Theo các nhà nghiên cứu tại UBS (ngân hàng đầu tư và dịch vụ tài chính đa quốc gia), các nhà sản xuất xe của phương Tây sẽ mất khoảng 1/5 thị phần toàn cầu của họ vào tay các nhà sản xuất xe của Trung Quốc trong năm nay. Lý do được nêu là nhờ những mẫu xe điện Trung Quốc có chi phí sản xuất thấp, giá thành rẻ và đang ngày càng được ưa chuộng.
Trong một báo cáo của các chuyên gia phân tích UBS được phát hành hôm 31/8, tới cuối thập kỷ này, các nhà sản xuất xe Trung Quốc sẽ có được thị phần gấp đôi hiện tại mà trong đó, BYD là đơn vị đứng đầu.
BYD mở cửa showroom đầu tiên tại Bỉ từ tháng 10/2022.
Hiện tại, Triển lãm Xe hơi Quốc tế (IAA) đang diễn ra tại Munich, Đức. Đây vốn là sân chơi quen thuộc của những ông lớn Đức như BMW, Mercedes hay Volkswagen. Cũng tại đây, các nhà làm xe Trung Quốc như NIO hay XPeng cũng góp mặt. Tại đây, Mercedes và BMW đã giới thiệu những mẫu xe điện thuộc thế hệ tiếp theo, nhưng chúng sẽ chỉ có mặt trên thị trường từ năm 2025.
Trong một phỏng vấn, ông Paul Wong (giám đốc nhánh nghiên cứu ô tô Trung Quốc của UBS) cho biết: "Ngành xe toàn cầu sẽ trải qua một biến động lớn trong khoảng 10 năm tới".
Nghiên cứu của UBS dự đoán rằng tới năm 2030, thị phần của các hãng xe phương Tây trên toàn cầu sẽ giảm từ 81% xuống còn 58%. Bình luận về dự đoán này, ông Paul Wong cho biết: "Đó sẽ là thời khắc khủng hoảng với các công ty xe truyền thống của phương Tây". Trong khi đó, thị phần của Tesla sẽ tăng từ 2% lên 8%.
Nhà làm xe lớn nhất Trung Quốc theo doanh số - BYD - hiện có chi phí sản xuất tốt hơn khoảng 25% so với các thương hiệu của châu Âu hay Bắc Mỹ. Điều này đã giúp BYD chiếm được thị phần ngay tại thị trường nội địa trước khi hãng bước ra thế giới.
Trong một nghiên cứu của UBS, nhóm các chuyên gia tại đây đã tháo tung một chiếc xe điện BYD Seal đời 2022 và thấy rằng có tới 75% linh kiện do BYD tự sản xuất. Con số này được cho là gấp đôi mức trung bình của các nhà làm xe trên thế giới, và đó cũng là bí mật để BYD có thể có lợi thế về chi phí sản xuất khi hãng muốn kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng của mình.
Mẫu xe thường được đem so sánh với Tesla Model 3 - BYD Seal - gần như được sản xuất tại Trung Quốc, với nhiều nhất khoảng 10% linh kiện do các nhà cung ứng nước ngoài phụ trách. BYD Seal phiên bản mới cũng vừa được giới thiệu tại IAA, dự kiến sẽ bán cho khách hàng châu Âu từ đầu năm sau.
Ông Paul Wong nhận định: "Đây thực sự là trường hợp điển hình cho [trình độ] kỹ sư Trung Quốc và lợi thế kỹ thuật của mình". Những gì ông nói là nhắm về con số 600.000 lao động của BYD mà trong đó bao gồm 90.000 kỹ sư. So với Tesla, lực lượng lao động của BYD nhiều gấp khoảng 5 lần.
Mẫu BYD Seal mới tại IAA 2023. Ảnh: Martin Zink
Bên cạnh đó, cũng theo kết quả nghiên cứu của UBS thì xe của BYD, cũng nhờ tự sản xuất pin và chip bán dẫn, có chi phí sản xuất tốt hơn khoảng 15% so với mẫu Tesla Model 3 mà Tesla sản xuất cũng tại Trung Quốc, còn so với mẫu Volkswagen ID.3 thì tốt hơn tới 30%. Điều này có nghĩa là để BYD sản xuất Seal tại Trung Quốc sẽ tiết kiệm được 10.500 USD so với Volkswagen sản xuất ID.3 tại châu Âu. Theo ông Paul Wong thì cho dù các nhà làm xe Trung Quốc có thể sản xuất rẻ hơn ngay tại nước nhà, nhưng họ vẫn có thể duy trì được lợi thế 25% chi phí sản xuất khi sản xuất tại châu Âu.
Một điều đáng nhắc tới là đầu năm nay, BYD đã chính thức soán ngôi Volkswagen để trở thành thương hiệu có doanh số cao nhất thị trường nội địa Trung Quốc.
Dự đoán của UBS cho thị trường xe thế giới năm 2030 cũng gây chú ý khi cho rằng các nhà sản xuất xe Trung Quốc không có hoạt động nào tại Mỹ (hiện là thị trường xe lớn thứ 2 thế giới), cũng không có thành tựu lớn nào tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ - những thị trường quan trọng khác trên thế giới.
Những thương hiệu như BMW, Volkswagen hay Mercedes đều coi Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất, giờ cũng đang đẩy mạnh quá trình điện hóa sản phẩm.
Mẫu xe ý tưởng BMW Neue Klasse. Ảnh: BMW
Cũng tại triển lãm IAA, BMW đã giới thiệu mẫu xe ý tưởng Neue Klasse. Mẫu xe 2 cửa dáng coupé này hiển thị thông tin bằng màn hình HUD chiếm tới 1/4 kính chắn gió, bên cạnh đó là những công nghệ tiên tiến như phần mềm xử lý yêu cầu bằng giọng nói và cử chỉ tay - đây đều là những tính năng mà người tiêu dùng Trung Quốc mong xe điện có được.
Theo ông Yale Zhang - giám đốc của Automotive Foresight, thì điều này đã không còn giống với truyền thống nhiều chục năm nay của BMW, vốn đầu tư truyền thông về cảm giác lái, và càng cho thấy lòng quyết tâm chinh phục thị trường Trung Quốc của BMW.
Cũng theo ông Yale Zhang, trong số 3 ông lớn ngành xe Đức thì BMW đang cho thấy sự nhanh nhẹn và sự tập trung cao độ cho xe điện khi doanh số dòng xe năng lượng mới này tại Trung Quốc đã vượt qua Mercedes và Audi.
Ông nhận định: "BMW vẫn cần đuổi theo các nhà làm xe điện Trung Quốc với các tính năng lái xe thông minh như khoang lái thông minh và công nghệ lái xe tự động. Nhưng mẫu xe ý tưởng này đã cho thấy thay đổi từ căn bản và phát triển khoang lái thông minh. Đây là một điều đáng để chờ xem".