"Cơ trưởng Sully": Phẩm chất cao quý của đàn ông

Ái Du |

Tôi bị xúc động đặc biệt trước những hình ảnh tràn đầy chủ nghĩa đại nam tử và trách nhiệm của những người đàn ông trong bộ phim "Cơ trưởng Sully".

Cơ trưởng Sully gần như là một bộ phim tài liệu, nói về quá trình đấu tranh với thảm họa hàng không khi chiếc máy bay Airbus A320 của hãng hàng không quốc gia Mỹ bị chim đâm vào 2 động cơ.

Độ cao quá thấp và tốc độ bay không đủ để quay về sân bay, cơ trưởng Sully quyết đoán bỏ qua hết các quy trình sơ cứu hàng không và cho máy bay đáp xuống sông Hudson – New York.

Đó là một quyết định trong tích tắc nhưng lại là kết tinh của tinh thần trách nhiệm và kinh nghiệm tận tụy 40 năm bay của một phi công mẫu mực.

Nhưng trớ trêu là theo đúng quy trình, phi hành đoàn của máy bay gặp nạn phải giải trình trước Ủy ban an toàn giao thông quốc gia về lý do tại sao máy bay không quay về sân bay mà làm một hành động ngoài quy trình như thế.

Và trách nhiệm luôn là phẩm chất cao quý của những người đàn ông.

"Một chuyến bay bị hoãn luôn tốt hơn một chuyến bay thảm họa!"

Đó là nội dung tấm giấy mà Cơ trưởng Sully (Tom Hanks thủ vai) luôn giữ kỹ trong ví. Điều này cho thấy tinh thần trách nhiệm cực kỳ cao của một phi công đối với phi hành đoàn và máy bay của mình.

Nói rộng ra, đó chính là sự tự tin cao độ của một người phi công có "40 năm bay trên bầu trời, chở hàng triệu lượt hành khách và chưa từng để xảy ra một sự cố nào". Đó là một mẫu người tận tụy với chức trách và luôn coi an toàn cả chuyến bay là mục tiêu hàng đầu.

Cơ trưởng Sully: Phẩm chất cao quý của đàn ông - Ảnh 1.

Tom Hanks quá xuất sắc trong vai cơ trưởng Sully. Ảnh trong bài do CGV cung cấp.

Khi máy bay vừa mới cất cánh, mọi việc có vẻ ổn cho một chuyến bay nội địa. Bỗng một đàn chim bay thẳng vào máy bay, đâm hỏng cả 2 động cơ. Máy bay bắt đầu mất độ cao và mất kiểm soát. Đứng trước tình huống này, Cơ trưởng Chesley "Sully" Sullenberger và Cơ phó Jeff Spiles với tổng cộng hơn 60 năm kinh nghiệm bay cũng đơ ra mất 208 giây.

Trong 208 giây đó, mỗi hành động của Cơ trưởng Sully chỉ là vô thức theo thói quen. Ông thông báo tình hình cho sân bay và xin phép quay về. Đài không lưu cũng đã chỉ dẫn tận tình và dọn sẵn cho ông 2 đường băng ở 2 sân bay khác nhau. Thế nhưng, 208 giây trễ đã khiến máy bay rơi vào tình thế xấu.

Chỉ một tích tắc thôi, ông đã quyết định làm tắt quy trình cứu hộ do hãng Airbus ban hành cho máy bay A320. Ông tắt đi động cơ tải điện phụ cho khoang hành khách nhằm làm đuôi máy bay nhẹ hơn cho cú đáp xuống mặt sông của mình. Và điều này đúng - ngay trong thời điểm đó.

Cú đáp nặng cả nghìn tấn từ máy bay rơi xuống mặt sông và may mắn là các thiết bị điện đã được tắt hẳn. Nhờ đó, cú đáp coi như hoàn hảo, không có một va chạm nào từ các thiết bị bên trong máy bay.

Trong phim có một đoạn phóng viên phỏng vấn Sully, cô ta cho rằng ông đã "đúng người, đúng việc, đúng thời điểm" nên đã thành anh hùng. Câu trả lời của ông là "155 mạng người trong tay tôi và vài trăm gia đình sẽ khóc than. Đó không phải là một hành động anh hùng".

Hãy đưa đứa trẻ cho tôi

Trong phim có một phân đoạn, cực nhỏ thôi, chỉ khoảng 10 giây nhưng làm tôi xúc động không thể nào quên được.

Khi Cơ trưởng Sully thông báo với toàn máy bay rằng sẽ có va chạm, ngay lập tức Tiếp viên đoàn đứng bật dậy đồng thanh lặp lại khẩu lệnh "Khom người! Ôm đầu" liên tục.

Cơ trưởng Sully: Phẩm chất cao quý của đàn ông - Ảnh 2.

Bộ phim dựa theo một sự kiện có thật. Đây là chiếc máy bay do cơ trưởng Sully lái trong sự kiện đó.

Khẩu lệnh đanh thép và liên tục này đánh sâu vào tiềm thức của người nghe, buộc họ phải tuân theo để đảm bảo thương tổn ít nhất. Đó là khẩu lệnh chuyên dùng của bất cứ hãng hàng không nào khi gặp sự cố.

Thế nhưng, một người mẹ đang ôm con nhỏ sẽ làm gì trước khẩu lệnh đó. Cô loay hoay, phải làm gì đây? Ôm đứa con hay ôm đầu mình, làm thế nào để đứa con được an toàn trong khi bản thân cô cũng đang nguy hiểm?

Đúng lúc đó, một giọng đàn ông ấm áp vang lên "Đưa đứa nhỏ cho tôi". Khi cô còn đang ngạc nhiên, thì giọng nói đó mạnh mẽ và quyết liệt hơn "Đưa đứa nhỏ cho tôi".

Một vòng tay đàn ông rắn chắc sẽ ôm chặt được đứa nhỏ hơn vòng tay của mẹ nó trong cơn hiểm nghèo này. Chắc chắn thế!

Đứa trẻ sẽ có cơ may sống sót hơn khi được một người đàn ông to lớn bảo vệ, mẹ nó ở một cách nói nào đó, cũng đang được người đàn ông xa lạ, mới gặp một lần trên máy bay bảo vệ.

Người đàn ông này đã tự giảm đi cơ hội sống sót của mình để tăng cơ hội cho 2 mẹ con đó. Tôi tự hỏi, bản thân tôi chưa từng làm được một điều gì tương tự như vậy.

Một vụ va quẹt xe dọc đường, người gặp nạn nằm dưới đất, kẻ gây tai nạn đã bỏ chạy. Tôi và nhiều người khác chỉ dám đứng nhìn, tỉnh hơn một chút chỉ gọi được cho 115. Và an tâm cho rằng "Sẽ có người giúp thôi, cứ gì phải là mình".

Giả sử, một ngày nào đó, trên một chiếc bus, một chiếc ô tô hay một chiếc tàu, một chiếc máy bay. Ai sẽ che chở và giúp đỡ tôi khi hàng ngày tôi vẫn chắc mẩm "Sẽ có người giúp thôi, cứ gì phải là mình".

Con trai ơi, con đâu rồi

Thiên chức của người mẹ là chăm sóc, thiên chức của người cha là bảo vệ.

Cơ trưởng Sully: Phẩm chất cao quý của đàn ông - Ảnh 3.

Và đây là cơ trưởng Sully ngoài đời.

Cho dù người cha đó có già yếu, hom hem và ho sù sụ vì bệnh phổi. Khi máy bay đáp xuống an toàn, người cha già đó vẫn cố gào tên con mình trong tuyệt vọng. Cảnh phim khiến tôi nhớ lại hình ảnh người cha đi tìm đứa con bị bắt cóc suốt chiều dài đất nước cách đây chưa lâu

Theo tôi, người đàn ông cho dù có tốt đẹp, hoàn mỹ đến đâu chăng nữa cũng chưa phải là người đàn ông 100% cho đến khi họ có con. Đứa con của mình là điều tốt đẹp nhất mà một người đàn ông có thể tìm kiếm trong đời. Do đó, người cha luôn giữ gìn và bảo vệ con mình trước bất cứ điều gì có thể nguy hại cho con.

Nhưng đâu phải đứa con nào cũng hiểu được sự hy sinh đó. Đến khi cha già yếu mới biết thì đã khó có thể hồi báo. Thế nên, tôi rất ngưỡng mộ người cha già trong "Cơ trưởng Sully", ông đã chạy khắp bến cảng, gọi tên con khàn cả giọng mà không hề nghe thấy một lời đáp lại.

Và may mắn, cả hai cha con đều còn sống sau biến cố kinh hoàng đó. Chắc chắn, người cha già yêu con vô bờ bến sẽ được đứa con yêu thương đến hết cuộc đời.

155

Đó là con số hành khách trên chuyến bay Cactus 1549 dưới sự quản lý của Cơ trưởng Sully. Kinh nghiệm bay 42 năm và kinh nghiệm xử lý ít nhất 1 lần máy bay hỏng động cơ đã giúp máy bay đáp an toàn.

Nhưng sau đó là hành động cứu hộ trên mặt sông Hudson vào mùa đông. Cái lạnh -20oC cùng với gió lùa trên mặt sông sẽ khiến người ta chết cóng. Nhưng hãy xem lại từng hành động của Cơ trưởng Sully. Khi máy bay bắt đầu dừng chấn động, ông tung cửa khoang lái, hét to yêu cầu hành khách di tản theo sự hướng dẫn của tiếp viên.

Cơ trưởng Sully: Phẩm chất cao quý của đàn ông - Ảnh 4.

Tom Hanks và đoàn làm phim đang thực hiện một góc quay trong "Cơ trưởng Sully".

Ngay tiếp theo, ông hỗ trợ những người già và trẻ em, đồng thời di chuyển đến đuôi máy bay để tìm kiếm hành khách kẹt lại. Khi ở đầu máy bay, nước đã lên tới ống quyển, xuống đuôi máy bay nước đã đến đầu gối. Và khi quay lại đầu máy bay, nước đã tới bụng nhưng ông vẫn nhìn quét thêm một lần nữa để chắc chắn không sót ai.

Ông cũng không nhảy xuống bè cứu sinh ngay mà lao vào buồng lái, lấy hồ sơ ghi chép như đúng chức trách phải làm khi không có sự cố rồi mới xuống bè.

Nhưng từ lúc đó, trong đầu ông cứ xuất hiện con số 155. Ông sợ hành khách được cứu không đủ con số đó. Thậm chí khi lên đến phà, khuôn mặt điềm tĩnh của ông đã bắt đầu hoảng loạn vì không thể đếm được số hành khách của mình.

Khuôn mặt vuông, răng nghiến chặt lại khiến cái hàm bạnh ra biểu hiện sự cố chấp, cộng với đôi mắt tuyệt vọng của người Cơ trưởng mất đi hành khách đã đánh một dấu ấn tuyệt vời cho trách nhiệm của Cơ trưởng Sully.

Cho đến khi người của hãng hàng không được phái đến thay cho ông phải hứa chắc rằng đối chiếu từng người một trong danh sách và cho ông câu trả lời sớm nhất mới khiến Sully yên tĩnh lại. Nếu không, chắc ông sẽ chạy loạn hết cả bến cảng để tìm từng hành khách của mình.

Thậm chí, khi đã đến bệnh viện để được chăm sóc, Sully vẫn không quên 155 hành khách của mình. Và khi được biết tất cả đã an toàn, ông vẫn không yên tâm về cô tiếp viên bị thương trong sự cố.

Ông không phải là anh hùng. Ông chỉ là một người đàn ông chân chính mà thôi!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại