Có khoảng 3 triệu người được nghỉ hưu sớm

ĐỨC MINH - VIẾT LONG |

Trong 1.810 ngành, nghề, lĩnh vực có công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... và vùng đặc biệt khó khăn thì khoảng 3 triệu người có thể được nghỉ hưu sớm hơn năm năm...

“Bộ luật Lao động vừa được Quốc hội thông qua có 20 điểm mới đối với người lao động (NLĐ) và tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở. Đặc biệt là việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu có lộ trình…”.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nói bên lề Quốc hội sau khi các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động vào sáng 20-11 như trên.

Hết tuổi hưu không được làm lãnh đạo

. Phóng viên: Theo ông việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động như thế nào đến NLĐ và người sử dụng lao động?

+ Ông Đào Ngọc Dung: Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước, là tầm nhìn có tính chất chiến lược, nhằm đi trước đón đầu thách thức già hóa dân số.

Đồng thời, giải quyết mục tiêu bao trùm là vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế-xã hội, vừa phải cân đối để đảm bảo công ăn việc làm, bảo toàn, phát triển bền vững quỹ bảo hiểm xã hội, giải quyết hài hòa việc bình đẳng và tiến tới giảm dần khoảng cách về giới (nam, nữ).

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là xu hướng chung của thế giới nhưng cũng chưa bao giờ là dễ với bất cứ quốc gia nào. Vì nó tác động rất lớn đến hàng chục triệu NLĐ và trong mỗi hoàn cảnh, đối tượng cụ thể phải có cách ứng xử khác nhau.

Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ theo lộ trình tăng dần đều, tăng chậm. Cụ thể, từ ngày 1-1-2021, mỗi năm tăng ba tháng với nam và bốn tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035 và của nam là 62 tuổi vào năm 2028.

Tôi cũng xin nhắc lại, việc tăng tuổi nghỉ hưu ở đây là đối với NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường.

Đối với NLĐ nặng nhọc, độc hại, ở vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn… được quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá năm năm. Đồng thời, nếu NLĐ bị thêm suy giảm sức khỏe 61% thì có thể nghỉ hưu sớm hơn nữa.

Còn những trường hợp có trình độ cao, do yêu cầu công việc thì có thể sẽ được kéo dài tuổi nghỉ hưu nhưng không quá năm năm. Đặc biệt, họ sẽ không làm công tác quản lý mà chuyển sang làm chuyên gia. Luật sẽ theo hướng đó.

. Vậy ông có thể cho biết có bao nhiêu nghề sẽ được quyền nghỉ hưu sớm?

+ Hiện nay chúng ta đang xây dựng danh mục 1.810 ngành, nghề, lĩnh vực có công việc nặng nhọc, độc hại… và vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn với khoảng 3 triệu người, số này chắc chắn có thể được nghỉ hưu sớm hơn năm năm và thậm chí sâu hơn.

Tổ chức đại diện người lao động sẽ mạnh hơn

. Bộ luật Lao động có ý nghĩa bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Vậy quy định nào trong luật thể hiện được điều này thưa ông?

+ Phải khẳng định xuyên suốt của bộ luật này là đề cao quyền tự quyết, vai trò thương lượng của NLĐ. NLĐ có quyền quyết định chọn việc làm nếu thấy công việc, mức lương đó phù hợp.

Tổ chức đại diện NLĐ là người đứng ra cùng NLĐ, đại diện thương lượng cho NLĐ trong quá trình tổ chức có hoạt động và thực thi quyền của NLĐ.

. Việc Quốc hội bổ sung một ngày nghỉ lễ theo ông có tác động lớn đến doanh nghiệp và NLĐ không?

+ Quá trình soạn thảo Bộ luật Lao động, Bộ LĐ-TB&XH và Chính phủ đã tiếp cận theo hướng bổ sung thêm một ngày nghỉ, vì số ngày nghỉ của chúng ta còn thấp so với các nước.

Ngày nghỉ ấy nhằm mục tiêu tạo điều kiện cho NLĐ được nghỉ ngơi, nâng cao sức khỏe, có điều kiện quây quần ấm cúng bên gia đình, làm các công việc nhân đạo, từ thiện…

Trong quá trình thảo luận, còn có nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội. Chính phủ lắng nghe và tiếp tục khẳng định việc bổ sung thêm ngày nghỉ lễ là cần thiết, còn quyền quyết định nghỉ ngày nào là của quyền Quốc hội. Chính phủ hoàn toàn ủng hộ việc này.

Tôi cho rằng hôm nay Quốc hội có một quyết định rất ý nghĩa khi chọn ngày nghỉ vào ngày liền kề với ngày Quốc khánh...

. Như vậy việc bổ sung ngày nghỉ sẽ trước hay sau ngày Quốc khánh?

Theo quy định mới, ngày Quốc khánh sẽ được nghỉ hai ngày nhưng trước hay sau thì giao lại cho Chính phủ xem xét.

Ví dụ, trong quá trình tổ chức thực hiện nếu trùng vào thứ Bảy thì cho nghỉ sớm, trùng vào ngày Chủ nhật thì cho nghỉ ngày tiếp theo.

Khâu tổ chức thực hiện thế nào phải phù hợp nhất, để tạo điều kiện cho NLĐ được nghỉ liên tục hai hoặc ba ngày.

Và tạo điều kiện cho NLĐ cũng như gia đình có thời gian chăm sóc con cái, làm tốt hơn công việc gia đình. Đây là khâu tổ chức thực hiện chứ không phụ thuộc vào quyết định…

Sẽ có lộ trình cho người lao động nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật

Về thời gian làm việc bình thường (48 giờ/tuần), đây là vấn đề lớn tác động sâu rộng đến tất cả chủ thể, đối tượng, từ NLĐ, cơ quan nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp… Và quan trọng hơn là nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nên ta cần đánh giá toàn diện, sâu sắc và đầy đủ.

Chính vì vậy, Chính phủ đề nghị và Quốc hội thống nhất ghi vào nghị quyết Quốc hội, giao Chính phủ nghiên cứu xem xét để có lộ trình đề xuất Quốc hội giảm giờ làm ở thời điểm thích hợp.

Còn thời điểm nào là thích hợp thì Chính phủ sẽ xem xét, đánh giá và trên cơ sở từng giai đoạn cụ thể để trình Quốc hội xem xét.

“Tôi nghĩ có thể hai hoặc ba năm hoặc có thể dài hơn. Nếu có điều kiện cho phép thì làm sớm hơn. Cái này ta rất linh hoạt. Chúng tôi cũng mong muốn nếu điều kiện kinh tế-xã hội tốt lên thì có thể giảm dần giờ làm việc bình thường càng sớm càng tốt theo hướng đó…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại