Cơn ác mộng năng lượng và vết nứt lớn dần trong lòng châu Âu

Kiều Anh |

Khi cuộc xung đột Nga - Ukraine đang ở tháng thứ bảy, sự rạn nứt trong lòng châu Âu ngày càng sâu sắc, chủ yếu liên quan đến vấn đề năng lượng.

Rạn nứt lớn dần trong lòng EU

Trong bài phát biểu ngày 14/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nhấn mạnh đến sự đoàn kết của EU nhằm phản ứng trước chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Phương Tây cho rằng những biện pháp trừng phạt cứng rắn chống lại Nga cũng như sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine và bảo vệ người tị nạn đã cho thấy ý chí sẵn sàng hành động cùng nhau của liên minh này trong khủng hoảng. Tuy nhiên, khi cuộc xung đột Nga - Ukraine đang ở tháng thứ bảy, sự rạn nứt trong lòng châu Âu ngày càng sâu sắc, chủ yếu liên quan đến vấn đề năng lượng.

Cơn ác mộng năng lượng và vết nứt lớn dần trong lòng châu Âu - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: AFP

Một mùa đông ảm đạm đang chờ đợi châu Âu. Khi nhiệt độ giảm, nhu cầu khí tự nhiên sẽ tăng lên, gây sức ép cho nguồn cung năng lượng hạn chế của EU giữa bối cảnh Nga cắt giảm sản xuất và hoạt động qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 bị ngưng trệ. Hiện nay, người dân EU đang chật vật trước giá năng lượng tăng mạnh, theo đó, người tiêu dùng Tây Ban Nha đã phải trả tiền mua khí tự nhiên nhiều hơn tới 140% trong khi giá điện của Pháp và Đức tăng hơn 10 lần so với cuối tháng 8/2021.

Vấn đề năng lượng đang gây ra tranh cãi giữa các nước thành viên EU. Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha không có cùng quan điểm với Pháp về việc hoàn thành đường ống MidCat, có thể giảm nhẹ sức ép nguồn cung khí đốt của Trung Âu bằng cách kết nối với Bán đảo Iberian. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phản đối dự án này, cho rằng đường ống là không cần thiết và đi ngược với các mục tiêu chuyển đổi năng lượng của liên minh. Tuy nhiên, một số nước EU cho rằng sự phản đối trên xuất phát từ việc Pháp muốn ngăn chặn sự cạnh tranh với ngành xuất khẩu năng lượng của nước này. Đây được coi là một tín hiệu không mấy triển vọng cho sự đoàn kết của EU.

Sự chia rẽ trong EU cũng nảy sinh trong những cuộc tranh luận về các lệnh trừng phạt. Trong khi Ủy ban châu Âu và hầu hết các thành viên EU muốn áp thêm các biện pháp hạn chế lên Nga thì Thủ tướng Hungary Viktor Orbán kêu gọi dỡ bỏ trừng phạt và đổ lỗi rằng các lệnh trừng phạt chính là nguyên nhân gây ra khủng hoảng năng lượng. Những cuộc biểu tình phản đối gần đây ở Cộng hòa Séc và các cuộc thăm dò dư luận ở Italy cho thấy ngày càng nhiều nước EU đối mặt với sức ép từ công chúng liên quan đến các lệnh trừng phạt. Điều này đã phủ bóng lên sự thống nhất trong chính sách trừng phạt tương lai của EU.

Cuối cùng, chính sách kinh tế trong nước của các nước thành viên nhằm phản ứng trước cuộc khủng hoảng cũng đang làm xói mòn sự đoàn kết của EU. Giữa bối cảnh chính phủ kế nhiệm của Italy - quốc gia phụ thuộc lớn vào năng lượng Nga, cam kết sẽ cắt giảm thuế và tăng ngân sách xã hội, một số chuyên gia lo ngại chính sách tài khóa lỏng lẻo này sẽ đặt ra câu hỏi về nợ công của Italy, làm tăng sự chia rẽ về lợi suất trái phiếu chính phủ khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Những nỗ lực của Ngân hàng Trung ương châu Âu nhằm ứng phó với rủi ro này qua việc tăng cường mua trái phiếu Italy có thể làm dấy lên sự phản đối từ các nước thành viên đang thắt lưng buộc bụng và thậm chí đặt câu hỏi về tương lai của khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Trong khi đã có nhiều cuộc tranh luận ở Brussels về việc làm giảm tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng thì hiện vẫn chưa có sự nhất trí nào trong EU. 15 nước thành viên EU gần đây đã thực hiện áp giá trần nhập khẩu khí đốt nhưng lại thiếu các hợp đồng mua bù (buy-in) từ các nước thành viên khác và Ủy ban châu Âu. Một đề xuất thay thế đã được đưa ra mà theo đó các nước thành viên EU nhất trí sẽ mua chung năng lượng nhưng trong cả 2 trường hợp, các nước thành viên đều cần nhất trí về cách thức phân chia việc mua bán năng lượng. Nếu EU không hành động sớm, căng thẳng sẽ chỉ tồi tệ hơn khi mùa đông tới gần.

Sự cố Dòng chảy phương Bắc khoét sâu khác biệt giữa hai bờ Đại Tây Dương

Những vụ nổ và sự cố rò rỉ đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức qua Biển Baltic vẫn là một bí ẩn.

Mặc dù hiện vẫn chưa rõ bên nào đứng đằng sau vụ việc trên thì có một thực tế không thay đổi, đó là châu Âu đang gặp rắc rối lớn khi mùa đông lạnh giá đến gần. Việc các quốc gia này đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng như thế nào sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường thế giới.

Stephen Bryen, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời chính quyền Tổng thống Reagan nhận định, hiện "không có bằng chứng liên quan đáng tin cậy nào" cho thấy Mỹ hay Nga gây ra vụ nổ đường ống trên. Dù vậy, ông cho rằng khu vực này nằm trong tầm bắn của các vụ thử vũ khí trên biển của nhiều quốc gia nên những tai nạn xảy ra không phải hoàn toàn bất khả thi.

Việc xảy ra các sự cố trên đồng nghĩa với việc sẽ không có khí đốt từ Nga tới châu Âu qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1. Vận chuyển khí đốt hiện chỉ diễn ra nhỏ giọt. Những đường ống còn lại là Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ và một vài đường ống đi qua Ukraine, nhưng Nga có thể sẽ sớm cắt nguồn cung qua những đường ống này và châu Âu sẽ chỉ còn lựa chọn là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) có giá cao hơn nhiều.

Gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Mỹ sẽ bán LNG cho châu Âu và sẽ giúp "bù đắp bất kỳ tổn thất nào về dầu mỏ và khí đốt do chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Chúng tôi đã thành lập một lực lượng trao đổi trực tiếp với châu Âu để giảm nhu cầu và cố gắng vượt qua mùa đông cũng như tìm cách tăng cường dịch chuyển sang các nguồn năng lượng thay thế".

Tất cả những điều này đều nằm trong những mục tiêu mà châu Âu tuyên bố nhằm hướng tới thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Ukraine đã đổ lỗi cho Nga về vụ nổ đường ống dưới Biển Baltic. Nhưng không phải tất cả các nước EU đều cho rằng Nga đứng sau vụ việc.

EU có lẽ hiểu rõ Tổng thống Mỹ Joe Biden, cũng giống như cựu Tổng thống Donald Trump, đều không muốn Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động. Sự không hài lòng của Mỹ với Dòng chảy phương Bắc không phải là điều mới. Ở châu Âu, từ cánh tả đến cánh hữu, từ trung hữu đến những người theo chủ nghĩa dân tộc hay các chính trị gia cực hữu đều hiểu rõ thái độ của Mỹ với Dòng chảy phương Bắc - một thực tế đi ngược với lợi ích của các nước thành viên EU.

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ đường ống này đi vào hoạt động trong khi hai công ty Đức Wintershall Dea và Uniper đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào dự án này.

Châu Âu nỗ lực hành động cùng nhau

Để vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng, châu Âu đang cố gắng để hành động cùng nhau. Trong những tháng qua, nhiều ý kiến cho rằng châu Âu đang "tự bắn vào chân mình" khi chịu tác động từ các lệnh trừng phạt Nga. Liệu các nhà lãnh đạo EU sẽ gia tăng lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu từ Nga hay coi đây là cơ hội để chuyển sang nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng này?

Cơn ác mộng năng lượng và vết nứt lớn dần trong lòng châu Âu - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Reuters


Trên thực tế, châu Âu đang tăng cường sử dụng than đá và nhập khẩu dầu thô Nga trước khi lệnh cấm hoàn toàn dầu mỏ có hiệu lực. Họ cũng đang ký các thỏa thuận dài hạn mua LNG không chỉ với Mỹ mà còn với Algeria, Azerbaijan, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Nhưng với châu Âu, chiến lược năng lượng hiện tại đang làm tê liệt các nhà sản xuất của họ. Các nhà máy thép đang phải đóng cửa. Không có thép thì sẽ không có ô tô, bao gồm cả ô tô điện. Không có thép thì cũng không có dụng cụ máy móc cho các trung tâm công nghiệp lớn của Đức.

Tất cả những điều này đã dẫn đến nhiều hệ quả chính trị. Italy lựa chọn bà Giorgia Meloni làm Thủ tướng - một chính trị gia cánh tả theo chủ nghĩa dân túy và hoài nghi châu Âu.

Vladimir Signorelli, người đứng đầu Công ty nghiên cứu Bretton Woods ở Long Valley, New Jersey nhận định, Đảng Dân chủ xã hội (SPD) và đảng Xanh của Đức đang phải hợp tác và nhượng bộ nhau bởi đó là giải pháp duy nhất vào lúc này cho cuộc khủng hoảng năng lượng.

"Lúc đầu tôi nghĩ SPD và đảng Xanh sẽ chia rẽ bởi đảng Xanh từ chối nhượng bộ vấn đề sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nhưng thực tế có vẻ không như vậy. Họ sẽ tạm bỏ qua việc các nhà máy điện hạt nhân không bị đóng cửa. Nếu không, chúng ta sẽ chứng kiến sự sụp đổ chính trị trong năm tới".

Năng lượng Nga sẽ bị loại bỏ khỏi châu Âu. Moscow có thể sẽ bán dầu mỏ cho những đối tác bên ngoài như Trung Quốc, Saudi Arabia, UAE và Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn là một tín hiệu tiêu cực với thị trường.

"Cuộc chiến ở Ukraine nhìn chung gây ra tác động tiêu cực với châu Âu. Các cuộc chiến tranh gây ra lạm phát. Sẽ không có tín hiệu tích cực ở châu Âu vào lúc này. Tôi không nhận thấy điều đó", chuyên gia Signorelli cho hay.

OPEC thông báo sẽ cắt giảm sản xuất. Nguồn cung thắt chặt khiến giá dầu tăng cao và có thể kéo theo một làn sóng lạm phát nữa ở châu Âu.

Nền kinh tế Đức hiện được dự báo sẽ giảm 0,4% vào năm 2023. Tuy nhiên, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu Đức không thể vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay - cuộc khủng hoảng khiến lạm phát và tỷ lệ lãi suất tăng cao, cũng như làm giá cả các mặt hàng thiết yếu vượt ngoài tầm kiểm soát./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại