"Có tiền buôn Đông…"
Càng về cuối năm, mong ước về một năm mới làm ăn, buôn phát tài trở nên gần gũi với tất cả mọi người. Dù là với người đi làm thuê hay với người buôn bán nhỏ lẻ, dù là hộ kinh doanh nhỏ đến những người làm doanh nghiệp lớn, ai cũng mong sang năm mới "mua may bán đắt".
Nhưng để những mong ước thành hiện thực, tất nhiên không chỉ trông chờ vào những lời chúc tụng suông, mà bản thân mỗi người cần không ngừng trau dồi kỹ năng chuyên môn, đúc rút kinh nghiệm, học hỏi không ngừng cũng như làm việc chăm chỉ.
Trong trí tuệ của người xưa truyền lại qua tục ngữ, thành ngữ, ca dao, có một kho tàng rất phong phú kinh nghiệm về nghề buôn bán, mà nay ta gọi bằng khái niệm "thương mại".
Tuy nhiên, vì cuộc sống người xưa thường gắn với kinh tế nông nghiệp là chính, buôn bán nhìn chung còn nhỏ lẻ, tuy có giao thương các vùng thậm chí giữa các quốc gia, nhưng hạn chế về khoa học kỹ thuật và khoảng cách địa lý vẫn là trở ngại. Vì vậy, những kinh nghiệm cổ nhân dành cho nghề buôn bán không nhiều (so với sự phong phú của ca dao, tục ngữ, thành ngữ về nông nghiệp, mùa màng, thời tiết).
Dù vậy, vẫn xuất hiện những sự đúc rút sâu sắc, nhiều khi thú vị, lạ lẫm, khái quát kinh nghiệm làm ăn của người xưa, mà câu "Có tiền buôn Đông, không tiền buôn Thái" là một ví dụ. Thoạt nghe, không dễ để hiểu ngay thông điệp.
Theo bài viết trên VOH, "buôn Đông" có nghĩa là buôn ở hướng đông, hướng biển. Người Việt xưa đã ý thức rất rõ giao thương giữa các vùng miền và giao thương với nước ngoài muốn phát triển phải qua giao thông đường thủy. Từ "có tiền" để xác định chỉ những thương nhân giàu có mới có thể tham gia vào hoạt động kinh doanh, buôn bán này. Ngược lại, "buôn Thái" là buôn bán ở những miền ngược, miền núi, nơi mà dân cư ít, đời sống khó khăn, hàng hóa ít tiền. Chính vì vậy, buôn bán, kinh doanh ở những nơi này không cần nhiều vốn ("không tiền").
Do đó, theo bài viết, câu tục ngữ kinh doanh này chính là bài học về việc căn cứ vào khả năng vốn của bản thân để lựa chọn địa điểm kinh doanh cho hiệu quả.
Bất ngờ về sự xuất hiện của ý niệm "Khách hàng là thượng đế"
Ngày nay, trong nghề buôn bán, câu "Khách hàng là thượng đế" luôn luôn đúng. Nhưng hóa ra, khi tìm lại kho tàng kinh nghiệm cổ nhân, ý niệm coi khách hàng là trên hết đã được đúc rút thành lời từ rất lâu, chỉ là cách nói khác đi.
Trong tài liệu "Triết lý kinh doanh trong thành ngữ, tục ngữ Việt Nam", TS Bùi Văn Dũng (Đại học Vinh) cũng khẳng định: "Để buôn may bán đắt, nghệ thuật bán hàng là điều được dân gian đặc biệt chú trọng. Không phải ở thời hiện đại chúng ta mới có quan niệm "khách hàng là Thượng đế" mà từ xa xưa, ông cha ta đã rất chú trọng đến việc chiều khách: Bán hàng chiều khách.
Trong buôn bán, lời nói có thể đem lại giá trị vật chất lớn: Lời nói quan tiền, thúng thóc. Người buôn bán cần phải tươi cười, hòa nhã, nói năng nhún nhường, mời chào, "lạy", "dạ" để làm vừa lòng khách: Bán rao chào khách, Mua lạy, bán dạ.
Có thể trên cơ sở nghệ thuật "chào hàng" ấy, các doanh nghiệp hiện nay đã phát triển thành nghệ thuật marketing, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm với rất nhiều hình thức đa dạng".
Thử lấy một ví dụ cho nhận định của TS Bùi Văn Dũng, đó là trường hợp được nhắc đến rất nhiều về sự thành công của Starbucks ở Trung Quốc. Nhiều nghiên cứu về chiến lược tiếp thị của Starbucks cũng cho thấy thương hiệu này đã rất "chiều" khách hàng, dựa trên sự am hiểu sâu sắc văn hóa bản địa.
Chẳng hạn, để thu hút khách hàng ở Trung Quốc, Starbucks đã điều chỉnh thực đơn bằng cách giới thiệu các hương vị địa phương như trà xanh, bánh trung thu và sủi cảo rồng, đồng thời tạo ra không gian cửa hàng mang đậm nét văn hóa Trung Hoa với họa tiết truyền thống và thiết kế phù hợp với nhu cầu giao lưu của người dân.
Starbucks cũng chú trọng đến trải nghiệm cao cấp và tính cộng đồng, thể hiện qua việc lựa chọn địa điểm, thiết kế không gian và các hoạt động tiếp thị. Chiến lược "glocal" này đã giúp Starbucks trở thành một thương hiệu cà phê được yêu thích tại Trung Quốc.