Cô kiểm lâm kiêm hướng dẫn viên đặc biệt Hoàng Thị Kim Quý chụp hình chung cùng đoàn khách đến từ TP.HCM tham quan Rú Chá - Ảnh: NHẬT LINH
Với Hoàng Thị Kim Quý (30 tuổi, kiểm lâm viên Hạt kiểm lâm TP Huế), rừng ngập mặn Rú Chá là ngôi nhà thứ hai.
Việc mời khách vào nhà, tận tình hướng dẫn du khách tham quan, thấy những nét đặc trưng, riêng biệt của Rú Chá của Quý khiến người dân sống trong khu rừng ngập mặn duy nhất còn sót lại ở phá Tam Giang quý mến gọi Quý là "sứ giả" của khu rừng.
Cô hướng dẫn viên đặc biệt
Quý hiểu rừng, yêu rừng và có một nền tảng kiến thức rộng và nhiều. Rảo bước trong khu rừng phủ màu xanh bất tận dọc quốc lộ 49 cùng Quý là trải nghiệm thú vị.
Quý nói rằng trước đây Rú Chá chỉ rộng chừng 3ha, toàn cây giá mọc hoang. Loài cây này thuộc họ thầu dầu, có mủ khá độc nên không nhiều sinh vật sống được trong khu rừng.
Nhiều năm trước, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định cải tạo lại khu rừng bằng việc mở rộng diện tích lên gấp 10 lần, trồng thêm nhiều loại cây như đước, bần... để trung hòa môi trường sống tự nhiên. Từ đó, chim muông tìm về Rú Chá tăng dần.
Nơi đây cũng xuất hiện trên bản đồ du lịch xứ Huế như một điểm đến tuyệt đẹp. Đặc biệt vào mùa thu khi cây rừng thay lá.
Quý tươi cười và kể với nhóm du khách về "tấm chắn xanh" Rú Chá đã giúp người dân xã Hương Phong qua bao lần bão tố.
"Từ ngày được trồng thêm cây ngập mặn, không chỉ chim muông mà cá kình, cá nâu, cua... sống tự nhiên tăng lên đáng kể và trở thành đặc sản bởi thịt rất chắc, ngọt lành và vị rất đặc biệt. Do đó tôm cua ở đây được bán giá tiền triệu mỗi ký. Khi giữ được rừng đã giữ luôn nguồn sống của bà con", chị nói.
Chị Trần Thị Thanh Thanh (TP.HCM) nhận xét chuyến đi Rú Chá thật sự là trải nghiệm đáng nhớ nhất trong chuyến du lịch Huế dịp Festival.
Chị Thanh biết về Rú Chá qua những bức ảnh tuyệt đẹp đăng tải trên mạng. Sau khi kết thúc những ngày rong ruổi TP Huế, cả nhóm 5 người thuê xe máy đến Rú Chá hít thở không khí trong lành, hoang sơ.
"Phải nói là chúng tôi may mắn khi gặp Quý. Chuyến đi quá ý nghĩa. Tôi nghĩ nếu kiểm lâm ở các khu rừng khắp Việt Nam làm như Quý, giá trị của rừng sẽ được nâng cao và chính những người ở thị thành như chúng tôi cũng thêm yêu quý rừng", chị Thanh tâm sự.
Rồi khi kết thúc chuyến đi, chị Thanh thay mặt đoàn cảm ơn Quý và dúi vào tay chị một chút tiền như tấm lòng của đoàn dành cho tình yêu rừng và sự nhiệt thành của một người giữ rừng.
Quý lễ phép cảm ơn và từ chối nhận, chị chia sẻ: "Được giới thiệu về khu rừng đặc biệt này vừa là nhiệm vụ, vừa là niềm tự hào của những người giữ rừng như cháu. Mong mọi người sau chuyến đi sẽ giới thiệu về vẻ đẹp của Rú Chá là tụi cháu rất biết ơn rồi".
Duyên nợ với khu rừng
Công tác trong ngành kiểm lâm vừa tròn 10 năm. Tháng 4 vừa rồi Quý mới nhận nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng ở Rú Chá. Với Quý, Rú Chá là cả thanh xuân của mình. Chị còn chọn Rú Chá làm nơi chụp ảnh cưới của mình.
Ngày nhận nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng ngập mặn Rú Chá, Quý nói mình đã không ngủ được. "Đúng là định mệnh gắn tôi với khu rừng này. Tôi còn trẻ, tôi nghĩ mình không chỉ làm nhiệm vụ giữ rừng mà phải làm sống dậy khu rừng bằng cách tìm hiểu và giới thiệu đến du khách", chị nói.
Dân địa phương biết Quý thật sự yêu rừng. Chị tâm tình: "Dù được nhiều trang mạng quảng bá và khách du lịch tìm đến đây rất nhiều nhưng chỉ vậy là chưa đủ. Khách đến cũng chỉ dạo quanh, chụp ảnh rồi đi nơi khác bởi chẳng tìm được hàng bán nước giải khát hay dịch vụ ăn uống nào thì làm sao họ ở lại được lâu. Tôi mong bà con làm du lịch, kiếm tiền từ câu chuyện và vẻ đẹp của Rú Chá".
Ở Rú Chá có một hộ gia đình được du khách yêu mến đặt cho biệt danh là "Robinson trên Rú Chá" là ông Nguyễn Ngọc Đáp (77 tuổi) và bà Trần Thị Hồng (75 tuổi).
Gần 40 năm nay, ông Đáp, bà Hồng chọn cuộc sống tách biệt giữa Rú Chá để bảo vệ cánh rừng này. Khi nhận nhiệm vụ ở Rú Chá, Quý thường lui tới nhà ông Đáp để vận động cả hai vợ chồng... làm du lịch.
Vợ chồng ông Đáp nghe theo, dựng những căn chòi nhỏ làm bằng tre nhoài ra mép ao nuôi tôm cá, làm nơi nghỉ chân cho du khách.
Bà Hồng mua thêm đá lạnh, nước suối, nước ngọt để bán cho du khách, khách muốn ăn đặc sản Rú Chá chỉ cần Quý điện trước, ông bà sẽ chuẩn bị.
Và trong mỗi lần giới thiệu Rú Chá, Quý đều nhắc đến ông bà. Từ "ông bà Robinson", chị hy vọng sẽ có thêm nhiều người dân biết làm du lịch từ rừng.
Ông Đáp bảo: "Không chỉ vợ chồng tui, mà ai sống gần đây cũng mến cô Quý hết. Ai yêu Rú Chá thì dân tui đều yêu quý người đó. Cô Quý trẻ, dễ thương, thân thiện, là sứ giả của rú đấy".
Ủng hộ kiểm lâm viên làm hướng dẫn viên
Ông Lê Nhân Đức, hạt trưởng Hạt kiểm lâm TP Huế, nói rằng Quý là một cán bộ trẻ, nhiệt huyết, đầy năng động và đặc biệt rất tận tâm trong việc bảo vệ, phát triển du lịch ở Rú Chá.
Quý là kiểm lâm viên nữ duy nhất tại hạt nhận nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. "Tôi cũng có biết chuyện Quý thường "làm thêm" việc hướng dẫn viên ở Rú Chá. Tôi ủng hộ việc này và động viên Quý phát huy để người dân, du khách hiểu rõ về Rú Chá. Đó là cách bảo vệ rừng tốt nhất", ông Nhân nói.