Cô vợ quyết đi Mộc Châu sáng mùng 2 Tết để xua nỗi ám ảnh mười mấy năm làm dâu: Phụ nữ đừng chờ đến khi chán ngán mới dám thay đổi

AN THANH |

Và phụ nữ với trách nhiệm 'dâu hiền vợ đảm' bị áp lực đó đè nặng, năm nào cũng quanh quẩn với bát đĩa, nấu nướng, thay vì mặc áo dài thì quấn tạp dề.

01

Sau khi kết hôn, Huyền rất sợ Tết vì cô có một người chồng không bao giờ giúp vợ việc gì.

Chồng Huyền - Hưng là một người đàn ông truyền thống và khá gia trưởng. Anh cho rằng mình có trách nhiệm kiếm tiền nuôi gia đình còn chuyện nhà to nhỏ lớn bé đều do vợ đảm nhận.

Hưng có thể chịu đựng được căn nhà ngập rác, bát đũa không rửa, con cái học hành thế nào chẳng quan tâm hay thậm chí chưa từng bao giờ đụng tay vào bếp.

Với Hưng, anh chỉ đi làm kiếm tiền mà thôi. Huyền và Hưng cãi vã không biết bao nhiêu lần suốt những năm chung sống chỉ vì chuyện đó.

Sau này, Hưng có thay đổi, anh làm việc nhà nhưng theo kiểu đối phó. Bảo anh quét nhà, anh quét không sạch, bảo anh rửa bát thì mỗi lần vỡ đi vài ba cái. Cuối cùng Huyền thất vọng. Hai bên càng ngày càng căng thẳng.

Với Tết, Huyền càng mệt mỏi hơn. Chồng cô là con trưởng, Tết rất nhiều cỗ bàn. Huyền sợ Tết đến mức cứ đến cuối năm là thở dài thườn thượt vì Tết một mình cô cáng đáng chuyện bếp núc.

Nhà chồng còn có em trai, mỗi dịp Tết đến, 5 người nhà em chồng sẽ đến ở trọn kỳ nghỉ.

Là chị dâu cả, cô phải lo cho chuyện ăn uống của 9 người trong dịp Tết. Em dâu Huyền không biết nấu nướng, làm gì cũng vụng về nên mỗi lần về quê cũng chỉ ngồi đợi để ăn uống. Gia đình chồng là con trưởng, rất nhiều người đến chúc Tết. Vậy là 3 ngày nghỉ của Huyền chỉ quanh quẩn ở bếp, bưng mâm ra rồi lại dọn mâm vào, nấu nướng, dọn dẹp luôn tay.

Cô vợ quyết đi Mộc Châu sáng mùng 2 Tết để xua nỗi ám ảnh mười mấy năm làm dâu: Phụ nữ đừng chờ đến khi chán ngán mới dám thay đổi - Ảnh 1.

02

Những ngày Tết, đàn ông trong nhà ăn uống no say, tâm trạng vui vẻ chúc tụng. Huyền như bảo mẫu, tất bật trong bếp chuẩn bị đồ ăn. Cô quá mức mệt mỏi. Chưa bao giờ Tết nhất mà Huyền được diện áo dài chụp ảnh hay thảnh thơi ngồi nhâm nhi bánh mứt bởi khách khứa vào liên tục. Chồng Huyền thoải mái chè chén, em chồng và em dâu khoe hết ảnh chụp bên cây đào cây quất, chẳng ai thèm để ý đến người phụ nữ một mình tất bật dưới bếp.

Có năm Huyền đề nghị chồng thử thay đổi, hết mùng 1 cúng ông bà thì cả nhà sẽ đi du lịch. Tuy nhiên chồng cô gạt đi bởi lo lắng 5 người nhà em trai về sẽ không có ai nấu nướng phục vụ. Tết nhất không ở nhà thì không chấp nhận được. Nghe thấy thế, Huyền lại ngậm ngùi.

Tết năm nay, Huyền thấy những bức ảnh em dâu đăng lên mạng xã hội. Cô ấy đi làm tóc mới, mua quần áo mới và làm bộ móng nhọn hoắt, sơn sửa tỉ mỉ. Nhìn lại bản thân mình, Huyền cảm thấy suy sụp.

Tại sao cùng là phụ nữ mà em dâu lại thong thả, hưởng thụ Tết mà cô lại phải nấu nướng suốt 3-4 ngày tật bật như bảo mẫu, chẳng có ai giúp đỡ.

Nghĩ vậy, Huyền quyết định năm nay sẽ "ăn Tết mới". Chồng kiên quyết phải ở nhà mấy ngày thì để chồng tự lo liệu. Dù sao sau nhiều năm phục vụ, bây giờ con cái đều đã lớn, cô không muốn chìm đắm mãi trong nỗi sợ hãi mỗi ngày Tết đến như thế.

Nghĩ là làm, Huyền lên kế hoạch đi du lịch Mộc Châu với 2 con. Ngay sau khi cô nói ý kiến, Hưng gạt phắt đi, cho rằng cô không hoàn thành trách nhiệm.

Nói đến trách nhiệm, Huyền thủng thẳng: "Hết ngày mùng 1 nhà mình hết cỗ cúng rồi, mùng 2 em mới đi. Nhà mình Tết nào mà cô chú ấy chả đến ở mấy ngày, anh có thể để em dâu nấu nướng. Suốt mười mấy năm nay một mình em phục vụ chẳng lẽ anh không thấy nhưng anh đã từng một lần giúp đỡ, hay vợ chồng chú ấy giúp đỡ em chưa. Người ta ăn Tết nhưng rất nhiều năm qua rõ ràng là Tết ăn em, em sợ Tết luôn đấy".

Hưng dùng đủ cách nói chuyện, Huyền vẫn quyết như vậy. Cô cùng 2 con đi du lịch Mộc Châu, sáng mùng 2 xuất phát.

Chẳng còn cách nào, Hưng gọi điện cho em trai, báo lịch trình của vợ. Nghe xong, cô em dâu thảng thốt quyết định nhà mình sẽ về ngoại chơi bởi chị dâu đi thì chẳng còn ai nấu nướng.

Cô vợ quyết đi Mộc Châu sáng mùng 2 Tết để xua nỗi ám ảnh mười mấy năm làm dâu: Phụ nữ đừng chờ đến khi chán ngán mới dám thay đổi - Ảnh 2.

03

Nhiều người phụ nữ bị đóng khung trong khuôn mẫu phụ nữ là phải vào bếp, lo toan chuyện bếp núc suốt nhiều năm. Cũng vì suy nghĩ đó, họ sợ Tết bởi càng những ngày ấy, cỗ bàn càng nhiều, người mỏi mệt vẫn là họ.

Nếu như có một ông chồng tâm lý, biết cách giúp đỡ vợ, sự việc sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chẳng phải ai cũng may mắn như thế. Và phụ nữ với trách nhiệm "dâu hiền vợ đảm" bị áp lực đó đè nặng, năm nào cũng quanh quẩn với bát đĩa, nấu nướng, thay vì mặc áo dài thì quấn tạp dề.

Phụ nữ nào mà chẳng có một khao khát được ăn Tết theo cách nhẹ nhàng và hưởng thụ. Họ cũng muốn Tết được làm móng, làm tóc, diện quần áo đẹp rồi chụp ảnh bên cây quất, cành đào. Hoặc "chơi lớn" hơn, họ đi du lịch, hưởng thụ những ngày lễ theo cách thức nhẹ nhàng sau cả năm tất bật với hôn nhân, nhà cửa.

Cô vợ quyết đi Mộc Châu sáng mùng 2 Tết để xua nỗi ám ảnh mười mấy năm làm dâu: Phụ nữ đừng chờ đến khi chán ngán mới dám thay đổi - Ảnh 3.

Tại sao phụ nữ không quyết định "ăn Tết mới" sớm hơn, trước khi họ bị sợ hãi, ám ảnh với ngày Tết. Tại sao họ lại không chủ động "ăn Tết" chứ không để "Tết ăn mình"? Tất cả đều nằm ở ý định và quyết tâm thực hiện. Bạn có thể hi sinh nhưng nếu sự hi sinh đó không nhận về sự bù đắp xứng đáng thì hãy tìm cách sống vì mình chứ đừng cố cam chịu rồi cảm thấy dịp Tết là một nỗi ám ảnh khôn nguôi.

Phụ nữ hãy cố gắng tự thay đổi, đừng đóng khung suy nghĩ trong những hành vi khuôn mẫu. Hãy sống vì mình và thật sự đón Tết!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại