Với bề dày phát sóng 19 năm qua, Đường lên đỉnh Olympia - cuộc thi kiến thức trên truyền hình dành cho học sinh trung học phổ thông do Đài truyền hình Việt Nam phát sóng thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng.
Chứng kiến những phần thi kịch tính từ các thí sinh chất lượng từ các trường THPT trên cả nước, Olympia luôn được coi món ăn tinh thần không thể thiếu vào mỗi chiều Chủ nhật hằng tuần.
Dẫu luôn được đánh giá cao về kiến thức chuyên môn, tuy nhiên, không ít lần các thí sinh của cuộc thi đã vướng vào những tranh cãi lùm xùm trên mạng xã hội. Những câu chuyện này vẫn còn rất nóng, thậm chí qua mỗi năm, cư dân mạng lại "đào mộ" một lần khiến không ít thí sinh phải ẩn mình rời xa mạng xã hội.
"Hoa khôi Olympia" Phạm Tường Lan Thy
Vào đầu tháng 3/2016, hình ảnh một cô bạn thí sinh trong Đường lên đỉnh Olympia đã được chia sẻ rộng rãi với dòng caption "Đây là thí sinh nữ đang gây náo loạn tại trường quay S14 lúc này".
Với gương mặt xinh xắn cùng nụ cười duyên dáng, bạn nữ này đã làm không ít người phải "xiêu lòng" khi trót xem ảnh.
Và cũng rất nhanh chóng, mọi người đã nhận ra đây không phải ai khác, chính là Phạm Tường Lan Thy - một trong ba em bé đầu tiên được ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam. Cũng từ đó, mọi người bắt đầu chú ý đến cô bạn này nhiều hơn.
Khoảng thời gian sau, Lan Thy bất ngờ bị dính phải thị phi khi lộ điểm thi môn Lịch Sử dưới trung bình trong kì thi THPT Quốc gia.
Nghiêm trọng hơn, Lan Thy còn dính tin đồn gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về vấn đề bản quyền trong quá trình theo học tại Lê Hồng Phong. Tuy nhiên, cô bạn này vẫn luôn giữ im lặng và đi qua bão dư luận, đồng thời sang Nhật Bản du học.
Thậm chí mới đây, mặc dù đứng ngoài một vụ lùm xùm về đạo văn khác nhưng Lan Thy vẫn bị người trong cuộc nhắc tên. Tuy nhiên, vì quá bức xúc nên "hotgirl ống nghiệm" đã lên tiếng dù đã im lặng nhiều năm qua.
Trong một bài phỏng vấn của chúng tôi với Lan Thy, cô nàng cho hay: "Một phần mình thấy khó chịu vì bị kéo vào sự việc hoàn toàn không hề liên quan đến mình. Một phần mình tự cảm thấy oan uổng cho bản thân tí xíu vì mọi người chửi rủa mình về những việc mình hoàn toàn không làm. Nhưng mình cũng không quá buồn hay gì cả, vì mình cũng đã quen với việc bị người lạ mắng chửi vì hiểu lầm rồi".
Màn múa quạt "chị em Khá Bảnh" gây tranh cãi dữ dội
Trong cuộc thi Tuần 2 - Tháng 1 - Quý 3 năm 2019 xuất hiện một màn múa quạt thu hút nhiều sự chú ý, khá giống với trường hợp của nam sinh Lại Kinh Châu có sở thích múa quạt từng gây sốt trong chương trình Olympia được phát sóng ngày 17/2.
Đó là thí sinh Phạm Huệ Anh hiện đang học lớp 11A1 trường THPT Ea H'Leo tỉnh Đắk Lắk. Khi giới thiệu về bản thân, Huệ Anh chia sẻ mình là người "Vui thì rất là nhây và lầy nhưng những lúc buồn hay không có tâm trạng thì hầu như không nói chuyện với ai".
Để làm rõ hơn, MC Ngọc Huy đã hỏi Huệ Anh hành động "nhây và lầy" gần đây nhất là gì, nữ sinh này trả lời rằng đó là hành động múa quạt trong lớp. Sau đó, Huệ Anh đã có màn biểu diễn múa quạt ngay tại trường quay.
Sau khi được phát sóng, màn biểu diễn này đã thu hút được rất nhiều bình luận và ý kiến trái chiều từ MXH, tương tự như phản ứng của mọi người với trường hợp của Lại Kinh Châu.
Thêm vào đó, hành động múa quạt gần đây cũng thường hay bị gắn với nhân vật Khá Bảnh, một thanh niên bất hảo gây tranh cãi gay gắt khi được học sinh chào đón và hâm mộ như thần tượng chỉ vì múa quạt dẻo.
Nữ sinh múa quạt gây tranh cãi trên chương trình Đường lên đỉnh Olympia hồi tháng 3.
Thí sinh ra về với 0 điểm
Ngày 11/2/2018, cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 18 (tuần 3, tháng 3, quý II) đã khép lại với màn tranh tài của 4 thí sinh: Nguyễn Đăng Tuấn Anh (THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội), Nguyễn Thanh Lịch (THPT Phan Văn Hòa, Vĩnh Long), Bùi Ngọc Đạt (THPT Quảng Xương 2, Thanh Hóa) và Thái Khắc Đức An (THPT Đức Trọng, Lâm Đồng).
4 thí sinh đã hoàn thành phần thi của mình, và chiến thắng thuộc về Tuấn Anh với số điểm 235 điểm. Thái Khắc Đức An về nhì với cách biệt chỉ 5 điểm (230 điểm). Nhưng đặc biệt hơn cả, cậu bạn Thanh Lịch ra về "hai bàn tay trắng" với điểm số 0 tròn trĩnh.
Suốt các vòng từ Khởi động, Vượt chướng ngại vật, Tăng tốc, Thanh Lịch chỉ ghi được 20 điểm. Cậu trả lời sai hầu hết các câu hỏi từ MC Diệp Chi. Đến lúc Về đích, Thanh Lịch chỉ còn 20 điểm.
Dù đã có một quyết định táo bạo khi chọn gói câu hỏi 60 điểm nhằm khôi phục vị trí nhưng may mắn không mỉm cười với Thanh Lịch.
Cậu tỏ ra chán nản và mệt mỏi trước những câu hỏi về Toán hoặc tiếng Anh, cơ hội thuộc về các thí sinh khác.
Không trả lời được câu hỏi nào, đồng nghĩa với việc Thanh Lịch bị trừ toàn bộ số điểm đã có Kết thúc cuộc thi, thí sinh này cho biết mình chưa hài lòng với số điểm này vì có khá nhiều áp lực nên có phần thi không tốt và bản thân thiếu một chút may mắn.
Đây không phải là lần đầu tiên có thí sinh bị điểm 0 trong "Đường lên đỉnh Olympia". Trong cuộc thi quý 1 năm thứ 16 "Đường lên đỉnh Olympia" (2015) thí sinh Vũ Duy Long, học sinh Trường THPT Tứ Kỳ, Hải Dương cũng ra về với 0 điểm.
Thí sinh có kết quả chưa được như ý và ra về với "hai bàn tay trắng" là Thanh Lịch.
Màn phản damage cực gắt của thí sinh Olympia với một thanh niên tự nhận "phản biện không đối thủ"
Vào ngày 23/7 vừa qua, trên một diễn đàn nổi tiếng xuất hiện một bài đăng gây tranh cãi về vấn đề một số chương trình giải trí hiện nay chiếm sóng và kiếm nguồn thu quảng cáo nhiều hơn các gameshow kiến thức thu hút một lượng người quan tâm.
Nhắc đến những gameshow kiến thức, chắc chắn phải nhắc đến Đường lên đỉnh Olympia.
Trong bài đăng đó, xuất hiện một bình luận của cựu thí sinh Olympia Nguyễn Hữu Quang Nhật, cậu bạn cho rằng tỉ lệ thí sinh tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia so với lượng người chơi của các chương trình giải trí là rất ít.
Nếu như người thắng cuộc của các chương trình giải trí sẽ nhận được một phần thưởng giá trị và "chơi vui là chính" thì trong gameshow kiến thức, các thí sinh phải thi đấu với nhau rất quyết liệt và chỉ có một người duy nhất giành được suất học bổng giá trị tại nước ngoài.
Tuy nhiên, dưới bình luận của Quang Nhật, một cư dân mạng khác có nickname C.T.H đã bất ngờ để lại phản hồi khó chịu và cho rằng, việc được đứng trên sân khấu của một chương trình giải trí là một vinh dự "mà không phải bất cứ ai gõ phím trên mạng muốn cũng được đâu". Trước bình luận có phân bất lịch sự trên, Quang Nhật đã nhẹ nhàng để lại dòng phản hồi kèm theo link bài báo viết về mình. Sau một hồi phản ứng gay gắt, C.T.H chỉ biết "cứng họng" khi thấy link bài viết từ Quang Nhật.
Hiện tại, cậu bạn C.T.H hiện tại đã khóa facebook. Nam thanh niên cứ tưởng "Facebook của mình, sân chơi là của mình" thì thích đăng bất cứ điều gì, ai ngờ bị cư dân mạng ném đá tơi tả đến mức phải khóa luôn tài khoản .
Khi bạn muốn làm anh hùng bàn phím trên mạng, ai ngờ gặp phải thí sinh tham gia Olympia!
16/18 quán quân không về nước
Nếu là một khán giả trung thành của Đường lên đỉnh Olympia, bạn sẽ dễ dàng nhận ra rằng, Đại học kỹ thuật Swinburne (Úc) sẽ tài trợ học bổng trị giá 100%, 50% và 25% cho các bạn thắng giải chung kết năm lần lượt theo thứ hạng Nhất, Nhì và Ba.
Nhìn lại lịch sử 18 mùa Olympia, trong số 18 quán quân từng được vinh danh chỉ hai thí sinh là Lương Phương Thảo (cựu học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long) là quán quân năm thứ 3 và người giành vòng nguyệt quế chung kết năm thứ 7 là Lê Viết Hà (THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi) hiện tại đang sinh sống và làm việc tại quê nhà.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, Phương Thảo về nước làm việc cho một công ty quảng cáo tại TPHCM. Thông tin này gây chú ý vào năm 2016 khi thời điểm đó, Thảo là quán quân duy nhất trở về nước làm việc.
Còn đối với Lê Viết Hà, sau khi tốt nghiệp hạng xuất sắc với hai bằng cử nhân Công nghệ Robot và Khoa học Máy tính từ ĐH Swinburne, anh làm việc ở Sydney, Australia. Hiện tại, Viết Hà trở về Việt Nam làm việc với vai trò cán bộ chịu trách nhiệm về các khoản đầu tư của một công ty lớn từ tháng 12/2017.
Còn lại, tất cả các quán quân đều du học ở Úc và ở lại không về nước. Quán quân gần đây nhất là Nguyễn Hoàng Cường đã được nhận học bổng du học toàn phần dành cho bậc đại học tại Trường ĐH Kỹ thuật Swinburne Úc với trị giá thưởng tiền mặt 35.000 USD.
Chủ đề "ở lại hay trở về" của các du học sinh vẫn luôn thu hút sự quan tâm của dư luận, nay tiếp tục nóng trở lại sau khi các quán quân Olympia giành vòng Nguyệt quế.
Tuy nhiên, không phải cứ nhất thiết là quay về Việt Nam mới có thể cống hiến cho đất nước, chúng ta phải nhìn nhận một thức tế rằng có rất nhiều cách để đóng góp cho quê hương mà không nhất thiết cần phải sống hoặc làm việc trên mảnh đất này.
Quán quân gần nhất Nguyễn Hoàng Cường đã được nhận học bổng toàn phần dành cho bậc đại học tại Trường ĐH Kỹ thuật Swinburne Úc với trị giá thưởng tiền mặt 35.000 USD.