Từ lâu, các nhà khoa học vẫn đặt ra giả thuyết về việc khủng long tuyệt chủng có liên quan đến vụ va chạm giữa tiểu hành tinh Chicxulub và Trái Đất.
Mới đây, lần đầu tiên các nhà khảo cổ học đã tìm thấy di tích hóa thạch về một con khủng long mà theo tính toán thời điểm chết trùng với ngày xảy ra một vụ va chạm với tiểu hành tinh.
Giáo sư Paul Barrett, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, Anh cho biết hóa thạch chân khủng long thuộc về một cá thể trong chi Thescelosaurus.
Ước tính, vụ va chạm xảy ra cách đây khoảng 66 triệu năm. Hóa thạch của khủng long Thescelosaurus nằm gần một mảnh vỡ tảng đá ngoài không gian có kích thước lớn được cho là thủ phạm gây ra cái chết.
Các nhà khảo cổ phát hiện ra hóa thạch ở địa điểm Tanis ở bang bắc Dakota, Mỹ, nơi được mệnh danh là nghĩa địa khủng long.
Đây là lần đầu tiên phát hiện ra nạn nhân khủng long từ vụ va chạm tiểu hành tinh để lại hố va chạm rộng đến 150 km ở vùng vịnh Mexico ngày nay.
Hóa thạch khủng long thiệt mạng trong vụ va chạm tiểu hành tinh |
Vụ va chạm nghi ngờ là thủ phạm gây ra sự kết thúc kỷ nguyên của loài khủng long và sự trỗi dậy của các loài động vật có vú.
Robert DePalma, nhà khảo cổ học tại Đại học Manchester cho biết: "Chúng tôi có bằng chứng đầu tiên về việc khủng long thiệt mạng do vụ va chạm với tiểu hành tinh vào cuối Kỷ phấn trắng".
Theo các chuyên gia, vụ phát hiện hóa thạch khủng long vào ngày bị hủy diệt là một điều phi thường. Với những cá thể không trực tiếp thiệt mạng do vụ va chạm thì cũng không thể tồn tại vì vụ việc gây ra một đám mây bụi, bồ hóng khổng lồ, biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều này là nguyên nhân gây ra việc xóa sổ 75% các loài động vật và thực vật.
Khi tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất đã làm rung chuyển mảng lục địa và gây ra những đợt sóng lớn sông, hồ, đại dương.
'Nghĩa địa khủng long' Tanis phát hiện vào năm 2008 nhưng mãi đến năm 2019 người ta mới công bố với toàn thế giới cùng với các khám phá xương khủng long, hóa thạch của các loài bò sát biển, lông vũ, trứng ...
Tanis cách địa điểm xảy ra vụ va chạm thiên thạch trên Vịnh Mexico ngày nay, ngoài khơi Bán đảo Yucatan khoảng 2.896 km. Các sóng địa chấn phát ra từ vụ va chạm với tiểu hành tinh đến Tanis trong vòng vài phút.