảy ra trong khoảnh khắc ấy, nó gần giống như một cảnh quay trong phim. Bạn nhìn vào những viên đá, bạn nhìn vào hóa thạch ở đó, và chúng đưa bạn trở lại ngày định mệnh đó [khi tiểu hành tinh đâm xuống Trái Đất mở đầu cho cuộc đại tuyệt chủng của khủng long]", Robert DePalma, nhà khảo cổ đến từ Đại học Manchester dẫn đầu cuộc khai quật ở Tanis nói.
Giống như một thước phim
Đó là 66 triệu năm trước, khi lũ khủng long ngước nhìn lên bầu trời, chúng sẽ nhìn thấy một ngôi sao băng đang cháy rực sáng. Ngôi sao ấy cứ to dần và sáng dần lên mỗi ngày sau đó. Bởi vì, nó thực ra đây không phải sao băng, mà chính là một tiểu hành tinh đang hướng thẳng đến Trái Đất với tốc độ 72.000 km/h.
60 tiếng đồng hồ sau, tiểu hành tinh ấy chính thức rơi xuống và va chạm với Trái Đất. Khi đi xuyên qua bầu khí quyển, nó đã làm thủng một lỗ lớn, đốt cháy hết không khí và tạo ra một sóng xung kích siêu thanh khi vụ nổ xảy ra.
25 tỷ tấn đất đá và mảnh vỡ đã bị bắn tung ra khỏi bầu khí quyển, để lại trên mặt đất một hố sâu 20 km rộng 180 km. Đất đá xung quanh đó bốc cháy, trong khi nước tràn vào gây ngập lụt. Năng lượng được giải phóng ra từ đó nhiều hơn 1 tỷ quả bom hạt nhân được ném xuống Hiroshima cộng lại.
Nhưng một tiểu hành tinh không để lại một đám mây hình nấm đặc trưng, thay vào đó, nó tạo ra một đám cháy rực sáng như đuôi gà trống. Đó là vật liệu, đất đá bị nung đến nhiệt độ cao hơn cả bề mặt Mặt Trời, bị hất tung lên bầu khí quyển rồi rơi xuống.
Chúng bị lỏng hoá thành thuỷ tinh, tektite và rơi xuống như những cơn mưa nham thạch. Một số thậm chí thoát ra khỏi được lực hút của Trái Đất và bắn vào không gian, hạ cánh trên Sao Hoả hoặc các tiểu hành tinh cổ đại.
Toàn bộ khu vực Tây Bắc Bán Cầu, nhiệt độ đã tăng vọt. Những loài động vật lớn khi không tìm được chỗ trú ẩn có thể bị giết chết vì nhiệt độ. Sau đó, các trận động đất xuất hiện và kích hoạt một loạt chuỗi các vụ núi lửa phun trào.
Chúng thổi tro bụi vào khí quyển, che kín bầu trời và khiến mọi thứ tối sầm lại. Mặt Trời bị khuất bóng, nhiệt độ bề mặt hành tinh lại giảm xuống và cả Trái Đất trở nên lạnh lẽo.
Với ít ánh sáng hơn, các loài thực vật phải vật lộn để phát triển. Kết quả là những loài ăn cỏ may mắn sống sót qua vụ nổ thiên thạch lại không thể sống sót qua nạn đói, khi trữ lượng thức ăn của chúng cứ giảm dần. Động vật ăn thịt săn động vật ăn cỏ cũng vậy.
Đó là dấu chấm hết cho sự thịnh vượng của kỷ Phấn Trắng, nơi những con khủng long làm chủ Trái Đất và mở ra kỷ Paleogene cho những loài sinh vật nhỏ bé hơn. Động vật gặm nhấm và ăn xác thối hoá ra là những loài được hưởng lợi nhiều nhất.
Nếu như trước đây chúng chỉ có thể chạy tán loạn dưới chân khủng long thì bây giờ đã đứng trên xác của chúng và nhanh chóng làm chủ địa cầu.
Mất một khoảng thời gian dài sau vụ nổ tiểu hành tinh Chucxulub, Trái Đất chỉ là một thế giới tăm tối, với những con thú gặm nhấm sống giữa những loài dương xỉ. Nhưng rồi cuối cùng tro bụi cũng lắng xuống, Mặt Trời cũng hé rạng và một kỷ nguyên mới lại bắt đầu trên hành tinh.
Đó là kỷ Paleocen, kỷ nguyên của động vật có vú, kỷ nguyên của linh trưởng và của loài người chúng ta. Chỉ khi những con khủng long tuyệt chủng, nó mới giải thoát cho giống loài chúng ta phát triển. Nếu không có tiểu hành tinh đâm xuống Trái Đất 66 triệu năm trước, có lẽ chúng ta đã không có mặt ở đây để viết lại câu chuyện lịch sử này.
Tham khảo Theguadian, Businessinsider, Thenewyorkers.