Mới đây cộng đồng mạng truyền tay nhau clip một cô giáo Tiểu học đang hỏi chuyện học sinh của mình.
Cụ thể, 5 em nhỏ khuôn mặt sợ sệt, đứng nghe cô hỏi: "Bạn nào đi xe thả 2 tay?","Bạn nào đi xe bốc đầu", "Bạn nào vừa đi xe vừa múa quạt?".
Trước sự chất vấn của cô giáo, các em nhỏ ấp úng, tìm cách chối tội và đổ lỗi cho nhau: "Em thả hai tay nhưng bây giờ bố mẹ em cấm đi xe đạp", "Em thả hai tay nhưng từ lúc em lên lớp 3, bố mẹ em cấm không cho thả hai tay nữa rồi".
"Em không bốc đầu được, xe em không bốc được cao", "Bạn Việt là người múa quạt"…
Nhiều người lớn xem xong clip đã bật cười vì sự ngây ngô, đáng yêu của các em học sinh tiểu học. Nhưng không ít người giật mình bởi hành động "vừa đi xe vừa múa quạt" của các em.
"Vừa đi xe, vừa múa quạt – Hậu quả do Khá Bảnh để lại đây mà", một người dùng mạng bình luận.
"Khá Bảnh đi rồi nhưng di chứng để lại vẫn quá lớn".
"Lại còn múa quạt! Khá Bảnh dạy hư trẻ em hết rồi. Giờ nhìn thấy mấy đứa trẻ con học đòi chửi bậy rồi bắt chước múa quạt theo gã này mà tôi phát sợ!".
"Làm sao để dẹp hết mấy cái Khá Bảnh đầu độc cho bọn trẻ bây giờ?".
"Múa quạt" là trào lưu do Ngô Bá Khá , biệt danh Khá Bảnh – một nhân vật nổi tiếng trên mạng tạo ra. Khá Bảnh được biết đến bởi những clip hướng dẫn "quẩy" trong bar, live stream nói tục, chửi thề, đòi nợ, rượu bia… Dù đây là nhân vật tai tiếng nhưng các em nhỏ lại vô cùng yêu thích và đua nhau bắt chước theo.
Mới đây Khá Bảnh bị tuyên án 10 năm 6 tháng tù vì tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Cứ tưởng khi nhân vật này tai tiếng này đã "ra đi" thì ảnh hưởng sẽ mất nhưng không ngờ hậu quả vẫn còn đó.
Bố mẹ cần làm gì để giúp con không thần tượng lệch lạc?
Ở độ tuổi còn quá nhỏ, con chưa nhận thức và phân biệt được đúng sai, không chọn lọc được thông tin. Nhiều khi các con thấy người này có nhiều fan thì theo chứ chưa phân biệt được tốt xấu.
Theo Nhà văn Hoàng Anh Tú: "Cha mẹ cần phải làm gương cho con cái. Nếu cha mẹ vẫn cười khoái trá với những clip của Khá Bảnh hay thậm chí tham gia vào những cuộc chửi bới trên mạng thì đương nhiên con cái cũng thấy đó là chuyện bình thường. Từ hiếu kỳ sang ái mộ chỉ một vài bước.
Tôi không cho rằng cha mẹ về áp đặt con không được thần tượng người này, không được học đòi theo người kia. Mà là thái độ của cha mẹ, phản ứng của cha mẹ mới là thứ cho con mình thấy đâu là thứ đáng xem, ai là kẻ đáng ngưỡng mộ. Là sự lên tiếng mạnh mẽ của cha mẹ trong không chỉ bữa cơm hàng ngày bên con mà còn là trên mạng xã hội.
Chúng ta, những cha mẹ cần phải là người đi dọn rác đến đó để dạy con về sự sạch sẽ. Chứ không phải là “May quá con mình không thần tượng Khá Bảnh” mà có khi con cái đã thần tượng một “Khá Bảnh” khác trên mạng xã hội mà mình không biết".