Hầu như đứa trẻ nào cũng thích vẽ, nhất là những đứa trẻ còn chưa có khả năng diễn đạt tốt bằng lời nói. Vẽ là một cách để trẻ thể hiện cảm xúc của bản thân. Đặc biệt, sau khi trẻ bước vào giai đoạn nhạy cảm với hội họa, những "tác phẩm" của trẻ sẽ chưa đựng nhiều thông điệp hơn, người lớn có thể thông qua các bức tranh ấy để hiểu hơn về thế giới nội tâm trong trẻ.
Đồng Đồng là một cô bé khá rụt rè, ít nói nhưng thích vẽ. Cha mẹ Đồng Đồng thấy vậy bèn gửi con đến lớp dạy vẽ. Tại đây, Đồng Đồng cho thấy thiên phú của mình với bộ môn hội họa. Mới 4 tuổi nhưng cô bé đã tham gia nhiều cuộc thi vẽ khác nhau và thường giành được giải thưởng. Cha mẹ Đồng Đồng càng thêm tự hào, đi đâu họ cũng hớn hở khoe về con gái mình.
Thế nhưng dù liên tục tỏa sáng với các bức vẽ của mình, Đồng Đồng lại càng ngày càng im lặng, thậm chí còn không chịu nói chuyện với người thân. Cha mẹ Đồng Đồng lo lắng con mình có vấn đề về tâm lý nên đã tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia.
Tìm hiểu kỹ mọi chuyện, chuyên gia tâm lý phát hiện ra rằng hầu như ngày nào Đồng Đồng cũng vẽ các loại rắn khác nhau. Sau khi trao đổi với phụ huynh, chuyên gia cho biết: "Có thể cô bé đang bị xâm hại. Tốt nhất gia đình nên báo cảnh sát điều tra đi".
Cha mẹ Đồng Đồng nghe lời chuyên gia nên đến trường của Đồng Đồng để tìm hiểu sự việc. Đúng như dự đoán, ở lớp có một đứa trẻ thường xuyên bắt nạt Đồng Đồng, thậm chí làm tổn hại đến cơ thể của cô bé, nhưng Đồng Đồng không dám nói cho gia đình biết.
Trên thực tế, giống như trường hợp của Đồng Đồng, trẻ em tuy còn nhỏ nhưng có thể bày tỏ tâm tư của mình thông qua hội họa, dùng hội họa để nói lên suy nghĩ của mình với cha mẹ.
Những bức tranh thế nào thường chứa đựng tiếng nói của trẻ?
Rắn
Nếu một đứa trẻ thường xuyên vẽ rắn trong một thời gian dài, điều đó sẽ không phải chuyện ngẫu nhiên. Theo các chuyên gia, khi trẻ bị tổn thương hoặc bị kích thích quá mức, nếu không dám bộc lộ ra ngoài, trẻ sẽ thể hiện cảm xúc của mình thông qua việc vẽ. Lúc này, trẻ sẽ vẽ rắn hoặc lửa, bởi vì những thứ này tượng trưng cho bóng tối và thứ kinh dị khiến trẻ sợ hãi từ đáy lòng.
Căn nhà
Cá rằng đứa trẻ nào cũng từng vẽ một ngôi nhà, thế nhưng những ngôi nhà khác nhau sẽ tượng trưng cho những tâm tư khác nhau của trẻ.
Ví dụ, nếu trẻ vẽ một ngôi nhà không có ống khói, điều đó có nghĩa là trẻ vô cùng bất an và mong nhận được sự quan tâm, yêu thương của gia đình; nếu trẻ thích vẽ những ngôi nhà hình vòng cung thì có nghĩa là trẻ đang rất mong manh, rất phụ thuộc vào mẹ trong giai đoạn này và gia đình cần rèn luyện cho trẻ khả năng tự lập.
Không chỉ những bức tranh trẻ vẽ có thể bộc lộ cảm xúc nội tâm trong trẻ mà màu sắc trẻ yêu thích cũng là một trong những cách để cha mẹ hiểu con mình hơn.
Thích màu đỏ
Nếu trẻ thích màu đỏ, điều đó có nghĩa là trẻ là người hướng ngoại và thích mọi thứ mới mẻ, thử thách. Một đứa trẻ như vậy không nhút nhát và sẽ học nói nhanh hơn các bạn cùng lứa, song chúng cũng dễ cáu bẳn, giận dỗi hơn.
Thích màu xanh da trời
Màu xanh da trời thường được cho là "màu u sầu", nếu trẻ thích màu này có nghĩa là trẻ sống nội tâm hơn song trẻ cũng có ưu điểm là ngoan ngoãn, nhạy cảm, có lợi cho việc dạy dỗ của cha mẹ.
Thích màu xanh lá cây
Màu xanh lá cây tượng trưng cho thiên nhiên. Trẻ thích màu xanh lá cây sẽ yêu thích cuộc sống tự nhiên và thích các loài động vật nhỏ. Cha mẹ không nên hạn chế việc con mình khám phá thiên nhiên.
Thích màu đen
Những đứa trẻ thích màu đen thường có ý chí rất mạnh mẽ, thậm chí dễ bạo lực và thích tấn công. Những đứa trẻ như vậy không thích sống theo nhóm và không sẵn sàng giao tiếp với người khác.
Nhìn chung, cha mẹ không nên bỏ qua những bức vẽ của con mà phải chú ý đến chúng, để hiểu rõ hơn về thế giới nội tâm của con và đến gần con hơn.
Nguồn: Sina