Từ lệnh cấm vận dầu mỏ của OPEC với Mỹ vào những năm 1970 cho đến việc Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Tây Âu vào năm ngoái, nhiều quốc gia đã “vũ khí hoá” việc kiểm soát tài nguyên dầu để thực hiện các mục tiêu chiến lược.
Trong khi đó, việc cả thế giới đang dần chuyển đổi sang năng lượng xanh có thể sẽ vô hiệu hoá “vũ khí” dầu mỏ. Tuy nhiên, cũng có khả năng, sự phụ thuộc vào hàng hoá và ảnh hưởng địa chính trị của nó đang được chuyển sang một hình thức khác.
Gió, mặt trời và nước đều “miễn phí”. Tuy nhiên, việc biến chúng thành năng lượng, có thể lưu trữ trong pin và mang đi sử dụng lại cần một lượng lớn khoáng sản với nguồn cung có tính tập trung hơn dầu và khí đốt.
Theo dữ liệu từ S&P Global, CHDC Congo nắm giữ 43% trữ lượng coban của thế giới, Argentina có 34% lithium, Chile sở 30% đồng và Indonesia có 19% niken. Toàn bộ đều vượt qua 12% thị phần sản xuất dầu trên toàn cầu của Ả Rập Xê Út và 16% thị phần sản lượng khí đốt tự nhiên của Nga.
Trữ lượng coban, đồng, lithium và niken của các quốc gia trên thế giới.
Đối với cả 4 loại khoáng sản kể trên, 5 quốc gia lớn nhất đã chiếm hơn 1 nửa trữ lượng toàn cầu. Số liệu của S&P cho thấy, đối với dầu và khí đốt, thì các nước hàng đầu kiểm soát chưa đến 1 nửa. Hoạt động sản xuất ở hạ nguồn thập chí còn có sức tập trung lớn hơn: Trung Quốc tinh chế 70% lượng coban của thế giới, 65% lithium và 42% lượng đồng của thế giới, tức là vượt xa sản lượng dầu của OPEC.
Nỗi lo ngại khi dần tách rời
Các chính phủ phương Tây trước đây rất ủng hộ việc Trung Quốc sẵn sàng đảm nhận việc khai thác các khoáng sản này. Đây chính là kết quả của toàn cầu hoá, khi các nước phụ thuộc vào nhau về nguồn cung.
Tuy nhiên, suy nghĩ đó giờ đã không còn. Mâu thuẫn đang nổi lên giữa Trung Quốc, Nga và Mỹ cùng các đồng minh đang khiến cả 2 phía đều đang “vũ khí hoá” sự phụ thuộc đó.
Khi mâu thuẫn Nga - Ukraine xảy ra, phương Tây đã ban hành một loạt lệnh trừng phạt, loại Nga khỏi hệ thống ngân hàng toàn cầu và cắt nguồn cung của một loạt lĩnh vực, dịch vụ quan trọng. Mỹ hiện đang hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ bán dẫn quan trọng.
Trung Quốc cũng thực hiện động thái tương tự. Hồi tháng 7, nước này cho biết sẽ hạn chế xuất khẩu 2 loại khoáng sản quan trọng cho chất bán dẫn, hệ thống tên lửa và pin mặt trời.
Mỹ cũng đang nỗ lực để giảm thiểu sức ảnh hưởng của những bước đi đó. Đạo luật Giảm lạm phát vào năm ngoái bao gồm các khoản trợ cấp cho xe điện, pin và năng lượng tái tạo, với điều khiện các khoáng sản được sử dụng trong đó phải đến từ Mỹ hay cá quốc gia có FTA với họ, không đến từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, S&P đã đặt câu hỏi về tính hiệu quả của chiến lược này. Đầu tiên, nhu cầu đối với các loại khoáng sản này đã tăng vọt và đạo luật mới sẽ thúc đẩy nhu cầu lên 12-15% vào năm 2035. Mức tiêu thụ niken, coban và lithium của Mỹ sẽ tăng gấp 23 lần vào năm 2035. Lượng tiêu thụ đồng cũng tăng gấp đôi.
Trữ lượng và sản lượng dầu mỏ của các nước trên thế giới.
S&P kết luận rằng, động thái này chỉ khiến Mỹ phụ thuộc hơn vào nguồn hàng nhập khẩu vốn khó tìm nếu chỉ đến từ các đối tác FTA của họ, mà không có Trung Quốc. Ví dụ, năm 2035, các đối tác phi FTA của Mỹ chiếm tới 90% sản lượng coban toàn cầu, phần lớn là ở CHDC Congo - nơi xuất khẩu 70% sản lượng sang Trung Quốc.
Trên thực tế, các loại khoáng sản này ở Mỹ không thiếu. Chỉ riêng Mỹ đã sở hữu trữ lượng đồng đủ đáp ứng nhu cầu trong nước trong 20 năm.
Vấn đề là, S&P ước tính phải mất trung bình 15 năm để một mỏ đi từ giai đoạn phát hiện đến khai thác. Ngoài ra, tại Mỹ, việc cấp phép sử dụng các mỏ phải mất từ 7-10 năm, trong khi ở Úc và Canada chỉ là 2-3 năm.
Các loại khoáng sản này không có tầm ảnh hưởng lớn như dầu mỏ
Song, WSJ chỉ ra, địa chính trị năng lượng trong kỷ nguyên tới sẽ rất khác so với trước đây: những loại khoáng sản năng lượng sẽ không thể vũ khí hoá triệt để như dầu khí.
Ở một khía cạnh nào đó, dầu là loại khoáng sản độc nhất. Dầu dễ vận chuyển và lưu trữ hơn gỗ, than và có vai trò hiển nhiên đối với thương mại quốc tế cùng những nỗ lực kiểm soát hoạt động đó. Vai trò của dầu trong giao thông vận tải cũng là trọng yếu đối với bất kỳ quốc gia nào.
Ngược lại, khoáng sản năng lượng không phải là nhiên liệu. Daniel Yergin, nhà sử học năng lượng và phó Chủ tịch S&P, cho biết, nếu không có một số loại khoáng sản quan trọng, “giá xe điện sẽ tăng lên, việc thực hiện một dự án gió ngoài khơi khó khăn hơn”, nhưng vẫn không có ai đứng xếp hàng để đổ đầy đồng vào xe của họ.
Ngoài việc đa dạng về địa lý, năng lượng tái tạo còn được hưởng lợi từ việc đa dạng hoá công nghệ. Hệ thống dây điện có thể sử dụng đồng hoặc nhôm, hay lithium, niken và coban đều “cạnh tranh” để được đưa vào pin xe điện. Các nhà khoa học đang nghiên cứu pin natri-ion và sắt khí để thay thế lithium.
WSJ nhận định, có lẽ, trở ngại lớn nhất trong việc “vũ khí hoá” năng lượng trong tương lai đó là cả thế giới đang bước vào kỷ nguyên đa dạng hoá chưa từng có. Với sự phát triển của năng lượng hạt nhân, thuỷ điện, gió, mặt trời và dần dần là hydro, nhiên liệu sinh học, thì nguồn cung năng lượng của thế giới sẽ đa dạng hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử.
Tham khảo WSJ