Cơ hội lớn mở ra cho Ukraine

Bằng Hưng |

Hơn 65 quốc gia đã tham dự thảo luận quốc tế về vấn đề hòa bình của Ukraine ở Malta từ ngày 28-10 nhưng không có đại diện Nga.

AP cho biết cuộc họp kéo dài hai ngày giữa các quan chức phụ trách an ninh đến từ hơn 65 quốc gia. Đây là vòng đàm phán thứ ba về công thức hòa bình do Ukraine đề xuất nhằm chấm dứt xung đột với Nga.

Ukraine coi đây là cơ hội để giành được sự ủng hộ cho kế hoạch hòa bình 10 điểm của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy từ các quốc gia trên thế giới, đặc biệt khi cuộc giao tranh ở Trung Đông có nguy cơ chuyển trọng tâm chú ý ra khỏi xung đột Kiev - Moscow.

Mặc dù liên quan trực tiếp nhưng Nga không được mời tham dự bất cứ cuộc họp nào. Trước đó, Nga đã bác bỏ sáng kiến hoà bình này vì cho rằng nó "mang tính thiên vị".

Trước khi diễn ra vòng đàm phán thứ ba ở Malta, ông Andriy Yermak, Chánh Văn phòng tổng thống Ukraine, nhấn mạnh: "Những nỗ lực ngoại giao của Ukraine đang được đền đáp khi sự ủng hộ của quốc tế dành cho công thức hòa bình của Ukraine ngày càng tăng".

Vòng đàm phán đầu tiên tại Copenhagen – Đan Mạch vào tháng 6 chỉ có đại diện từ 15 quốc gia tham dự. Con số này tăng lên 43 quốc gia trong vòng đàm phán thứ hai tại Jeddah – Ả Rập Saudi vào tháng 8. Cả hai vòng đàm phán này cũng không có đại diện của Nga.

Cơ hội lớn mở ra cho Ukraine - Ảnh 1.

Quan chức an ninh các nước dự thảo luận công thức hoà bình do Kiev đề xuất cho xung đột Ukraine – Nga ở Malta. Ảnh: Times of India

"Ngày càng có nhiều quốc gia tham gia kế hoạch của Tổng thống Zelenskyy và Nga sẽ phải nhượng bộ cộng đồng quốc tế. Họ sẽ phải chấp nhận những điều kiện chung của chúng ta" – ông Yermak phát biểu tại hội nghị.

Chánh Văn phòng tổng thống Ukraine sau đó chỉ rõ rằng 5 trong số 10 điểm của kế hoạch sẽ được thảo luận tại Malta, bao gồm: An toàn hạt nhân, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thả những người bị bắt giữ và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Malta Ian Borg cho biết sự tham dự đông đảo lần này như "một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cho Malta với tư cách là nhà trung gian hòa bình". Ông Ian Borg đồng thời nhắc lại sự ủng hộ của Malta đối với Ukraine, song cũng nhấn mạnh họ là quốc gia giữ vai trò trung lập.

Moscow - Kiev đã không ngồi vào bàn đàm phán kể từ cuộc gặp ở Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 3 năm ngoái.

Xung đột giữa đôi bên đã kéo dài hơn 600 ngày nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, xuống thang căng thẳng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại