Trong ngày thứ Tư, sau cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ có thêm biện pháp trừng phạt mới áp dụng với Triều Tiên.
Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên leo thang sau khi Triều Tiên tiếp tục phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào sáng sớm ngày hôm qua.
Dù Tổng thống Donald Trump không nói cụ thể các biện pháp trừng phạt sẽ do Trung Quốc hay Mỹ áp dụng, tuy nhiên nếu nhìn từ góc độ kinh tế, Trung Quốc có quan hệ kinh tế với Triều Tiên chặt chẽ hơn so với Mỹ. Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên.
Trên trang Twitter của mình, Tổng thống Donald Trump tuyên bố: “Tôi vừa có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc về những hành động gây hấn mới nhất từ phía Triều Tiên. Các biện pháp trừng phạt mới sẽ được áp dụng. Mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn thỏa.”
Phát ngôn viên Nhà Trắng không phản hồi để làm rõ những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump. Phát biểu với phóng viên, Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết: “Chúng tôi có một danh sách dài các biện pháp trừng phạt, trong đó có tính đến sự siết chặt quản lý đối với các tổ chức tài chính. Bộ Tài chính Mỹ sẽ chính thức công bố các biện pháp trên khi họ đã sẵn sàng.”
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Heather Nauert, cho biết việc hạn chế bớt tàu thuyền trên biển có thể gây ra thêm nhiều áp lực mới lên Triều Tiên. Từ đầu năm nay, theo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, quy định kiểm tra chặt chẽ tàu thuyền giao thương với Triều Tiên đã được áp dụng, tuy nhiên, sau này điều khoản đó đã bị loại bỏ.
Đầu ngày thứ Tư, Triều Tiên đã tiếp tục phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, như vậy từ đầu năm đến nay Triều Tiên đã thử tên lửa ba lần. Chính quyền Triều Tiên còn tuyên bố sẽ có thể tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.
Những tuyên bố mới nhất của chính phủ Mỹ cho thấy chính phủ Mỹ đang có quá ít “vũ khí” để ứng phó với Triều Tiên và ngăn chặn Triều Tiên phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.
Cho đến hiện tại, các biện pháp trừng phạt Triều Tiên không có nhiều tác dụng với kinh tế nước này. Lựa chọn tấn công quân sự chống lại Triều Tiên gần như sẽ không bao giờ được lựa chọn bởi lo ngại về khả năng khủng hoảng sẽ lan rộng gây nhiều hậu quả tồi tệ lên khắp khu vực.
Dù nhiều chuyên gia còn hoài nghi về những tuyên bố của ông Kim Jong Un, nhưng họ đều đồng thuận rằng sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên đang lớn dần. Còn đối với Tổng thống Trump, chắc chắn ông sẽ phải đối diện với nhiều lựa chọn khó khăn trước mắt.
Sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Nhà Trắng ra tuyên bố kêu gọi Trung Quốc sử dụng tất cả những biện pháp cần thiết để thuyết phục Triều Tiên ngừng các hành động gây hấn và quay trở lại quá trình phi hạt nhân hóa.
Việc Triều Tiên thử tên lửa ngày hôm qua cho thấy thực ra nước Mỹ không còn nhiều lựa chọn để úng phó với Triều Tiên, theo chuyên gia tư vấn cao cấp tại tổ chức ICC, tác giả một cuốn sách về Triều Tiên, ông Christoper Green. Ông Green khẳng định tất nhiên chẳng có chính quyền Mỹ nào sẽ chấp nhận một Triều Tiên hạt nhân thế nhưng chính sách cũng cần phải thay đổi cho phù hợp với thực tế.
Cùng lúc đó, không một cường quốc nào trên thế giới, trong đó bao gồm cả Trung Quốc hay Nga, tuyên bố chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân, theo khẳng định của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Thế nhưng tính từ lần đầu tiên Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân vào năm 2006, hàng loạt các biện pháp trừng phạt cũng không thể ngăn cản được nước này.
Những phản ứng của Tổng thống Donald Trump đối với vấn đề Triều Tiên trong tháng qua khá trái ngược. Một mặt ông kêu gọi Triều Tiên đối thoại nhưng rồi sau đó ông lại tuyên bố Triều Tiên là nhà nước tài trợ khủng bố.
Trong đợt thử hạt nhân mới nhất, chính quyền Kim Jong Un phát đi thông điệp rằng Triều Tiên sẽ là một đất nước hạt nhân có trách nhiệm. Ông Kim Jong Un khẳng định vũ khí hạt nhân Triều Tiên sẽ không gây hại miễn rằng quyền lợi của Triều Tiên không bị xâm phạm.
Còn theo cựu quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Yang Xiyu, những hành động gây hấn mới nhất từ phía Triều Tiên giúp Triều Tiên có một đối trọng lớn hơn trong các cuộc đối thoại sau này. Họ sẽ trở lại bàn đàm phán với vị thế của một nhà nước hạt nhân, chính vì vậy, tiếng nói sẽ có trọng lượng hơn.