Có phải làm càng lâu thì số ngày nghỉ phép năm càng nhiều?
Ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc được quy định cụ thể tại Điều 114 Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể, cứ đủ 5 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 1 ngày.
Ví dụ, năm 2013, Anh A có 12 ngày phép năm. Sau 10 năm làm việc cho công X thì đến năm 2023, anh A đã có thêm 2 ngày phép năm, như vậy tổng cộng anh A có 14 ngày phép năm.
Công ty có phải trả tiền cho ngày phép năm chưa nghỉ hết của nhân viên không?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người lao động chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm mà thôi việc, bị mất việc làm thì sẽ được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
Như vậy theo quy định nêu trên, công ty chỉ có nghĩa vụ thanh toán tiền lương cho những ngày phép năm chưa nghỉ hết của người lao động trong trường hợp người lao động thôi việc hoặc bị mất việc làm.
Căn cứ khoản 3 Điều 67 Bộ luật Lao động năm 2019, tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động những ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề tháng người lao động thôi việc, bị mất việc làm.
Theo đó, khoản tiền phép còn thừa khi nghỉ việc sẽ được tính như sau:
Tiền phép còn thừa khi nghỉ việền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề của tháng người lao động thôi việc, mất việc : Số ngày làm việc bình thường của tháng trước liền kề của tháng người lao động thôi việc, mất việc x Số ngày phép còn thừa khi nghỉ việc
Trong đó:
Số ngày phép còn thừố ngày phép được hưởng tính đến thời gian nghỉ việc - Số ngày phép đã nghỉ
Căn cứ Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm việc đủ năm cho người sử dụng lao động sẽ được nghỉ từ 12 đến 16 ngày làm việc, ngoài ra còn được cộng thêm phép thâm niên.
Trường hợp làm không đủ năm thì số ngày phép được theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc thực tế.
Công ty phải thanh toán phép còn thừa khi nghỉ việc trong bao lâu?
Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 ghi nhận, trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ một số trường hợp đặc biệt có thể kéo dài thời hạn thanh toán nhưng không được quá 30 ngày.
Theo đó, công ty phải thanh toán tiền phép còn thừa khi nghỉ việc cho người lao động trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
Nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây thì công ty sẽ được nới thời hạn thanh toán tiền phép còn dư từ 14 ngày làm việc lên 30 ngày:
- Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
- Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
- Doanh nghiệp bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản;
- Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
Tiền phép năm còn dư khi nghỉ việc sẽ được người sử dụng lao động thanh toán cùng với lương và các khoản trợ cấp khi nghỉ việc.
Trường hợp công ty bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản, người lao động phải được ưu tiên thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác liên quan trước các nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp (chỉ xếp sau chi phí phá sản theo khoản 1 Điều 54 Luật Phá sản).
Không thanh toán phép cho nhân viên nghỉ việc, công ty có bị phạt?
Việc thanh toán đầy đủ quyền lợi cho người lao động khi nghỉ việc là trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Nếu không thanh tiền phép còn dư cho người lao động, người sử dụng lao động sẽ bị phạt hành chính về lỗi "không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm".
Căn cứ khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, tùy vào số người lao động không được thanh toán phép năm mà người sử dụng lao động sẽ phạt như sau:
- Không thanh toán phép cho 01 đến 10 người lao động: Phạt tiền từ 05 đến 10 triệu đồng.
- Không thanh toán phép cho 11 đến 50 người lao động: Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.
- Không thanh toán phép cho 51 đến 100 người lao động: Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng.
- Không thanh toán phép cho 101 đến 300 người lao động: Phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng.
- Không thanh toán phép cho 301 người lao động trở lên: Phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng.
Thêm vào đó, theo điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động còn bị buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền trả thiếu cho người lao động với mức lãi suất bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.