Hàng nghìn người mắc bẫy kịch bản 'đường mật' của Tập đoàn trồng sâm Ngọc Linh ảo như thế nào?

Trang Anh |

Toàn bộ số tiền của nhà đầu tư đều được chuyển vào tài khoản cá nhân của bị can Phạm Mỹ Hạnh. Hiện công ty đã mất khả năng thanh toán, nhiều tài khoản của công ty đều không còn tiền.

Lừa hàng nghìn người với tổng số tiền 1.200 tỷ đồng

Công an quận Cầu Giấy đang tạm giam bị can Phạm Mỹ Hạnh (43 tuổi, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh - MHG) để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4, điều 174 Bộ luật Hình sự.

Quá trình khám xét chỗ ở, nơi làm việc và một số địa điểm cơ quan điều tra đã phát hiện thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án.

Trong thời gian tới, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy tiếp tục củng cố tài liệu chứng cứ làm rõ các đối tượng liên quan đồng phạm giúp sức bị cáo Phạm Mỹ Hạnh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, triệt để xác minh thu hồi tài sản đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, khẩn trương củng cố hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

Bước đầu công an xác định Hạnh đã chiếm đoạt số tiền hơn 600 tỷ đồng.

Hàng nghìn người mắc bẫy kịch bản đường mật của Tập đoàn trồng sâm Ngọc Linh ảo như thế nào? - Ảnh 1.

Nữ Tổng GĐ Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh - Ảnh: CA Hà Nội

Theo lực lượng chức năng, trong 2 năm qua, đã có hàng nghìn người đầu tư vào dự án trồng sâm Ngọc Linh với tổng số tiền 1.200 tỷ đồng. Họ được hứa hẹn sẽ nhận được lãi suất từ 24 - 48%/năm.

Tuy nhiên, trong 1.200 tỷ của nhà đầu tư thì công ty chỉ 1% được sử dụng vào sản xuất; còn lại là trả lãi cho người góp trước; đầu tư vào các dự án bất động sản và chi tiêu bất hợp pháp vào mục đích cá nhân. Toàn bộ số tiền của nhà đầu tư đều được chuyển vào tài khoản cá nhân Chủ tịch hội đồng quản trị công ty. Hiện công ty đã mất khả năng thanh toán, nhiều tài khoản của công ty đều không còn tiền.

Chia sẻ trên VTV, một nhà đầu tư cho biết: Mỹ Hạnh đưa lên các hình ảnh truyền thông cho thấy công ty là doanh nghiệp phát triển rất hoành tráng, được tặng rất nhiều bằng khen cả trong nước và quốc tế. Điều đó đã khiến các nạn nhân có niềm tin về công ty và những lợi nhuận khủng khi tham gia đầu tư.

Một nạn nhân khác cho hay: "Họ (tập đoàn Mỹ Hạnh) nói là chỉ một mình doanh nghiệp họ được nhà nước lựa chọn để đưa sâm Ngọc Linh, quốc bảo của Việt Nam ra thế giới, vừa ích nước, vừa lợi nhà".

Hàng nghìn người mắc bẫy kịch bản đường mật của Tập đoàn trồng sâm Ngọc Linh ảo như thế nào? - Ảnh 2.

Công ty rầm rộ mở hàng loạt chi nhánh - Ảnh: Tiền Phong

Mức lãi suất cao cùng hình ảnh và thông tin đầy triển vọng về hoạt động công ty, những cuộc hội thảo, giải thưởng đã khiến hàng loạt các nhà đầu tư mắc bẫy. Có rất nhiều thông tin về doanh nghiệp đã được người đại diện thổi phồng quá mức. Công an đang tiếp tục truy vết dòng tiền để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.

Mức lãi suất cam kết 30-40% đều có dấu hiệu lừa đảo

Quá trình điều tra xác định trong thời gian từ tháng 10/2020 đến tháng 11/2022, mặc dù Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh không có dự án đầu tư về cây sâm Ngọc Linh nhưng bị can Hạnh vẫn đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật để kêu gọi các nhà đầu tư nộp tiền góp vốn vào công ty.

Hạnh hứa hẹn trả lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư, rồi chiếm đoạt tiền, sử dụng vào hoạt động đầu tư bất động sản nhằm hưởng lợi cá nhân.

Một nạn nhân là chị H. 33 tuổi, quê Hải Dương cho biết thông qua người quen giới thiệu, tháng 6/2022, chị đến trụ sở Tập đoàn Mỹ Hạnh để nghe chủ tịch tập đoàn nói về dự án trồng sâm Ngọc Linh. Thấy tin tưởng nên chị H. rủ người thân mua cổ phần, tổng giá trị 1,2 tỷ đồng.

Đến tháng 7/2022, chị và hàng chục người ở Hà Nội, Hải Dương được mời vào hợp tác xã ở Kon Tum để tham quan dự án trồng sâm Ngọc Linh. Sau chuyến đi này, chị chỉ được nhận 4 tháng lãi suất 2,5%/tháng rồi từ đó đến nay đến tiền gốc đã mua cổ phần góp vốn cũng không lấy được.

Một nạn nhân khác là bà B.T.N. ở Hải Dương cho biết, ban đầu bà chỉ tính đầu tư vài trăm triệu tiền tiết kiệm thôi, nhưng Tập đoàn Mỹ Hạnh nói giá trị đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên mới được vào tham quan vườn sâm Ngọc Linh ở Kon Tum. Vì vậy, bà kêu gọi cả người nhà, bạn bè tham gia đầu tư và giờ đang có nguy cơ mất trắng.

"Ngày nào cũng có người đòi tiền, tôi bị bệnh còn không có tiền mua thuốc. Nghĩ đến chuyện đầu tư vào Mỹ Hạnh tôi đau lắm...", bà N. chia sẻ trên Tuổi trẻ Online.

Được biết, Hợp tác xã Tuyết Sơn Kon Plông (do bà Phạm Mỹ Hạnh đại diện theo pháp luật) có dự án nông trại hữu cơ nhưng không bao gồm sâm Ngọc Linh. Tập đoàn Mỹ Hạnh không có bất kỳ dự án đầu tư vườn sâm Ngọc Linh nào trên địa bàn huyện Kon Plông.

Cơ quan công an thông tin về việc thời gian gần đây có liên tiếp các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ hình thức huy động vốn. Theo lực lượng công an, mức lãi suất cam kết 30-40%/năm đều có dấu hiệu lừa đảo. Người dân phải tiếp cận những báo cáo tài chính, hoạt động kinh doanh cụ thể của công ty mới đưa ra quyết định đầu tư.

Hình thức lừa đảo thông qua thủ đoạn kêu gọi góp vốn, đầu tư của các đối tượng là một thủ đoạn khá tinh vi, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và đánh vào lòng tham.

Công ty cổ phần tập đoàn Mỹ Hạnh được thành lập tháng 8/2017, có địa chỉ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Công ty này quảng cáo hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, trồng Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu; Sản xuất và phân phối sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh; Spa Dược liệu Sâm…

Trong thời gian ngắn Công ty đã rầm rộ mở hơn 13 showroom trưng bày và giới thiệu sản phẩm Sâm Ngọc Linh tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước. Các sự kiện này đều làm rất hoành tráng, thu hút nhiều người đến tham dự và đầu tư.

Tuy nhiên, đến năm 2022, nhiều nhà đầu tư có đơn tố cáo công ty của bà Hạnh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản do không trả tiền lãi, gốc theo cam kết.

Sau đó, tại trụ sở chính của Công ty cổ phần tập đoàn Mỹ Hạnh nằm ở số 39 Nguyễn Quốc Trị, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy cũng đóng cửa.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại