Shelley Binder là thế hệ cháu chắt của Leah Aks và F. Phillip Aks - hai người đã sống sót sau thảm họa tàu Titanic năm 1912. Bà Binder là một giáo sư âm nhạc đã nghỉ hưu và một nhà sử học nghiên cứu về tàu Titanic.
Bà cảm thấy như thể lịch sử đã lặp lại khi nghe tin về chiếc tàu lặn Titan đã biến mất vào ngày 18/06 với năm người trên tàu.
Leah Aks (phải) và con trai F. Phillip Aks (giữa) đã trải qua một thảm họa kinh hoàng trong lịch sử
Bà chia sẻ: “Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về 5 nạn nhân và gia đình họ. Bà cố của tôi (Leah Aks) đã lên tàu Titanic vào ngày 10/04/1912. Bà ấy lên tàu cùng với con trai (khi đó là mới 10 tháng tuổi). Trong nhật ký của bà có ghi chép lại việc bà tham dự một bữa tiệc vào ngày 14/04. Thế nhưng vui vẻ chưa được bao lâu thì bà phải đối mặt với một thảm họa khủng khiếp và phải đấu tranh một cách tuyệt vọng để giành lại sự sống”.
Bà giải thích: “Điều này khiến tôi kinh ngạc bởi 5 nạn nhân của tàu Titan đều có cảm xúc phấn khích lúc đầu giống bà cố. Nhưng chỉ một khoảng thời gian ngắn sau đó, họ đều gặp phải sự cố kinh hoàng. Đặc biệt hơn là tất cả đều diễn ra ở cùng một nơi, và tôi cho rằng lịch sử đang lặp lại”.
Có cùng quan điểm với bà Binder là James Cameron, đạo diễn bộ phim Titanic năm 1997. Ông đã cho rằng vụ nổ của tàu Titan tại địa điểm trùng hợp như vậy là một sự kỳ quái. Ông nhận xét: “Tôi rất ngỡ ngàng vì sự trùng hợp của hai vụ tai nạn này. Trước đây, thuyền trưởng tàu Titanic đã liên tục được cảnh báo về tảng băng trôi ở phía trước con tàu, nhưng ông phớt lờ và tăng hết tốc lực để đi vào vùng băng trôi”.
Ám ảnh nỗi đau quá khứ
Bà cố của Binder, Leah Aks là một người nhập cư gốc Ba Lan, lúc đó mới 18 tuổi và có một cậu con trai 10 tháng tuổi, F. Phillip Aks. Bà muốn đi đến Mỹ để gặp chồng, Sam Aks. Sam đã rời Anh để đến Mỹ vào ba tháng trước trên con tàu Cymric, nhưng Leah vẫn kiên quyết ở lại vì cô muốn được đi trên tàu Titanic và tin rằng đó là một con tàu không thể chìm.
Bà đã mua vé ở khoang hạng ba. Bốn ngày sau, tai hoạ ập tới: Tàu Titanic va phải một tảng băng trôi ngoài biển Newfoundland và dần chìm xuống. Tại thời khắc náo loạn đó, Bà Leah đã lạc mất Phillip.
Sau đó, bà đã lên được một con tàu cứu hộ mang tên Carpathia và nghĩ rằng con trai mình đã chết. Nhưng may mắn là Phillip đã sống sót khi được đưa lên tàu cứu nạn. Hai mẹ con đã được đoàn tụ trong khu chữa bệnh của Carpathia.
Leah và con trai Phillip nằm trong số 712 người sống sót sau vụ đắm tàu Titanic. Có 1496 phụ nữ, trẻ em và đàn ông khác đã thiệt mạng do thời tiết khắc nghiệt tại vùng biển Bắc Đại Tây Dương.
Sau khi đến Mỹ an toàn, bà Leah bị suy nhược thần kinh và phải nhập viện trong 11 tháng tiếp theo. Bà bị tổn thương tâm lý và thường xuyên mơ thấy cảnh mọi người vùng vẫy và la hét dưới nước, bóng ma quá khứ ám ảnh bà cho đến khi bà qua đời vào năm 1967.
Binder nói về tình trạng của bà cố: “Bà ấy bị sang chấn tâm lý nặng nề, và những hình ảnh đó đeo bám bà cho đến lúc cuối đời. Có lẽ trong tương lai sẽ có nhiều người quen của 5 nạn nhân gặp những ác mộng tương tự. Tôi nghĩ rằng các nạn nhân đã ký giấy miễn trừ và xác định tâm lý trước khi đối mặt với những rủi to lớn trong cuộc phiêu lưu này”.
Nguồn: Mirror