Trả lời VTC News , kỹ sư ô tô Hoàng Anh Dũng cho biết, dưới góc độ kỹ thuật, việc đỗ xe kiểu "chân thấp chân cao" sẽ không tốt cho nhiều bộ phận của xe, nhưng mức độ nguy hại thế nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như độ nghiêng, chênh độ cao, thời gian đỗ dài hay ngắn...
Kỹ sư Dũng cho rằng, lốp xe sẽ là bộ phận bị ảnh hưởng đầu tiên do khi đỗ nghiêng, sức nặng của xe sẽ dồn nhiều hơn về lốp phía thấp chứ không phân bổ đều cho bốn bánh. Lốp xe lúc này cũng không tiếp xúc toàn bộ bề mặt với mặt đường mà chỉ một góc nhỏ ở rìa, làm bề mặt lốp dễ bị biến dạng mạnh.
Không nên đỗ xe kiểu ghếch chân lên vỉa hè. (Ảnh minh họa).
"Trong thời gian ngắn thì kiểu đỗ này có thể chưa gây hại. Nhưng nếu đỗ nhiều lần như vậy và trong thời gian dài, lốp phía thấp sẽ bị méo, cao su chai khiến lốp khó có thể đàn hồi trở lại hình dạng ban đầu và thậm chí còn bị nứt gãy nếu lốp đã cũ. Sẽ rất nguy hiểm nếu đi đường dài với những chiếc lốp như vậy", vị chuyên gia này phân tích.
Ngoài ra, theo anh Dũng, khi đỗ xe nghiêng trong thời gian dài, thước lái của xe cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, dẫn đến hiện tượng xe bị nhao lái, lệch lái. Mức độ sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu tài xế không trả lái thẳng khi đỗ xe và chênh lệch quá lớn.
Để giảm thiểu tối đa các rủi ro, anh Dũng cũng đưa ra lời khuyên cho những chủ xe hay phải đỗ kiểu "gác chân" như sau:
Thứ nhất, hạn chế tối đa việc đỗ xe với một bên vỉa quá cao, vừa có thể khiến lái xe gặp khó trong quá trình lên, xuống và làm chênh lệch lớn, gây hư hại cho lốp và hệ thống lái như phân tích ở trên.
Thứ hai, nếu buộc phải đỗ kiểu "chân cao chân thấp", không nên để xe quá lâu mà ít nhất 4-5 ngày phải khởi động di chuyển xe để các bộ phận được vận động. Điều này cũng tốt cho động cơ và hệ thống điện, nhất là trong những mùa mưa ẩm.
Trong mọi trường hợp, nên tập thói quen trả thẳng lái khi đỗ xe. Đồng thời kiểm tra tình trạng lốp định kỳ và trước khi khởi hành để đảm bảo an toàn.