Có một công ty làm kem đánh răng, sữa rửa mặt chế từ phân bò, bạn có dám dùng thử không?

Đan Vy |

Nếu không nói ra thành phần chế tạo cam đoan sẽ không một ai dám nghĩ những sản phẩm vệ sinh như xà phòng, kem đánh răng, sữa rửa mặt… thơm phức này lại được làm từ chất thải của bò.

Từ trước tới nay, khi nhắc tới các loại hóa mỹ phẩm, chắc hẳn ai cũng mặc định dù không được làm từ các nguyên liệu thiên nhiên thì ít nhất cũng sẽ làm từ các hóa chất thơm tho. 

Cho tới một vài năm gần đây, khi trào lưu sử dụng các sản phẩm hữu cơ bắt đầu trở nên quen thuộc, không chỉ đồ ăn, người tiêu dùng còn tìm kiếm các loại mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên. 

Tuy vậy, không ít người sẽ cảm thấy bất ngờ khi biết có cả những loại hóa mỹ phẩm được làm từ nguồn nguyên liệu hữu cơ nhưng cực kỳ bốc mùi như… phân bò.

Cowpathy, một startup có trụ sở tại Mumbai, vừa gây ra một "cú sốc" lớn đối với thị trường hóa mỹ phẩm Ấn Độ khi tung ra các dòng sản phẩm làm từ phân, nước tiểu và mỡ bò. 

Công ty hiện đang chào bán xà phòng, kem đánh răng, nước lau nhà, dầu dưỡng tóc, kem cạo râu và sữa rửa mặt làm từ chất thải của bò.

Có một công ty làm kem đánh răng, sữa rửa mặt chế từ phân bò, bạn có dám dùng thử không? - Ảnh 1.

Xà phòng làm từ phân bò của Cowpathy hiện đang được bán đắt như tôm tươi.

Theo đó, thành phần để tạo lên một bánh xà phòng Cowpathy sẽ bao gồm phân bò khô và khử trùng kết hợp với vỏ cam, bột oải hương, cây lý gai… 

Trong khi đó, kem đánh răng do công ty sản xuất lại được làm từ phân, mỡ và nước tiểu của bò. Không chỉ dừng ở đó, Cowpathy hiện đang chuẩn bị cho ra mắt một dòng mỹ phẩm và dược phẩm mới.

Được biết, trước khi đưa vào sản xuất, phân và nước tiểu bò sẽ được làm khô ở nhiệt độ cao trong 3 ngày liên tiếp. Riêng đối với nước tiểu, nhà sản xuất chỉ chưng cất và sử dụng phần hơi bay lên. Qua quá trình làm khô và khử trùng, những thành phần còn lại đều có giá trị làm thuốc.

"Kinh Vệ Đà của người Ấn đã từng nói phân và nước tiểu bò rất giàu những thành phần có thể dùng làm thuốc. Ban đầu người tiêu dùng có thể sẽ hơi ngần ngại khi biết sản phẩm được làm từ chất thải của bò nhưng một khi đã tự mình trải nhiệm, họ sẽ không phải thất vọng về chất lượng của sản phẩm.

Thậm chí, theo phản hồi của một số khách hàng, những vết chàm eczema mà họ bị suốt 2 năm nay đã hoàn toàn biến mất sau khi sử dụng loại xà phòng đặc biệt của chúng tôi", ông Umesh Soni, người sáng lập công ty Cowpathy cho hay.

Có một công ty làm kem đánh răng, sữa rửa mặt chế từ phân bò, bạn có dám dùng thử không? - Ảnh 2.

Một dòng sản phẩm đang được bán chạy của Cowpathy.

Xuất thân từ một cử nhân vi sinh vật học, Soni trước đó cũng từng có kinh nghiệm trong ngành xuất khẩu các sản phẩm tẩy rửa và mỹ phẩm trước khi tự tách ra mở công ty riêng.

Cũng theo vị CEO trẻ tuổi dám nghĩ dám làm này, tiền thân của Cowpathy là một công ty nhỏ với cái tên Biobliss được thành lập năm 2012. Tại thời điểm đó, Cowpathy chỉ là một ngành hàng của Biobliss, chủ yếu tập trung vào các loại xà phòng được sản xuất từ phân bò.

Công ty đã đăng ký bản quyền cho những sản phẩm có một không hai của họ và mỗi tháng đều đặn tiêu thụ được khoảng 45.000 bánh xà phòng phân bò với giá 35 Rs (tương đương 12.500 đồng/bánh) trên toàn Ấn Độ và xuất đi 13 quốc gia trên khắp thế giới, trong đó có cả Mỹ.

Cowpathy trực tiếp thu mua nguồn nguyên liệu thô từ các trang trại bò trên khắp cả nước. Trước khi doanh nghiệp này được thành lập, nhưng con bò già không còn giá trị sử dụng sẽ bị chủ trang trại mang tới các lò mổ bán.

Nhưng giờ đây, họ hoàn toàn có thể vẫn kiếm ra tiền bằng việc bán phân và nước tiểu bò cho Cowpathy.

Có một công ty làm kem đánh răng, sữa rửa mặt chế từ phân bò, bạn có dám dùng thử không? - Ảnh 3.

Nhờ Cowpathy, những con bò già yếu sẽ không còn bị đưa tới các lò mổ nữa.

CEO Soni chia sẻ, lúc mới khởi nghiệp, tình hình kinh doanh của Cowpathy rất khó khăn nhưng khi người tiêu dùng nhận ra lợi ích thực sự của sản phẩm, doanh số tăng lên nhanh chóng. 

Chỉ trong một năm, startup này đã thành công khi vượt lên chính mình và tìm được thêm 2 nhà đầu tư để nâng quy mô công ty.

Cowpathy đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (USFDA) cũng như các cơ quan hữu quan phía Ấn Độ phê duyệt để tiếp tục sản xuất và cung cấp sản phẩm cả trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Câu chuyện của startup Ấn Độ này cũng chính là một bài học quý đối với những người trẻ mới khởi nghiệp ở Việt Nam. 

Hãy không ngừng sáng tạo, dám nghĩ dám làm và chấp nhận khó khăn ban đầu, nếu không thành công ngay thì chắc chắn những kinh nghiệm mà bạn tích lũy được từ thất bại cũng không hề nhỏ.

Theo Quartz

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại