Con dâu có quyền hưởng thừa kế của bố mẹ chồng hay không?

PV/VOV.VN |

Con dâu được hưởng di sản thừa kế của bố mẹ chồng trong trường hợp bố mẹ chồng chết có để lại di chúc cho con dâu và được hưởng thừa kế từ chồng.

"Ông ngoại tôi vừa mới mất, ông mất và chưa kịp lập di chúc. Bà ngoại của tôi thì đã mất rồi. Ông bà có 5 người con (3 trai và 2 gái). Người con trai cả mất khi còn trẻ chưa vợ con; còn 2 cậu của tôi cũng mất được 7 năm; giờ chỉ còn lại 2 người con gái là mẹ tôi và dì. Khi còn sống, ông tôi đã cho mỗi người 50 mét đất rồi, mẹ và dì tôi đã có sổ đỏ rồi.

Cả 2 cậu đã lập gia đình và có con. Gia đình cậu út ra ở riêng từ khi cậu lấy vợ, còn 1 cậu thì vẫn ở với ông và vợ cậu đến giờ vẫn nằm trong hộ khẩu của ông. Nhưng sau khi cậu tôi mất, mợ đã chuyển về sống với gia đình bố mẹ đẻ. Hiện các mợ của tôi tranh chấp đòi chia tài sản ông ngoại tôi để lại.

Xin hỏi: Tài sản của ông ngoại tôi sẽ được chia như thế nào? Các mợ tôi có được quyền hưởng tài sản của ông tôi không?"

Con dâu có quyền hưởng thừa kế của bố mẹ chồng hay không? - Ảnh 1.

Con dâu được hưởng di sản thừa kế của bố mẹ chồng trong trường hợp bố mẹ chồng chết có để lại di chúc cho con dâu và được hưởng thừa kế từ chồng.

Với tình huống pháp lý trên, Công ty Luật TNHH Minh Gia (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) tư vấn như sau:

Thứ nhất, di sản của ông sẽ được chia như thế nào?

Theo thông tin bạn cung cấp, ông bạn mới mất và không để lại di chúc. Nếu toàn bộ di sản ông để lại là tài sản riêng của ông thì khi ông chết không có di chúc, di sản thừa kế của ông sẽ được chia theo pháp luật cho những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Khi ông mất thì bà và người con cả đã mất trước và người con cả không có vợ, con nên phần di sản của ông sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất khác là 04 người con và bố mẹ của ông (nếu còn sống). Tuy nhiên có 2 cậu đã mất trước ông nên các con của cậu sẽ được hưởng thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2015:

“Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

Di sản thừa kế của ông bạn sẽ được chia thành 4 phần, cụ thể:

- Mẹ bạn hưởng 1/4.

- Dì hoặc bác gái bạn hưởng 1/4.

- Các con của cậu thứ 2 hưởng 1/4.

- Các con của cậu thứ ba hưởng 1/4.

Thứ hai, những người con dâu có quyền đối với di sản thừa kế không?

Như phần thứ nhất đã phân tích, người thừa kế theo pháp luật không bao gồm con dâu của người để lại di sản thừa kế đồng thời hai người con trai đều mất trước ông, phần thừa kế của hai người con trai này được hưởng từ ông sẽ do các con của họ thể vị vào hưởng nên các mợ của bạn không có quyền tranh chấp đối với tài sản của ông bạn.

Nếu các con của cậu còn nhỏ dưới 18 tuổi thì mợ có thể đại diện cho các con nhận di sản thừa kế./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại