Có thể nói rằng Lệnh Ý Hoàng quý phi (1727 - 1775) là một trong những phi tần được Càn Long Đế yêu thương nhất.
Điều này được thể hiện qua vị trí của bà trong chốn hậu cung - Hoàng quý phi, được sắc phong khi Hoàng hậu vẫn chưa tạ thế, được mai táng trong lăng của Càn Long Đế và hơn nữa là việc bà liên tiếp sinh con cho Càn Long.
Năm Càn Long thứ 21 (1756), Lệnh Phi sinh hạ Thất công chúa, tức Cố Luân Hòa Tĩnh công chúa. Năm 1757, Hoàng thập tứ tử Vĩnh Lộ ra đời nhưng vị Hoàng tử này yểu mệnh qua đời khi mới chỉ 3 tuổi.
Năm 1758, Lệnh Phi hạ sinh Hoàng cửu nữ, tức Hòa Thạc Hòa Khác công chúa. Có thể thấy đây là giai đoạn sinh nở liên tục nhất của Lệnh Phi.
Chân dung Lệnh Phi trong lịch sử.
Năm 1759, Lệnh Phi tiếp tục mang thai nhưng không may bà bị sảy thai không lâu sau đó. Cũng cùng năm đó, Lệnh Phi Ngụy thị được sắc phong thành Lệnh Quý phi.
Năm 1760, Lệnh Quý Phi sinh được Hoàng thập ngũ tử Vĩnh Diễm, tức Thanh Nhân Tông Hoàng đế sau này.
Năm 1762, bà sinh Hoàng thập lục tử, nhưng hoàng tử chết yểu do bệnh đậu mùa khi mới 2 tuổi. Năm 1766, bà sinh hạ Hoàng thập thất tử Vĩnh Lân, sau khi được sắc phong lên làm Hoàng quý phi được một năm.
Mặc dù sinh cho Càn Long tới 6 người con, có long có phượng nhưng Lệnh Phi lại không tự mình nuôi dưỡng được một người. Vậy nguyên do là gì?
Do Lệnh Phi muốn được tự do tự tại như trong Diên Hi công lược?
Trong bộ phim Diên Hi công lược, ai ai cũng thấy được một Lệnh Phi Ngụy Anh Lạc thông tuệ, khéo ăn khéo nói, thấu tình đạt lý.
Thế nhưng, khi đã có tới 3 người con, Lệnh Phi vẫn cố chấp giữ tính tình trẻ con như chơi đánh đu hằng ngày, thậm chí trốn vào rương gỗ để tránh mặt Ngũ A ca Vĩnh Kỳ.
Việc bà đưa các con tới cho các phi tần khác nuôi hoàn toàn là ý nguyện của bà chứ không có ai ép buộc.
Việc này khiến mọi người trong chốn hậu cung cho rằng Lệnh Phi Ngụy Anh Lạc là một người mẹ ích kỷ, vô lương tâm, sẵn sàng để mẹ con chịu cảnh phân li chỉ vì ham muốn tự do tự tại, không muốn vướng bận của bản thân.
Lệnh Phi trong Diên Hi công lược không muốn nuôi con là để con tìm một chỗ dựa tốt hơn.
Thế nhưng, “tri kỷ” của Anh Lạc là Càn Long Đế lại luôn hiểu rằng Anh Lạc chỉ là đang muốn bảo vệ con, bởi làm gì có người mẹ nào lại không muốn được tự tay chăm sóc, nuôi dưỡng, nhìn con khôn lớn từng ngày cơ chứ.
Theo đó, Anh Lạc là lo sợ sức khỏe của mình không tốt nên muốn tìm cho con mình một ngọn núi cao hơn để giúp đỡ sau này.
Một phần là do lúc đó, Lệnh Phi đang được Càn Long thập phần sủng ái, lo sợ có người ganh ghét đố kị mà bày mưu hãm hại nên mới phải gửi con cho người khác nuôi.
Muốn nuôi con nhưng lực bất tòng tâm như trong Hậu cung Như Ý truyện?
Trong bộ phim Hậu cung Như Ý truyện, Lệnh Phi Vệ Yến Uyển một lòng muốn được đích thân nuôi dạy con cái của mình, nhưng lực bất tòng tâm.
Khi mang thai đầu lòng là Thất công chúa, Vệ Yến Uyển và mẹ đẻ bị kết tội trù ếm Hoàng hậu. Mẹ đẻ của Vệ Yến Uyển là Vệ Dương thị bị xử tử, Lệnh Phi Yến Uyển lúc đó cũng bị giáng làm một Đáp ứng nhỏ nhoi.
Theo quy tắc Thanh triều, phi tần có tước vị Phi trở lên mới được phép tự nuôi dưỡng con cái nên Thất công chúa vừa mới chào đời đã được đưa cho Dĩnh Phi nuôi dưỡng.
Đến khi Vệ Yến Uyển tiếp tục “ngoi lên” đến vị trí Lệnh Hoàng Quý Phi, cô bèn cho người tới bắt Thất công chúa về.
Lệnh Phi Vệ Yến Uyển tranh giành Thất công chúa với Dĩnh Phi.
Đột ngột bị bắt đi, Thất công chúa không ngừng chống đối. Hai bên xung đột làm kinh động đến Thái hậu.
Trong cơn tức giận, Vệ Yến Uyển buông ra lời thất thố: “Mẹ nuôi sao tốt bằng mẹ ruột“, khiến Thái hậu tức giận.
Bởi lẽ Thái hậu tức giận là do Thái hậu trong Hậu cung Như Ý truyện chỉ là mẹ nuôi của Càn Long, nói câu thất thố như vậy thì khác gì Vệ Yến Uyển đang đá đểu Thái hậu cơ chứ.
Cuối cùng, Thất công chúa vẫn để cho Dĩnh Phi nuôi dưỡng. Đồng thời, Thái hậu cũng không cho phép Vệ Yến Uyển nuôi bất cứ đứa trẻ nào nữa.
Cửu công chúa giao cho Thái phi ở Thọ Khang cung nuôi dưỡng. Riêng Thập ngũ hoàng tử Vĩnh Diễm thì đưa thẳng tới Hiệt Phương điện, 1 năm chỉ được gặp Vệ Yến Uyển vài lần.
Dù đã là Hoàng quý phi, Vệ Yến Uyển vẫn không được tự mình nuôi dưỡng con cái.
Có một khoảng thời gian Vệ Yến Uyển được Càn Long Đế mủi lòng, cho tự nuôi dưỡng con.
Thế nhưng, trong một lần Yến Uyển dạy dỗ Thập ngũ hoàng tử Vĩnh Diễm rằng thân mẹ không thân cha bị Hòa Kính công chúa - Con gái của Phú Sát Hoàng hậu biết được.
Lúc này, Hòa Kính công chúa bèn tới trước mặt Càn Long Đế để hạch tội Yến Uyển, khiến cô bị truất quyền nuôi con mãi mãi.
Sự thật về việc Lệnh Phi không được nuôi con
Theo sử sách ghi nhận, các con của Lệnh Ý Hoàng quý phi đều do người khác nhận nuôi. Con gái đầu lòng của Lệnh Phi là Thất công chúa Cố Luân Hòa Tĩnh (1756 - 1775), được Dự Phi Bác Nhĩ Tế Cát Đặc thị nhận nuôi.
Cửu công chúa, tức Hòa Thạc Hòa Khác công chúa được giao cho Thư Phi nuôi dưỡng từ nhỏ.
Thậm chí, Thập ngũ hoàng tử Vĩnh Diễm (Gia Khánh Hoàng đế sau này) cũng là do Khánh Cung Hoàng quý phi Lục thị nhận nuôi.
Hoàng thập thất tử Vĩnh Lân (Khánh Hy Thân vương) do Dĩnh Quý phi Ba Lâm thị nhận nuôi.
Trong lịch sử, các phi tần có tước vị từ Phi trở lên mới được tự mình nuôi con.
Theo luật lệ cung đình nhà Thanh, các phi tần có vị phần từ Phi trở lên mới được phép tự nuôi dưỡng con của mình.
Các phi tần có vị trí thấp hơn không được phép nuôi con, lúc này các Hoàng tử và Hoàng nữ sẽ được nuôi ở A Ca sở (hay Hiệt Phương điện) hoặc để cho các tần phi có địa vị nuôi nấng.
Vì vậy, theo lý mà nói Lệnh Phi có tư cách để tự mình nuôi dạy con cái bởi ngay từ khi sinh hạ đứa con đầu lòng, bà đã là Phi.
Tuy nhiên, Lệnh Phi đến lúc trở thành Hoàng quý phi, cai quản lục cung vẫn không được nuôi dưỡng dù chỉ là một người con.
Điều này là do Càn Long Đế không muốn cho con cái hoàng thất quá thân cận với mẹ ruột, chuyên tâm học hành như một thành viên của hoàng thất.
Lệnh Phi không được nuôi con là để chuyên tâm hầu hạ Hoàng đế.
Bên cạnh đó, từ khi sinh Thất công chúa, Lệnh Phi liên tục sinh nở. Điều này cho thấy rằng, trong giai đoạn này Lệnh Phi được Càn Long Đế vô cùng sủng ái.
Do đó, việc bà không nuôi con chẳng qua là để bà có thể chuyên tâm hầu hạ Hoàng đế hơn.
Bởi vừa lo toan sắp xếp chuyện hậu cung, vừa phải chăm con nhỏ thì Lệnh Phi lấy đâu ra tâm sức mà hầu hạ một vị Hoàng đế phong lưu như Càn Long.