Con đường đời đầy điều kỳ lạ của nhà tiên tri nổi tiếng Vanga (Phần 5): Vanga lấy chồng

Trần Hậu |

Một lần, có mấy người lính thuộc trung đoàn quân nhu 14, quân đội Bungaria, đến gặp Vanga. Trong số họ có một người tỏ ra rất lo lắng điều gì đó và muốn trao đổi trực tiếp với riêng cô. Đó là anh Dimitr Gushterov từ làng Kryndjilitsa thuộc vùng Petrich.

Phần 5: VANGA LẤY CHỒNG

Năm 1942, biên giới Nam Tư-Bungaria được thiết lập, dòng người từ Petrich, các làng lân cận và các địa phương khác xa hơn bắt đầu tìm đến Vanga.

Ai cũng muốn biết điều gì đang chờ đợi mình và các thành viên gia đình trong tương lai. Nhiều con bệnh cũng đến gặp Vanga với hy vọng được chữa khỏi bệnh.

Một lần, có mấy người lính thuộc trung đoàn quân nhu 14, quân đội Bungaria, đến gặp Vanga. Trong số họ có một người tỏ ra rất lo lắng điều gì đó và muốn trao đổi trực tiếp với riêng cô. Đó là anh Dimitr Gushterov từ làng Kryndjilitsa thuộc vùng Petrich.

Anh trai anh ta bị những tên ác ôn ăn cắp rồi giết chết, để lại ba đứa con mồ côi và bà vợ góa đang bị bệnh lao.

Dimitr bối rối đi lại trong sân, không dám vào nhà. Bỗng nhiên cánh cửa mở ra và trên ngưỡng cửa xuất hiện Vanga, cô gọi tên anh ta và nói:

Tôi biết anh đến đây vì việc gì. Anh muốn tôi cho anh biết kẻ nào đã giết anh trai của anh. Có thể, sau này tôi sẽ nói, nhưng anh phải hứa với tôi là không trả thù họ, vì không cần thiết làm điều đó. Anh sẽ sống đến ngày tận mắt nhìn thấy bọn chúng sẽ kết thúc thảm hại”.

Những lời Vanga nói khiến Dimitr Gushterov kinh ngạc đến mức chân anh tưởng như khụyu xuống khi bước ra khỏi nhà. Anh không thể nào cắt nghĩa nổi vì sao cô biết được tên anh, đoán biết được những điều anh ấp ủ trong lòng.

Về sau anh còn mấy lần nữa đến gặp cô gái kỳ diệu này để giãi bày tâm sự và nhờ cô giúp đỡ. Họ trò chuyện với nhau rất lâu trong căn phòng nhỏ của cô.

Ngày 20 tháng 4, Vanga nói với em gái rằng Dimitr ngỏ lời cầu hôn cô và sẽ đưa hai chị em về sống ở Petrich.

Con đường đời đầy điều kỳ lạ của nhà tiên tri nổi tiếng Vanga (Phần 5): Vanga lấy chồng - Ảnh 1.

Vanga và chồng.

Dạo ấy mấy người em trai không ở nhà, Vasil đi lính ở Dupnitsa, còn Tome đi làm ăn ở tận bên Đức.

Ngày 22 tháng 4, một cỗ xe dừng lại trước nhà Vanga. Từ trong xe, Dimitr ăn mặc đẹp, hồi hộp bước ra. Sàn xe được trải cỏ thơm và hoa, còn phía trên đặt một tấm thảm màu sặc sỡ để hai chị em thoải mái lúc đi đường.

Tin Vanga lên xe hoa nhanh chóng lan khắp vùng, những người hàng xóm và quen biết kéo đến để chia tay với cô. Một số người thậm chí còn trách cô bỏ quê hương ra đi.

Vanga không để ý tới lời họ nói, vì cô chia tay không chỉ với quê hương mà cả những hồi ức nặng nề, sự nghèo khổ và số phận buồn thảm của một đứa trẻ mồ côi. Hai chị em hy vọng rằng cùng với việc thay đổi chỗ ở, cuộc sống của họ cũng sẽ tốt đẹp hơn.

Của hồi môn của cô dâu chỉ mang tính tượng trưng. Vanga choàng tấm khăn len đỏ do cô tự đan, mang theo cái nồi đồng nhỏ và cái bình toong – toàn bộ hành lý chỉ có vậy.

Họ treo chiếc khóa sắt gỉ lên cánh cửa và lên đường, cỗ xe lăn bánh trên con đường gồ ghề dẫn tới Petrich. Họ lặng lẽ ra đi, lòng thầm nhớ Strumitsa và nghĩ về tương lai.

Họ đến Petrich vào buổi chiều ngày hôm đó. Cỗ xe dừng lại trước một ngôi nhà thấp lè tè, dưới con số 10 trên phố Dân binh. Dimitr đưa tay cho vợ chưa cưới, giúp cô xuống xe.

Những kẻ tò mò không giấu nổi sự thích thú khi quan sát người hàng xóm tương lai của họ từ cửa sổ căn phòng của mình. Gương mặt thanh tú, nhợt nhạt ẩn trong mái tóc màu hạt dẻ toát lên sự bình thản và cương nghị.

 Với vóc người nhỏ nhắn, mảnh mai, trong tấm áo dài sờn cũ nhưng sạch sẽ, Vanga tự tin bước xuống xe, không hề để ý tới những kẻ ngồi lê mách lẻo cho rằng một cô gái như vậy trong nhà chỉ là của nợ cho gia đình.

Sự tò mò của những người hàng xóm được nhân lên bởi một yếu tố khác, hết sức cơ bản.

Ở đây không chỉ nói về một cô gái bình thường, không có gì đặc biệt, ngoài sự mù lòa mà về nhà tiên tri Vanga, về tài năng khác thường của cô – khả năng dự báo tương lai và giúp đỡ mọi người giải quyết những khó khăn trong cuộc sống,

chữa trị các loại bệnh khác nhau, điều mà họ đã được nghe và biết ở cái thị trấn vùng biên này. Vì vậy, sự tò mò hoàn toàn có thể lý giải được.

Lubka chăm chú quan sát nơi ở mới của họ. Ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo, mái nhà dường như sẵn sàng đổ sụp xuống bất cứ lúc nào.

Trước nhà là một khoảng sân trống không bị bỏ hoang. Họ bước vào một hành lang tối, dài và bẩn thỉu. Hai căn phòng nhỏ được bố trí hai bên dãy hành lang. Một phòng về sau trở thành phòng ngủ của đôi vợ chồng mới cưới, còn phòng kia là nơi Vanga tiếp khách.

Về sau họ xây thêm một căn phòng nữa dành cho bà mẹ 70 tuổi của Dimitr, ba đứa con của người anh bị giết và hai đứa con của một người anh khác. 

Tất cả họ đều ngủ trên tấm phản gỗ, không có đệm. Tá túc trong một xó của ngôi nhà là bà vợ góa của anh trai bị bệnh lao.  Nhìn đâu cũng thấy sự bẩn thỉu và nghèo khổ.

Vanga đánh đổi cuộc sống nghèo khổ, đầy mất mát của mình lấy một cuộc sống không kém phần nghèo khổ và khó khăn.

Ngày 10 tháng 5 năm 1942, Vanga kết hôn với anh Dimitr Gushterov 23 tuổi và trở thành bà nội trợ trong ngôi nhà của mình. Bắt đầu một cuộc sống không dễ dàng.

Bà mẹ chồng thậm chí không muốn giấu diếm sự bất bình về lựa chọn của con trai. Ngay từ cuộc gặp gỡ đầu tiên với nàng dâu, bà đã nói thẳng: “Ôi, con trai, lẽ nào đó là số phận của con?”

Có lẽ, bà hy vọng con trai sẽ mang về nhà một cô gái nông dân khỏe mạnh. Bởi vì cần phải làm ruộng và chăm lo cho gia đình của người con cả với người vợ đang sắp chết, 5 đứa trẻ mồ côi, đã thế lại còn thêm cả Lubka.

Vanga lặng lẽ nuốt vào lòng sự tủi nhục và chẳng bao lâu cô đã chứng minh được khả năng của mình. 

Vanga không sợ những lời đàm tiếu lẫn sự nghèo khổ, vì cô không những có cá tính mạnh mẽ mà còn nhiều kinh nghiệm trong cuộc đấu tranh sinh tồn tích lũy được hầu như từ khi mới lọt lòng.

Từ sáng đến tối, Vanga cùng Lubka không biết mệt mỏi giặt giũ, quét dọn, lau chùi, sửa chữa, sơn phết, và chẳng bao lâu ngôi nhà của họ trở nên sáng choang.

Họ cũng thực hiện một số sửa đổi ngoài sân. Vanga cấm những người ở các làng lân cận bán hàng trong sân nhà mình.

Cuộc sống đi vào nền nếp và không khác gì cuộc sống của những gia đình khác trong thời chiến. Nhưng điều đó diễn ra không lâu. Ít lâu sau, mọi người biết rằng ở Petrich xuất hiện một nhà tiên tri. Thông tin đó lan đi rất nhanh. 

Những đoàn người lại đổ về ngôi nhà của Gushterov trên phố Dân binh.

Người chồng không thích điều đó. Dimitr cho rằng người phụ nữ có chồng chỉ nên lo toan công việc gia đình. 

Anh rất tôn trọng Vanga và  tài năng của chị, nhưng trong chừng mực nào đó, điều đó làm tổn thương lòng tự trọng của anh, vì anh cho rằng mình đủ khả năng bảo đảm cuộc sống gia đình.

Vanga cũng rất yêu quý và tôn trọng chồng như một con người và một người chồng, nhưng cô cho rằng thiên chức của cô là phục vụ con người. Hơn nữa, tài năng của cô không để cô yên, đòi hỏi cô thường xuyên tự thể hiện.

Trong những năm chiến tranh, ở vùng này có nhiều người tham gia du kích, họ trốn trong rừng, chiến đấu chống bọn phát xít. Người thân của họ thường đến gặp Vanga để hy vọng tìm hiểu điều gì đó về họ.

Những cuộc viếng thăm như vậy không còn bí mật đối với cảnh sát. Đại diện của “trật tự mới”, Dimitr Sugurov và Boris Lazarov hầu như ngày nào cũng ghé qua nhà Vanga, dọa dẫm cô, yêu cầu cô kể về những điều cô nói với người thân của “kẻ thù chế độ mới”. Nhưng Vanga im lặng.

Trong thời gian đó, bắt đầu một đợt động viên quân sự. Dimitr cũng nhập ngũ, anh được điều tới phục vụ tại một đơn vị ở Hy Lạp. Lúc chia tay, anh hứa với Vanga rằng nếu sống sót trở về anh sẽ xây cho cô một căn nhà mới đẹp tuyệt vời để ở đó cô quên đi những nỗi bất hạnh của mình.

Còn Vanga chỉ khuyên chồng: “Hãy tránh xa nước”.

Mùa xuân năm 1944, chồng Vanga trở về từ Hy Lạp, người anh gầy chỉ còn da bọc xương. Dimitr yếu đến mức không đủ sức làm được việc gì.

Phải sang năm sau, sức khỏe của Dimitr mới dần dần hồi phục và anh có thể bắt tay vào xây ngôi nhà mới như đã hứa với Vanga. Anh có đôi tay khéo léo và tài năng thợ xây, mặc dù không được học ngành này bao giờ. Dimitr tự làm lấy mọi việc, trừ những việc nặng nhọc.

Đồng thời, thông tin về Vanga ngày càng lan rộng. Ngày càng có nhiều người đến gặp cô xin giúp đỡ. Cô thức dậy khi còn chưa rõ mặt người, chuẩn bị bữa ăn cho cả gia đình, nhào bột làm bánh mỳ, sau đó tiếp khách, giúp đỡ họ tìm lại hy vọng và niềm tin.

Năm 1944, hai anh em Tome và Vasil trở về nhà. Sau một thời gian sống ở Đức, Tome về định cư ở Strumitsa. Anh trai Vasil từng đóng quân ở làng Lahana tận Hy Lạp, bất ngờ xuất hiện ở Petrich.

Anh nói với Vanga rằng sẽ trở về Strumitsa và tham gia du kích. Thời gian này ở vùng Strumitsa, người ta thành lập lữ đoàn du kích Makedonia với sự tham gia của rất nhiều thanh niên để chiến đấu chống bọn phát xít Đức. 

Vasil và Lubka quyết định ra đi mà không nói gì với Vanga.

Vasil mới 22 tuổi. Vanga rất lo lắng khi biết được quyết định của em trai, cô vừa khóc vừa cầu xin em ở lại Petrich. Cô nói với em: “Đừng đi, em sẽ bị giết năm 23 tuổi!”. Nhưng Vasil vẫn giữ nguyên quyết định của mình và nói rằng không tin như vậy.

Ngày hôm đó, cùng với Lubka, họ lên đường tới Strumitsa, tìm gặp Tome, và hôm sau, cả ba anh em trở thành du kích.

Vasil trở thành đội trưởng đội công binh. Ngày 8 tháng 10 năm 1944, anh nhận nhiệm vụ phá chiếc cầu ở làng Furka, nơi các đơn vị quân đội Đức thường rút lui qua cầu này. Vasil hoàn thành nhiệm vụ nhưng vô ý đánh rơi chứng minh thư. 

Sau khi phá cầu, anh trốn tại nhà một người bạn trong làng, định đêm đến sẽ trở về đơn vị. Khi lục soát các mảnh vỡ của cây cầu, bọn lính Đức tìm thấy chứng minh thư của Vasil. 

Một người nông dân nào đó bị bắt cách chiếc cầu không xa khai rằng đã nhìn thấy chàng trai này ở trong làng.

Bọn Đức đã bắt tất cả dân làng và dồn vào nhà thờ.  Cùng với những người khác Vasil cũng bị tóm. Chúng tuyên bố rằng nếu trước 1 giờ dân làng không khai báo người du kích thì sẽ đốt nhà thờ cùng với mọi người. 

Nhiều người ở đây biết mặt Vasil, biết rằng chính anh là người đã đánh bom chiếc cầu, nhưng im lặng. Hiểu rằng anh không thể bắt tất cả dân làng hy sinh tính mạng của họ, Vaisil bước ra khỏi đám đông và nói: “Chính tôi đã làm điều đó!”. 

Bọn Đức lôi anh ra sân nhà thờ, đuổi mọi người ra khỏi nhà thờ, và trước mặt tất cả mọi người, chúng tra tấn, đánh đập anh, sau đó bắn chết;

Sự kiện bi thảm này diễn ra ngày 8 tháng 10, đúng vào ngày Vasil tròn 23 tuổi.

Cuộc chiến tranh kết thúc, mang lại nhiều đau thương, mất mát cho mọi người. Cuộc sống dần dần trở lại ổn định. Hai năm liền, Dimitr bận rộn công việc làm nhà, cuối cùng anh đã xây xong ngôi nhà vừa chắc chắn vừa đẹp. 

Anh bỏ ra nhiều sức lực để xây nhà, sức khỏe vốn yếu ớt của anh ngày càng trở nên tồi tệ, anh thường xuyên bị đau mạnh ở vùng dạ dày. Một người bạn thân khuyên anh hàng ngày uống một cốc rượu rakia. 

Ít lâu sau, Dimitr bị nghiện rượu và tính tình thay đổi: anh trở nên cau có và hay bực tức, suốt ngày đóng cửa lại ngồi một mình trong phòng, không thích trò chuyện với ai, và thường xuyên uống rượu.

Rõ ràng, anh mang một nỗi buồn nào đó trong lòng nhưng không muốn thổ lộ cùng ai. Anh không nghe lời khuyên của các bác sĩ lẫn của vợ cầu xin anh thay đổi lối sống. 

Vanga đi dạo quanh nhà vật vờ như một cái bóng, âm thầm chịu đựng nỗi đau khổ và lo âu, và đêm nào cô cũng khóc. 

Về sau cô nói với em gái rằng chính lúc bấy giờ cô đã biết chồng sẽ không qua khỏi nhưng không nói với ai và cầu nguyện Thượng đế ban điều kỳ diệu.

Trong khi đó đoàn người vẫn tìm đến Vanga nhờ giúp đỡ, họ tụ tập trước cổng ngôi nhà, cô lắng nghe họ, khuyên bảo, chữa bệnh, và thậm chí không ai nghĩ rằng trong chính ngôi nhà cô đang xảy ra điều bất hạnh.

Suốt 12 năm trời Dimitr “điều trị” như vậy, cho tới khi nằm liệt giường. Cuối cùng, anh vào bệnh viện và bị chẩn đoán là xơ gan, người đã bắt đầu bị phù.

Vanga rơi vào tuyệt vọng, cô muốn ở bên chồng và gần một tuần ngồi bên giường bệnh.

Một lần, bác sĩ điều trị nói với nữ y tá rằng muốn thông báo điều gì đó với Vanga. Nhưng cô trả lời rằng không cần thiết làm điều đó, vì cô biết chồng sắp chết và đề nghị cho anh về nhà. Ở nhà dường như anh cảm thấy dễ chịu hơn, và anh ngủ được. 

Vanga nằm ngủ trên sàn nhà, dưới chân anh. Suốt 6 tháng liền chồng bị bạo bệnh, cô không một phút rời xa anh, dường như muốn truyền cho anh một phần sức lực và ý chí của mình. Mà cũng có thể cô muốn chia tay như vậy với người chồng đã chung chăn gối hai chục năm trời.

Không ai trong gia đình muốn nhắc lại những ngày nặng nề này, còn em gái Lubka đã viết về những giây phút cuối cùng như sau:

“Khi Dimitr hấp hối, Vanga quỳ bên giường bệnh, và từ đôi mắt mù lòa của chị nước mắt không ngừng chảy, chị thì thầm điều gì đó. Hoặc là cầu nguyện Đấng Tối cao phù hộ cho anh, hoặc là chia tay với chồng.

Ngày 1 tháng 4 năm 1962, Dimitr trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 42. Và khi bí mật vĩ đại của cái chết đã được phát lộ, Vanga không khóc nữa và ngủ thiếp. Chúng tôi đã làm tất cả những gì cần thiết. Mọi người bắt đầu đến, nhưng chị ấy vẫn ngủ. 

Chị ngủ cho tới lúc làm lễ mai táng. Sau đấy chị nói: “Chị tiễn anh ấy tới nơi anh ấy phải đến”.

Hôm sau, tôi ra khỏi nhà và nói với mọi người tập trung ở cửa nhà chúng tôi rằng chồng Vanga vừa mất hôm qua nên không thể tiếp khách. Nhưng chị phản đối: “Hãy gọi mọi người trở lại. Chị sẽ tiếp tất cả mọi người. Họ cần chị”.

Lubka ghi lại hình ảnh Vanga như sau: “Chị luôn luôn choàng chiếc khăn góa phụ màu đen. Gương mặt nhợt nhạt và cứng đờ, toàn bộ bản thể dường như hướng vào nội tâm, cách biệt với tất cả những gì xung quanh… 

Và dòng người vẫn đến, ngày một đông, họ đến từ khắp nơi trên trái đất với những khó khăn của mình: từ các nhà khoa học đến những người ít học, từ những kẻ hoài nghi đến người mộ đạo, từ người ốm đau đến người khỏe mạnh… Và chị không từ chối một ai”.

Còn tiếp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại