Các điệp viên từ lâu đã cố gắng tạo ra các thông điệp mã hóa an toàn hơn bằng cách giấu chúng ở những nơi dường như ít khả nghi, từ bảng viết sáp bí mật do vua Sparta Demaratus nghĩ ra cho tới "gián điệp nước chanh" hồi Thế chiến thứ nhất. Chúng được gọi chung là thuật giấu thư (steganography).
Trong trường hợp sử dụng nước chanh làm mực vô hình, nguyên lý hóa học rất đơn giản. Khi bạn viết thông điệp bằng nước chanh và nó khô đi, chữ sẽ biến mất.
Nhưng nếu bạn hơ nóng nó, axit từ nước chanh sẽ phản ứng với đường tạo thành caramen màu nâu, làm các chữ hiện ra.
Các nhà nghiên cứu đến từ Viện Khoa học Weizmann ở Israel đã tiếp tục những nỗ lực này và tìm ra một cách mã hóa thông điệp tinh vi, đủ để sử dụng như một tình tiết mới trong bất kỳ bộ phim nào về điệp viên.
Phương pháp của họ đòi hỏi quá trình chuẩn bị phức tạp hơn, nhưng lại sử dụng khá đơn giản và kết hợp cả việc chuyển thông điệp thành mật mã, thuật giấu thư và quá trình bảo vệ mật khẩu.
Phương pháp mới nhìn chung dựa vào các phân tử phát huỳnh quang, có thể được dùng để phát tỏa các bước sóng ánh sáng khác nhau khi chúng tiếp xúc với một số chất hóa học nhất định. Việc đo bước sóng ánh sáng sẽ mang tới mã mà bạn cần để giải mật thông điệp.
Các nhà nghiên cứu đã tạo ra các phân tử chứa mã trong phòng thí nghiệm của họ, nhưng các chất hóa học này có thể là những sản phẩm gần gũi như một loại nước cola nào đó, cà phê hòa tan hay nước súc miệng.
Cách thực hiện
Để mã hóa thông điệp theo cách của các nhà khoa học Israel, bạn sử dụng một bảng mã đơn giản, trong đó mỗi chữ cái được thay thế bằng một biểu tượng khác hoặc trong trường hợp dưới đây là một dãy số.
Chẳng hạn như, thông điệp của bạn là "open sesame", để mã hóa từ "open" bạn có thể sử dụng:
O = 4350
P = 4650
E = 1350
N = 4050
Bạn cũng có thể gắn một bước sóng ánh sáng (đơn vị đo là nanomet, nm) cho mỗi chữ cái:
O = 500nm
P = 520nm
E = 540nm
N = 560nm
Sau đó, bạn cho phân tử vào một chất hóa học mà mình chọn, chẳng hạn như nước cola và đo lượng ánh sáng mà nó phát tỏa ở mỗi ánh sáng.
(Điều này có thể được thực hiện nhờ sử dụng một thiết bị cầm tay đơn giản và rẻ tiền, dù các điệp viên như 007 có thể nhận được tính năng tương tự tích hợp sẵn trong đồng hồ của họ).
Việc phát huỳnh quang có thể đo bằng đơn vị tùy ý, nên để có cùng các con số cho cả các công cụ mã hóa và giải mã, chúng cần phải được thiết lập cùng cách, tức là tăng thêm một lớp an ninh nữa.
Tăng thêm giá trị đo lường cho các con số mã hóa sẽ mang đến cho bạn mật mã cuối cùng. Vì vậy, nếu bạn đo được 689 ở 500nm, bạn sẽ cộng thêm con số này vào 4350, tạo ra giá trị cuối cùng là 5039 cho chữ cái O.
Cuối cùng, bạn chuyển các con số và phân tử phát huỳnh quang cho bất kỳ ai bạn muốn đọc được thông điệp của minh.
Ví dụ, phân tử có thể được che giấu bằng cách sấy khô nó trên một chữ cái. Tất cả những gì người nhận cần làm là nhúng chữ cái vào đúng thương hiệu nước cola và đo ánh sáng phát tỏa để giải mã thông điệp.
Quá trình mã hóa là khác nhau, phụ thuộc vào chất hóa học bạn sử dụng để tạo ra nó. Do đó, nếu bạn cố gắng giải mã thông điệp bằng nước súc miệng thay vì nước cola, bạn sẽ nhận được các giá trị sai và các thông điệp nhận được sau đó sẽ vô nghĩa.
Tăng cường bảo mật
Nhóm nghiên cứu Israel cũng tìm ra một cách để bảo vệ mật mã của thông điệp bằng cách khiến ánh sáng phát tỏa từ phân tử phụ thuộc vào trình tự bạn cho thêm các hóa chất khác vào nó.
Vì vậy, bạn có thể nhận được chìa khóa mã hóa khác biệt bằng cách cho thêm nước súc miệng, rồi đến nước cola thay vì ngược lại.
Toàn bộ quá trình trên có thể trông khá phức tạp, nhưng nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm nó với các tình nguyện viên chưa qua đào tạo và nhận thấy rằng, họ có thể dễ dàng thực hành nó sau vài phút hướng dẫn.
Theo Tech Insider