Trong ký ức của nhiều người Sài Gòn, con kênh Nhiêu Lộc với dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối tồn tại suốt hàng chục năm là hình ảnh không thể phai mờ, là biểu tượng của sự đói nghèo và an ninh phức tạp tại Tp.Hồ Chí Minh thế kỷ trước.
Còn nhớ, những hình ảnh về sự "xấu xí" của kênh Nhiêu Lộc được lột tả chân thực trong bộ phim nổi tiếng "Xóm nước đen" của đạo diễn Đỗ Phú Hải năm 1996. Xóm nước đen hay Xóm Cù Lao là cái tên mà mọi người gọi khu dân cư tại khu vực này.
Năm 2002, một dự án được xây dựng với mục tiêu "thay áo mới" cho dòng kênh đen Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Theo đó, Chính quyền đã xây dựng hệ thống cống ngầm dài 8km thu gom nước thải phía dưới kênh, gia cố bờ kênh và lắp đặt 60 km cống thu nước thải.
Sau đó, tuyến đường hai bên kênh được xây dựng. Và bây giờ, trên dòng kênh nước đen hôi thối một thời là đường xá, nhà cửa sầm uất. Dòng kênh bẩn ngày nào chính thức trở thành kênh du lịch nằm trong lòng thành phố, được nhiều người tự hào rằng, nó đẹp và độc đáo không kém gì các kênh đào ở Venice.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: UBND Quận 3, Tp.HCM
Tháng 9/2015, tour du ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè có tổng chiều dài 4,5 km, nằm lọt trong lòng thành phố, đi qua địa bàn các quận 1, 3, Bình Thạnh và Phú Nhuận cũng chính thức được đưa vào khai thác. Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn - Saigon Boat là đơn vị đầu tư và khai thác tour kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Thưởng ngoạn tour này, thuyền sẽ đưa du khách đi chầm chậm để có dịp chiêm ngưỡng một phần vẻ đẹp của thành phố với 9 cây cầu bắc qua dòng kênh, bao gồm Thị Nghè, Điện Biên Phủ, Bùi Hữu Nghĩa, Bông, Hoàng Hoa Thám, Trần Khánh Dư, Kiệu, Công Lý và Lê Văn Sỹ.
Toàn cảnh con thuyền du lịch trên kênh Nhiêu Lộc
Du khách sẽ được ngắm nhìn các điểm du lịch như Thảo Cầm Viên, chùa Vạn Thọ, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Pháp Hoa, chùa Quan Âm Tu Viện... và cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân ở hai bên bờ kênh.
Đây cũng là nơi du khách có thể check in, ngắm tòa nhà Landmark 81 chọc trời và khu phố ẩm thực trên con đường Hoàng Sa - Trường Sa.
Một góc bến thuyền
Ít ai biết, để tổ chức tour trên con kênh là cả quá trình khá gian nan. Để kinh doanh được dưới nước cần rất nhiều giấy phép như giấy chứng nhận đảm bảo an toàn môi trường, môi sinh…. Người lái đò cũng phải qua đào tạo rất kỹ lưỡng.
Anh Phan Xuân Anh - Chủ tịch Saigon Boat cho biết, mực nước trên kênh cạn, nhiều khi nước chỉ cách đáy nửa mét. Do đó, anh phải đi tới một số nước để khảo sát và quyết định đóng thuyền đáy bằng để giải bài toán nước nông.
Bên cạnh đó, việc cách âm thuyền (cho phòng động cơ và phòng khách) cũng là chuyện "bể đầu". Nếu âm thanh to, du khách không thể nói chuyện được.
Bến thuyền nằm tại quán cafe đối diện số 1 Hoàng Sa, quận 1, TPHCM. Từ đây, du khách sẽ xuống thuyền để bắt đầu hành trình du ngoạn kênh Nhiêu Lộc.
Sau khi lên thuyền, du khách có thể đứng trên mui thuyền ngắm Sài Gòn hoa lệ về đêm.
Ông Phan Anh cho biết, mỗi chiếc thuyền lớn của công ty có công suất chở tối đa 49 người, nhưng dù chỉ có 10 người thuyền, cũng chạy. Một chuyến như vậy cần 5 nhân viên, vừa là người phục vụ, vừa là nghệ sĩ biểu diễn phục vụ du khách. Các nghệ sĩ bao gồm nghệ sĩ hát đàn ca tài tử, thổi harmonica/ kéo đàn violin, biểu diễn xiếc…
Trước Covid-19, du khách nước ngoài chủ yếu đi tour ban ngày. Du khách nội địa thường thưởng ngoạn hoàng hôn hoặc đi tour chiều, tối, đêm vì ngày phải đi làm. Hiện nay, để kích cầu du lịch, giá tour thuyền lớn là 280.000 đồng tour/người, so với giá bình thường là 350.000 đồng. Lộ trình từ bến thuyền đối diện số 1 Hoàng Sa (quận 1) và "chui" qua 9 cây cầu.
Khách du ngoạn trên thuyền còn được nghe nhạc trữ tình, đờn ca tài tử, ăn nhẹ và ngắm nhà cao tầng, các khu cao ốc, trung tâm hiện đại của TP HCM...
Ly rượu vang dành cho du khách.
Tòa nhà Landmark 81 lấp lánh trong đêm nhìn từ thuyền.
Covid-19 xảy ra, du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng và tour du thuyền nội đô cũng không ngoại lệ.
Anh Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt, đơn vị hỗ trợ tổ chức tour cho Saigon Boat cho hay, Covid-19 khiến du khách nước ngoài hầu như không có và khách trong nước ít đi. Tour du thuyền tổ chức theo nhóm nhỏ, ít người và đảm bảo các yêu cầu chống dịch bệnh nên du khách vẫn có thể thưởng ngoạn tour này trong mùa dịch.
Tuy nhiên, trước Covid-19 - theo anh Mỹ - khách cũng chưa được như kỳ vọng. Một trong những lý do mà anh Mỹ đưa ra là tâm lý "bụt chùa nhà không thiêng". Cho nên, thành phố có tour du thuyền nội đô nhưng chưa hút được nhiều khách.
Trong khi thực tế, đánh giá từ những du khách trải nghiệm thì một tour du ngoạn trên kênh có đàn ca tài tử, đàn violin, ảo thuật và một bữa ăn có xôi gà, toàn bộ dịch vụ với giá dưới 300.000 đồng là rẻ bất ngờ.
Du khách được thư giãn với những điệu đàn du dương trên thuyền.
Check-in với dòng kênh về đêm.
Ảo thuật gia khuấy động du khách bằng màn tú lơ-khơ.
Món xôi - gà lá chanh chấm muối tiêu "huyền thoại", đậm nét ẩm thực Việt Nam
Anh Mỹ cho rằng kênh Nhiêu Lộc hoàn toàn không có mùi hôi dù du khách đi vào ngày nước cạn. Mùi hôi, nếu có, phải là từ cống thải dưới lòng kênh. Trong khi Nhiêu Lộc là kênh đầu tiên được cải tạo, lắp cống ngầm thu nước thải riêng ở Việt Nam, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo thành phố về môi trường và du lịch.
"Nếu biết trang điểm thêm một chút thì thật tuyệt." - Anh Mỹ nói - "Thay vì trang trí đường phố tốn kém gấy mất tập trung cho khách tham gia giao thông thì nên tổ chức thi làm đẹp mặt tiền, nhà cửa, cơ quan theo thủy lộ (Sông Sài Gòn và Kênh Nhiêu Lộc, đoạn từ Cầu Thị Nghè đến cầu Lê Văn Sỹ)".
Ngó ra ngoài thuyền, du khách sẽ bắt gặp khung cảnh người đi trên những chiếc thuyền nhỏ đang du ngoạn trên kênh.
Hoặc "phiêu" với những bản tình ca yêu thích.
Đèn hoa đăng được chuẩn bị cho du khách để thả trên sông
Và những điều ước sẽ lung linh theo những chiếc đèn
"Sài Gòn vừa tráng lệ, hiện đại nhưng cũng có dòng sông bình lặng, dễ thương. Du khách đi trên kênh có thể ngắm thành phố, rồi mùi đồ ăn từ hai con phố ẩm thực Hoàng Sa, Trường Sa tỏa đi khắp nơi. Tour du thuyền nội đô vốn là độc bản. Sài Gòn đã có Củ Chi, có Cần Giờ và tour kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được kỳ vọng sẽ là một kênh thu hút du khách quốc tế sau Covid" - Anh Mỹ chia sẻ.