Hình xăm "dấu chấm phẩy" khiến dân mạng thích thú
Mới đây, page Humans of Sài Gòn, một trang cộng đồng chia sẻ những câu chuyện nhỏ về người Sài Gòn đã chia sẻ một bức ảnh thú vị chụp hình xăm nho nhỏ nằm trên cườm tay của một cô gái.
Không có mặt người, không tâm trạng, chẳng biểu cảm hay nụ cười nào xuất hiện, nhưng hình xăm đáng yêu nằm trên cườm tay trắng hồng, hơi lộ gân xanh đó, cộng thêm những chiếc móng tay giản dị được cắt vuông ấn tượng và lời dẫn – câu nói của cô gái đã thực sự khiến bức ảnh gây sốt.
Hơn 5.600 lượt like, hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận đã được để lại dưới bức ảnh thú vị cùng lời dẫn đáng yêu này:
“Tôi đi dạy, tôi có một hình xăm chỗ đeo đồng hồ, không quá lớn nhưng đủ để mỗi lúc xem giờ tôi nhìn thấy nó. Vài người hiếu kỳ hỏi tôi tại sao lại là “chấm phẩy”. Tôi chỉ cười, chấm phẩy không phải là chấm hết.
Ngay lúc tưởng chừng như tuyệt vọng sắp nuốt chửng tuổi trẻ của mình, tôi nghĩ rằng đã đến lúc mình cần phải chấm phẩy.
Semicolon - dám thay đổi không phải là chấm hết, chỉ là khi bạn muốn kết thúc một vế và viết tiếp cuộc đời mình”.
Bức ảnh hình xăm dấu chấm phẩy và câu chuyện bước tiếp cuộc đời của một cô gái trẻ gây sốt.
Thông điệp thú vị này đã khiến nhiều bạn trẻ thích thú, vì tính tích cực và truyền cảm hứng của nó mang lại. Nick Cẩm Vân thích thú nhận xét: “Sau “dấu chấm hết” không cần viết gì nữa cũng được. Sau “dấu chấm phẩy”, chúng ta bắt buộc phải viết tiếp. “Chấm phẩy” muộn phiền để còn viết tiếp niềm vui”.
Còn với Pham Thu Uyen, một cô nàng cũng có hình xăm tương tự, trên tay như một lời nhắc nhở: “Cuộc đời vẫn tiếp tục mà, phải không?”.
Đừng ngần ngại đặt lên cơ thể mình một hình xăm, nếu nó có ý nghĩa đặc biệt với bạn.
Trong khi nhiều người khác phỏng đoán về thân thế của cô gái có hình xăm dấu chấm phẩy và cho rằng, hình xăm ấy, tuy nho nhỏ nhưng cũng thể hiện sự dũng cảm.
Vì với một công việc nghiêm túc như đi dạy hay nhân viên văn phòng, những hình xăm ở các vị trí dễ thấy có thể đem lại rắc rối và ánh mắt phán xét từ người xung quanh.
Xác nhận điều này, nick Lê Trần Thanh Tâm chia sẻ câu chuyện của mình: “Tui cũng có 1 hình xăm, một cái biểu tượng chà bá lửa sau cổ, do ban đầu cứ nghĩ 5x5cm chắc vừa rồi, ai dè xăm lên to vật vã.
Và khi đi làm, dù nóng cỡ nào cũng không dám cột tóc lên do đi làm mặc áo thun. (Tâm sự thanh niên chơi dại vì không lường trước kích thước hình xăm)”.
Còn Facebooker Khoa La thì khác: “Hồi trước, mình có một hình con cú thôi. Một hôm vào thang máy, gặp một ông Tây.
Ổng hỏi: “Cậu nghĩ gì khi xăm vậy nhỏ? Cậu có hối hận không? Cậu có biết người có hình xăm là xấu không?”
Anh chỉ bảo: “Không, tôi không hối hận, cái hình xăm chả nói lên điều gì cả, chỉ là tôi thích, thế thôi!”.
Ổng nói lại: “Rồi cậu sẽ hối hận thôi!”.
Chiều hôm đó, mình có lịch làm cái hình xương bên tay trái. Giờ cũng bị bao nhiêu người nhìn dò xét, mà kệ, mình vẫn làm việc, kiếm tiền, không ăn bám xã hội, vậy là vui rồi”.
“Không dám thay đổi, sao nhận ra chính mình?”
Cô gái bí ẩn có hình xăm lạ này nhanh chóng bị “truy lùng” tung tích. Hóa ra, hình xăm dấu chấm phẩy đã theo Trần Thị Quỳnh Như (1993) được khoảng nửa năm, khi cô quyết định thay đổi cuộc đời mình.
Quỳnh Như chia sẻ, cô tốt nghiệp kỹ sư quản lý đất đai, nếu theo đúng chuyên ngành thì sẽ làm công chức trong ngành, hoặc là kỹ sư địa chính. “Dấu chấm phẩy” ấy theo Như khi cô quyết định không ở Sài Gòn nữa, không theo nghề mình được đào tạo, mà về quê nhà ở Vũng Tàu.
Cô tiết lộ, cô có ý định xăm hình xăm này từ lâu, sau đợt chia tay người yêu, nhưng vẫn cảm thấy chưa đủ quyết tâm, chưa đến lúc thích hợp. Mãi đến tận khi quyết định rời Sài Gòn – thành phố đã gắn bó với cô suốt những năm tháng sinh viên, cô mới đặt nó lên cườm tay của mình.
“Tôi vừa thích, vừa sợ Sài Gòn. Thích người Sài Gòn, thích bạn bè ở đây nhưng không thích cuộc sống ở đó, nên quyết định về Vũng Tàu. Nhưng lý do quan trọng hơn, đó là có một khoảng thời gian tôi vô cùng căng thẳng về chuyện về tình cảm, rồi học hành và áp lực công việc nữa.
Ai cũng nói tôi chọn sai ngành rồi, tính cách của tôi không hợp với ngành này. Tôi học xong, và cũng thấy mình không phù hợp thật. Cái cảm giác tự thấy mình vô dụng và thất bại trong một thành phố nhiều cơ hội như Sài Gòn rất kinh khủng!
Mặc dù hồi đó tôi vẫn đi dạy thêm, vẫn có cửa hàng váy áo của riêng mình, thu nhập cũng ổn, nhưng mọi người xung quanh chẳng ai công nhận điều đó cả. Tôi chẳng làm gì nữa, dừng hết và chỉ ở nhà tiếc thời gian học vừa qua thôi.
Thời gian đó, cũng không hẳn tôi bị trầm cảm, nhưng quả thực là trong đầu chẳng nghĩ được điều gì tích cực. Càng đến gần ngày tốt nghiệp, tôi càng thấy hoảng.
Tôi vẫn đi làm, nhưng không thấy trong mình lửa nhiệt tình, ngược lại, thấy bản thân đang mòn đi trong khi bạn bè thì đang nỗ lực rất nhiều.
Cô gái dễ thương này đã xăm lên tay, như khép lại một vế của đời mình, và mở cho mình hướng đi mới.
Tôi không nhớ là mình đã vượt qua như thế nào nữa, chỉ nhớ, sau khi suy nghĩ rất lâu về việc mình sẽ làm gì, có theo ngành không, mọi người sẽ nghĩ thế nào…, hôm ấy, tôi tự nhủ: “Được rồi, đến lúc chấm phẩy rồi”, thế là đặt nó lên tay mình, rồi về hẳn Vũng Tàu”.
Với Quỳnh Như, dấu chấm phẩy trên cườm tay không chỉ là một hình xăm, mà thực sự là một phần tâm hồn, một sự khích lệ, nhắc nhở cô về việc không để rào cản nào là “dấu chấm hết” của cuộc đời mình.
Như một phép màu, sau khi có “dấu chấm phẩy” trên tay, bỗng nhiên, cô nhận ra mình sống tích cực hơn, có ích và phấn chấn hơn nhiều.
Quỳnh Như bật mí: “Tôi có đọc được đâu đó là có hẳn một hiệp hội hay một tổ chức cùng nhau xăm chấm phẩy để cổ vũ, khích lệ cho nhũng người vượt qua trầm cảm. Với tôi, tôi tạm hài lòng với cuộc sống bây giờ, với phần sau của “dấu chấm phẩy” mà mình đang viết.
Ở nhà chăm cho mấy sào đồ, bản thân tươm tất gọn gàng rồi đón các bạn sang chơi, thử váy áo, tối tối đi dạy tiếng Anh cho trẻ con, có dịp lễ lớn thì lại tổ chức Flea Market (một mô hình kinh doanh, mua sắm kiểu chợ trời) cho các bạn Vũng Tàu đến mua sắm.
Không nhiều cạnh tranh mà thấy an nhiên lắm! Dấu chấm phẩy là hình xăm đầu tiên của tôi, và sắp tới, có lẽ tôi sẽ xăm thêm lên mình con số “398.2” nữa.
Trong quy ước Dewey Decimal Classification cho việc sắp xếp sách ở thư viện, 398.2 quy ước cho thể loại sách Fairy Tales, truyển cổ tích thần tiên. Tôi thích vậy”.
Quỳnh Như đã từ bỏ thành phố phồn hoa và ngành học không phù hợp, để rút về làm những dự án nho nhỏ của riêng mình.
Như bảo, mình chưa có gì gọi là thành công, nhưng đã khám phá ra chính mình, sau khi tự kết thúc một vế của cuộc đời mình.
“Tôi nghĩ, những bạn trẻ như tôi nếu thực sự chưa rõ được mình cần gì, muốn gì và chưa biết mình sẽ là ai thì nên cân nhắc việc thử và thay đổi. Khi mà mọi người nghĩ bạn không có gì cả, bạn vô dụng, đừng quên, bạn còn tuổi trẻ và thời gian.
Mỗi người chỉ có một lần để sống và hưởng thụ thôi đấy, nên hãy cứ thử những thứ bạn muốn, làm những việc bạn thích thì mới hưởng thụ thành quả một cách trọn vẹn được. Rồi sẽ có lúc bạn nhận ra, đó không hẳn là mà đây mới đúng là chính mình, một “mình” tốt nhất!”.
"Khi mà mọi người nghĩ bạn không có gì cả, đừng quên bạn còn tuổi trẻ và thời gian".