Cha mẹ có bao giờ tự hỏi: Quát mắng con cái có mặt tích cực và tiêu cực thế nào? Ai cũng hiểu, trẻ con cần bị răn đe trong khuôn khổ thì mới ngoan ngoãn được. Nhưng nếu cha mẹ quát mắng các em một cách vô cớ, điều đó vô hình gây nên sự tổn thương, thậm chí khiến trẻ trở nên kém khả năng giao tiếp xã hội hơn.
Một bà mẹ Trung Quốc mới đây đã chia sẻ câu chuyện gia đình lên MXH. Chị có con gái tên Tiểu Mỹ, 5 tuổi và là một đứa trẻ nghịch ngợm, hoạt bát. Thường ngày, gia đình em đã quá quen việc cô bé sẽ làm hư hỏng hay rơi vỡ đồ đạc trong nhà. Những ngày gần đây, bà của em nhập viện nên vào cuối tuần, em được mẹ gọi dậy sớm để hai mẹ con tranh thủ vào bệnh viện mang bữa sáng cho bà.
Lúc này, Tiểu Mỹ với thân hình thấp bé cố với tay lên bàn để lấy cho bằng được cốc sữa nhưng rồi em vô tình làm đổ xuống sàn. Khi thấy cảnh tượng này, lại xảy ra ở ngay thời điểm chị đang vội nên đã mắng xối xả con một trận.
Chị hét lớn: "Con bị sao vậy? Sao lại gây ra chuyện nữa rồi, con đã có sữa của mình thì còn cố lấy làm gì. Chỗ này không phải chỗ của con, đi ra khỏi đây!"
Người mẹ sau đó đã đi lấy giẻ và khăn giấy để dọn bãi "chiến trường" mà con gái để lại, còn cô bé chỉ lặng lẽ đứng nhìn mẹ dọn dẹp. Đợi một lúc, em mới nhỏ nhẹ nói: "Lúc nãy con chưa thấy mẹ ăn sáng nên chỉ muốn lấy giúp mẹ một chút sữa thôi!"
Nghe tới đây, người mẹ bỗng khựng lại rồi ngước lên nhìn con gái. Lúc này, chị mới thấy hành động lớn tiếng của mình lúc nãy có vẻ đã khá nặng nề trong khi cô bé chỉ muốn có ý tốt. Người mẹ lúc này gọi con gái đến gần, ôm lấy em và nói: "Mẹ xin lỗi, mẹ không nên vội vàng la con như vậy, con có sợ không?" Cô bé đáp: "Không vì con yêu mẹ!"
Nhiều bậc cha mẹ sau khi có con đều hứa rằng mình không quát mắng con cái nhưng trên thực tế, không ít phụ huynh đã không kìm chế được bản thân khi thấy con nghịch phá hay làm hỏng đồ đạc. Không thể phủ nhận rằng, việc nhắc nhở là điều mà cha mẹ nên làm để con có ý thức hơn trong cuộc sống nhưng nhắc nhở ra sao, phê bình thế nào để tránh tổn thương trẻ thì không phải phụ huynh nào cũng nắm rõ.
Vậy cha mẹ nên làm gì khi con mắc lỗi:
- Tìm hiểu nguyên nhân: Khi vội trách con mà chưa biết được chuyện gì thực sự đã xảy ra sẽ khiến trẻ tổn thương. Do đó, hãy tìm cách hiểu được cốt lõi vấn đề, dùng những câu hỏi gián tiếp và trực tiếp để tìm hiểu xem nguyên nhân xuất phát từ đâu. Như vậy, trẻ sẽ không phải chịu những lời mắng oan, vô căn cứ từ người lớn.
- Cha mẹ nên cố gắng nói chuyện với con: Xét cho cùng, để con sợ hãi không phải là mục đích của việc la mắng con mà là để con hiểu ra cái sai của bản thân. Vì vậy, trước tiên cha mẹ nên đối thoại với con cái, có thể phương pháp này sẽ hiệu quả hơn việc dùng lời lẽ nặng nề.
- Cha mẹ nên giữ bình tĩnh: Cha mẹ nên biết rằng mất bình tĩnh là điều rất có hại, nó chỉ làm cho con cảm thấy sợ hãi và làm tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn, vì vậy cha mẹ phải bình tĩnh nhắc nhở con, điều ấy giúp con dễ chấp nhận hơn lời nói của phụ huynh mà cố gắng nghe theo và sửa đổi.
Nguồn: Sohu