Gần đây, một cặp vợ chồng họ Lưu sống ở Hồ Nam, Trung Quốc đã rơi vào trường hợp như thế. Họ lấy nhau đã lâu nhưng mãi sau này mới sinh được một bé gái kháu khỉnh đáng yêu. Vừa sinh ra, cô bé thừa hưởng những nét đẹp của bố và mẹ, ai nhìn vào cũng hết lời khen ngợi.
Nhưng sau 4 tuổi, gương mặt của cô bé ngày càng biến dạng, các nét từ từ thay đổi không còn giống bố mẹ như ngày đầu.
Anh chị Lưu liền nghĩ về những câu chuyện kỳ lạ từng được chia sẻ trên truyền hình như tráo đổi con cái, hoặc do sự nhầm lẫn của y tá. Khá lo lắng cho tình hình này, anh chị Lưu mới quyết định đem con đến bệnh viện xét nghiệm ADN.
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra bác sĩ bảo rằng không cần xét nghiệm ADN mà hãy đến khoa tai mũi họng để kiểm tra.
Kết quả cho thấy, quá trình phát triển gương mặt của đứa bé có vấn đề. Cụ thể răng nhô ra ngoài, môi dày hơn, khuôn mặt ngày càng dài và có dấu hiệu biến dạng so với ban đầu.
Dựa vào những kiểm tra sơ bộ, bác sĩ nghi ngờ đứa bé bị viêm VA và phải tiến hành phẫu thuật ngay lập tức. Vừa nghe tin, anh chị Lưu không tin đây là sự thật, tại sao con lại mắc căn bệnh này.
Các bác sĩ cho biết, những đặc điểm trên gương mặt đứa trẻ thay đổi do vùng mũi bị viêm nhiều, tổ chức lympho tăng sinh, gây hẹp ở mũi sau, nên khi trẻ nằm, đặc biệt là nằm ngửa, lưỡi gà rớt ra phía sau, gặp VA to thì sẽ làm đường thở ở phía sau hẹp lại, bít tắc khiến trẻ không thở bằng mũi được, phải há miệng thở.
Tình trạng há miệng thở kéo dài sẽ gây biến dạng mặt của trẻ như làm môi vẩu lên, khung răng đưa ra phía trước như bị hô. May mắn thay, bố mẹ đã phát hiện ra sớm nên chỉ cần tiến hành phẫu thuật thì mọi thứ sẽ dần ổn định.
Nhiều phụ huynh có vẻ lạ lẫm với căn bệnh này, nhưng trên thực tế bệnh viêm VA là bệnh lý thường gặp ở trẻ vào mùa lạnh. Các bác sĩ cho biết, do dấu hiệu dễ trùng với những bệnh hô hấp thông thường như viêm họng, viêm mũi nên có thể gây nhầm lẫn, và đó là lý do nhiều bố mẹ bỏ qua.
Vị trí của VA.
VA, chữ viết tắt từ tiếng Pháp Vesgestation Adenoides. Ở Việt Nam, mọi người thường gọi là sùi vòm mũi họng. VA có từ lúc trẻ mới sinh, bản chất là tổ chức lympho giống như amidan. Bình thường VA chỉ dày khoảng 2 - 3mm, không gây cản trở hô hấp.
VA phát triển từ 6 tháng tuổi, phát triển mạnh lúc 2 - 5 tuổi, từ 9 -10 tuổi VA teo dần và chỉ còn dấu vết ở tuổi dậy thì. Tuy nhiên, ở một số người do VA viêm kéo dài, quá phát nên vẫn còn tồn tại đến tuổi trưởng thành.
Triệu chứng viêm VA cấp thường biểu hiện trẻ sốt trên 38°C, có khi sốt cao 39 - 40°C, kèm theo trẻ trong tình trạng kích thích hoặc co giật, quấy khóc. Trẻ bị tắc ngạt mũi, thường bị cả hai bên, ngạt tăng khi nằm, trẻ phải há mồm để thở, bỏ bú, bỏ ăn, nôn trớ.
Sau đó trẻ chảy mũi cả hai bên, lúc đầu chảy mũi nhầy sau đó đặc dần, màu trắng đục, số lượng tăng. Vì vậy, ngay khi con gặp phải những dấu hiệu này, bố mẹ cần đưa đến bệnh viện kiểm tra gấp trước khi để tình trạng này kéo dài.
(Nguồn: Sohu)