Cổ phiếu bất động sản tăng từ sàn lên trần, VN-Index có thêm 30 điểm đầy kịch tính

Dy Khoa |

Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam bứt phá tăng điểm dù còn chông chênh giữa phiên chiều.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

VN-Index chốt lại phiên ngày 26/4 khi có thêm 30,42 điểm (2,32%), đạt 1.341,34 điểm. Chỉ số của sàn TP HCM quay đầu hồi phục tích cực ngay khi mở cửa phiên chiều, bất chấp những giao động nhẹ ở giữa phiên.

Cổ phiếu bất động sản nắm giữ xu hướng tăng của thị trường khi chỉ còn 9 mã giảm sau phiên ATC. DIG, CEO, LDG, HQC, NBB, CTD, NLG... tím trần, nhóm đầu cơ như FLC, ROS cũng chuyển sắc tím. Nhóm ngân hàng với hàng loạt mã tăng điểm như VPB, MBB, HDB, BID, STB, ACB, CTG, TPB... cũng hỗ trợ xu hướng tăng, bên cạnh nhóm chứng khoán đóng cửa với sắc xanh gồm APG, APS SSI, VND, VCI, HCM, SHS, AGR, EVS... VN30 chỉ còn VCB, VJC giảm điểm, MSN tham chiếu, còn lại đều bật tông xanh.

HNX-Index cũng có tình thái tương đồng Vn-Index, khả quan đầu giờ, rung lắc nhẹ giữa phiên và tăng khá đến cuối phiên. Kết phiên, HNX-Index ở mốc 345,17, tăng 7,66 điểm, tương đương 2,27%. UPCoM-Index cũng có màn trình diễn màu xanh trong phiên chiều nay, kéo chỉ số thêm 1,61 điểm, lên 101,15 điểm.

Khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 880 triệu cổ phiếu, giá trị 24.322 tỷ đồng. Toàn thị trường có 556 mã tăng giá, tăng trần 101 mã. 241 mã giảm, trong đó 31 cổ phiếu bị giảm sàn.

Nhóm các mã tăng trần 7% đóng góp tích cực cho Vn-Index có NLG, APG, DRC, HAI, JVC, HAR... Các mã có giá trị giao dịch lớn trên sàn TP HCM là HPG (gần 1.000 tỷ đồng), VPB, DIG, FPT...

Sắc xanh bao phủ hầu khắp các nhóm ngành. Dòng tiền mua đổ mạnh vào nhóm tài chính - bảo hiểm, có gần 60 mã tăng giá: BID, VPB, MBB, VIB, SSB... Các mã tăng trần trong nhóm này có VND, OGC, APG tăng quanh mốc 7%. Riêng APS tăng trần gần 10%.

Các mã giảm sàn tại HoSE có ACL, PIT, CTR, DQC, AGM... Các mã này đa số giảm đến 7% thị giá. Trong đó, ACL mất đến 6,97%, hiện còn 26.700 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, trong phiên giao dịch sáng nay, thị trường có diễn biến khả quan hơn so với chiều giảm điểm mạnh của kết phiên chiều qua hôm qua. Cụ thể, kết phiên sáng, Vn-Index giảm nhẹ 3,8 điểm, tạm nghỉ ở mốc 1.307,12 điểm. Trước đó, tại phiên 25/4, Vn-Index rớt xấp xỉ 70 điểm, gần 5% giá trị.

VCB, VHM tác động tiêu cực nhất khi lấy đi gần 5 điểm của Vn-Index. Các mã đỏ đáng chú ý khác là MSN, FPT, DIG và DGC. Trong khi đó BID, SAB và VIC là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất.

Hai chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index sáng nay cũng giảm lần lượt hai điểm và 0,62 điểm.

Thanh khoản toàn thị trường đạt 15.200 tỷ đồng, cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với phiên hôm qua. Khối lượng giao dịch của Vn-Index trong phiên sáng đạt gần 459 triệu đơn vị, giá trị giao dịch hơn 13.000 tỷ đồng. Trong khi đó, HNX-Index có hơn 63 triệu đơn vị được giao dịch. Khối ngoại mua ròng hơn 665 tỷ đồng.

Cả thị trường phiên sáng có 308 mã tăng giá, 793 mã giữ tham chiếu và 461 mã giảm giá. Số mã tăng trần 17, sàn 46 mã. Riêng các mã trong nhóm VN30 có giao dịch tích cực, kết phiên sáng chỉ số này tăng hơn một điểm. Nhóm này có đến 15 mã giảm, 12 mã tăng và 3 mã đứng giá.

Tối muộn 25/4, VinaCapital tiếp tục có thư gửi nhà đầu tư. Trong chưa đầy một tuần quỹ này có hai bức thư bàn về thị trường thị trường chứng khoán Việt Nam được gửi đi. Trong bức thư mới nhất, VinaCapital nhấn mạnh "việc giảm điểm này chủ yếu là do tâm lý nhà đầu tư không mấy lạc quan từ một số sự kiện và thông tin không tích cực" đã được đề cập trong thư lần trước.

Quỹ này tiếp tục cho rằng "thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức giá rất hợp lý cho đầu tư dài hạn với mức P/E năm 2022 là 11,5 lần, thấp hơn hẳn so với mức trung bình 5 năm gần nhất (14,5 lần)". Và nhận định "thị trường có thể vượt qua những sự kiện tiêu cực trong ngắn hạn và diễn biến tích cực hơn trong phần còn lại của năm 2022 vì nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại