Con gái nối nghiệp hàng cà ri vịt gần 30 năm của mẹ vì muốn giữ đúng hương vị đặc trưng chỉ Bạc Liêu mới có

THỰC HIỆN: HẠNH MỸ, ẢNH: MỸ HÂN |

Tại sao các tỉnh miền Tây đều có cà ri vịt nhưng chỉ ở Bạc Liêu mới là đặc sản?

“Đến Bạc Liêu là phải biết ăn chơi”, đây chắc hẳn là câu nói đùa phổ biến nhất của mọi người mỗi khi ai đó nhắc đến vùng đất này. Song, không phải là cổ súy cho lối ăn chơi ngông cuồng như vị công tử thuở nào, mà mang ý nghĩa rằng, đã tới đây nhất định phải ăn các món và trải nghiệm cuộc sống đúng điệu, như một người bản địa thứ thiệt.

Có thể chuyến thăm thú Bạc Liêu trong vài ba ngày sẽ chẳng đủ để hiểu hết về con người và cuộc sống của người dân nơi đây. Thế nhưng, du khách vẫn sẽ thu về được nhiều điều khi thưởng thức ẩm thực địa phương.

Món ăn từ nguyên liệu phổ biến ở miền Tây

Ở các tỉnh thành miền Bắc, gà là món ăn phổ biến nhất, đi đến đâu cũng bắt gặp các món ăn khác nhau chế biến từ gà. Còn đã đến với miền Tây thì thịt vịt sẽ thay thế, ai về đây mà chưa từng được đãi món vịt luộc chấm với nước mắm gừng hay gỏi vịt trộn bắp chuối, chỉ như vậy là cuộc nhậu có thể kéo dài từ đêm tới sáng. Để “nhẹ bụng” hơn người ta hay ăn cháo vịt nấu đậu xanh, kèm thêm miếng tiết vịt và giá đỗ cho đúng phong cách miền sông nước. Ngoài ra còn có vịt nấu chao, cà ri vịt…

Trong số các món ăn từ thịt vịt ở miền Tây thì có một món còn được đưa vào top 100 món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam, đó là cà ri vịt Bạc Liêu. Người ta có thể bắt gặp món ăn này từ trong các bữa tiệc sang trọng đến những quầy bán đồ ăn sáng khắp các con đường ở Bạc Liêu.

Con gái nối nghiệp hàng cà ri vịt gần 30 năm của mẹ vì muốn giữ đúng hương vị đặc trưng chỉ Bạc Liêu mới có - Ảnh 1.

Hương vị tuyệt vời của món ăn bình dân

Chỉ vừa dừng xe trước một cửa tiệm khá đông khách ngay thành phố Bạc Liêu, mùi thơm đặc trưng của cà ri đã xộc lên, như đánh thức mọi giác quan. Tiến vào đến nơi, chủ quán chinh phục thực khách ngay từ cái nhìn đầu tiên với rổ vịt chiên vàng ruộm. Ngay bên cạnh là nồi nước sền sệt, nghi ngút khói.

Với số tiền chỉ từ 35.000đ, thực khách có thể chọn lựa nhiều loại cà ri khác nhau, từ cà ri hủ tiếu, cà ri bánh mì, ăn đùi vịt, ức vịt hay lòng vịt, huyết vịt, ăn cay hay không cay.

Đa số tới đây đều chọn ăn cà ri hủ tiếu. Phần thịt vịt được chế biến dai, mềm vừa đủ độ, kết hợp với sợi hủ tiếu dai dai, chan thêm muôi nước cà ri cay nồng. Song, phải chấm thêm vào dĩa muối ớt hay muối tiêu chanh thì các hương vị mặn, ngọt cùng mùi thơm của các loại thảo dược mới được quyện lẫn vào nhau, khiến người ăn phải xuýt xoa đến ứa lệ. Món này sẽ ăn kèm với quế, giá đỗ sống, ngò gai. Nếu thích, nhiều người cũng gọi thêm quẩy chấm cùng.

Nối nghề của mẹ vì muốn giữ đúng hương vị cà ri thịt vịt Bạc Liêu

Tới quán, ngoài những người đứng tuổi thì còn có cả người trẻ tuổi hay các vị khách du lịch. Theo lời những vị khách quen, hàng cà ri vịt cô Nguyệt này có lẽ là một trong những cửa tiệm đầu tiên mở bán trên con đường Hòa Bình, hay thậm chí đầu tiên trong khu vực thành phố Bạc Liêu.

Món cà ri vịt ở Bạc Liêu hấp dẫn các thực khách ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Và người đứng bếp hiện tại chính là con gái ruột của cô Nguyệt - chị Hiền. Nếu như lần đầu tới đây, hẳn không ít người tỏ ra ngạc nhiên khi không ngờ chủ quán lâu đời lại là một phụ nữ trẻ, sở hữu nét mộc mạc, lúc nào cũng tươi tắn, nhanh nhẹn phục vụ các thực khách.

Theo lời chị Hiền, cửa tiệm này được mẹ của chị mở từ cách đây chừng 28 năm, khi mới 2-3 tuổi gì đó, chị đã bắt đầu quen thuộc với hương vị cay nồng, đậm đà của cà ri.

Con gái nối nghiệp hàng cà ri vịt gần 30 năm của mẹ vì muốn giữ đúng hương vị đặc trưng chỉ Bạc Liêu mới có - Ảnh 5.

Chị Hiền là truyền nhân của cô Nguyệt - chủ nhân của quán cà ri vịt hơn 25 năm ở Bạc Liêu.

Nói về món cà ri vịt, chị Hiền cho biết: “Thật ra cách chế biến tương tự như bao địa phương khác ở miền Nam Bộ. Tuy nhiên, thứ làm nên nét đặc trưng của cà ri vịt nơi đây là phần nước sốt. Cà ri vịt Bạc Liêu không dùng đến nước cốt dừa hay sữa đặc mà tận dụng vị thơm béo đến từ chính miếng thịt vịt được ướp đậm đà, chấm với muối ớt và nước dùng được sền sệt nhờ bột củ năng”.

Con gái nối nghiệp hàng cà ri vịt gần 30 năm của mẹ vì muốn giữ đúng hương vị đặc trưng chỉ Bạc Liêu mới có - Ảnh 6.

Phần nước xốt không dùng thêm nước dừa và sữa đặc.

Loại vịt dùng làm nguyên liệu cho món này cũng phải là vịt cỏ, non, nhỏ, thả đồng nên không nhiều mỡ. Nước cà ri tuy hơi giống với cà ri Ấn Độ nhưng có thêm vị nồng của lá cà ri tươi.

Ngày nay, các hàng quán bán món cà ri vịt mọc lên như nấm, không chỉ ở thành phố Bạc Liêu mà còn ở nhiều nơi khác. Tuy nhiên, cô gái 9X vẫn mong muốn được theo nghiệp mẹ để phục vụ thực khác những bát cà ri vịt nóng hổi, thơm nồng, theo đúng chuẩn hương vị “xứ công tử Bạc Liêu”.

Con gái nối nghiệp hàng cà ri vịt gần 30 năm của mẹ vì muốn giữ đúng hương vị đặc trưng chỉ Bạc Liêu mới có - Ảnh 7.

Không chỉ phần nước dùng khác biệt mà cách ăn cà ri vịt chấm với muối ớt cũng chỉ có ở Bạc Liêu.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại