Cụ thể, theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông), quyết định này cho thấy thái độ của Ấn Độ đã có sự thay đổi rõ rệt - khi nước này cho đến thời gian gần đây vẫn chối từ việc chọn phe trong cuộc đối đầu của hai cường quốc Mỹ-Trung.
Sự trở lại của Australia trong cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar, được tổ chức tại Vịnh Bengal và biển Ả Rập vào tháng 11 tới, cũng được cho là cơ sở cho việc chính thức hóa nhóm "Bộ tứ Kim cương" (QUAD) và biến nhóm này thành liên minh đối phó Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu.
Mặc dù vẫn còn quá sớm để kết luận rằng nhóm "Bộ tứ Kim cương" có thể trở thành "NATO Ấn Độ-Thái Bình Dương" như lời cảnh báo hồi tuần trước của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hay không, nhưng rõ ràng đối với Bắc Kinh, việc một liên minh đối phó Trung Quốc xuất hiện ngay ngưỡng cửa chính là một "cơn ác mộng".
Tuy nhiên, điều này không hề xảy đến một cách bất ngờ hay đột ngột.
Thông báo trên được Ấn Độ đưa ra chỉ vài ngày sau khi ngoại trưởng của 4 quốc gia nhóm họp tại Tokyo để thảo luận về việc Australia tham gia cuộc tập trận Malabar.
Sau đó, Mỹ đã nhanh chóng cử Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun tới Ấn Độ, nơi ông này cảnh báo rằng New Delhi đang "quá thận trọng" đối với Trung Quốc.
Các nhà quan sát cho rằng những diễn biến trên là phản ứng của các quốc gia trong "Bộ tứ Kim cương" sau khi Trung Quốc có loạt động thái ngoại giao - quân sự hung hăng, khiến nhiều ý kiến cho rằng nước này muốn thế chân Mỹ và thống trị khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Được biết, Australia từng tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar vào tháng 9/2007 với tư cách đối tác không thường trực, nhưng sau đó nước này không tiếp tục tham gia tập trận do sức ép của Bắc Kinh, theo SCMP.
Ảnh: TFIPost
"Cơn ác mộng" của Trung Quốc đang dần thành hình
"Bộ tứ Kim cương" là khái niệm do cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề xuất vào năm 2007, và 10 năm sau đó, khái niệm này đã tái xuất trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ban đầu, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã do dự trước đề xuất mời Australia tham gia cuộc tập trận Malabar, do những lo ngại về Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong những tháng qua, khi căng thẳng giữa hai nước Trung-Ấn tại khu vực biên giới leo thang, đặc biệt là sau vụ đụng độ đẫm máu hồi tháng 6 ở Ladakh khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, thái độ của New Delhi đã thay đổi rõ rệt. Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cũng đã thừa nhận rằng các cuộc đụng độ biên giới khiến quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc "xáo trộn sâu sắc".
SCMP cho rằng việc Trung Quốc cần làm ngay lúc này không phải là đổ lỗi cho Washington hay chính quyền Trump, mà thay vào đó Bắc Kinh nên tự kiểm điểm lại những "sai lầm" của chính họ.
Dù có những khác biệt về thương mại và nhiều vấn đề khác, nhưng nỗi lo ngại và nghi ngờ sâu sắc đối với Trung Quốc dường như đã trở thành yếu tố quan trọng nhất liên kết Mỹ và các quốc gia như Ấn Độ và Nhật Bản.
Trong khi tranh chấp biên giới Trung-Ấn chưa có dấu hiệu sẽ được giải quyết triệt để, và mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ, Australia đều suy giảm, thì có vẻ như "Bộ tứ Kim cương" sẽ trở thành thách thức lớn nhất đối với khát vọng toàn cầu của Trung Quốc trong những năm tới.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: