Mặc dù sống ở giữa lòng Thủ đô, diện tích sân thượng vẻn vẹn 30m2 nhưng chị Bùi Thị Nga (63 tuổi, giáo viên Ngữ Văn về hưu) vẫn tự tạo ra cho mình một không gian yên bình, thư thái giữa chốn đất chật người đông.
CHI HƠN CHỤC TRIỆU, ĐƯỢC VƯỜN RAU XANH MƯỚT MẮT
Chị Nga có đam mê và thích trồng trọt từ nhỏ. Thời thơ ấu, chị thường theo mẹ ra vườn để xem mẹ trồng và chăm sóc rau. Đến khi trưởng thành, đi dạy học, ở tập thể cùng đồng nghiệp, chị Nga rủ mọi người cùng trồng rau ở những khoảng đất trống trong vườn trường.
Đến năm 2000, chị Nga chuyển từ nhà chung cư xuống mặt đất. Chị nhanh trí bàn với chồng thiết kế sân thượng thành vườn rau mini và được cả nhà ủng hộ nhiệt tình.
Chị Nga và cháu nội.
Khu vườn xanh mướt trên sân thượng của gia đình chị Nga.
“Do thiết kế vườn cùng thời điểm làm nhà nên có nhiều thuận lợi. Sân thượng được chống thấm cẩn thận, lát sàn nghiêng dốc 3cm về chỗ thoát nước, hàng rào lan can làm thưa, hàn thêm giá kê chậu và giá treo các chậu rau lên cao.
Nhà tôi không lợp mái tôn để tận dụng nắng. Đất được chuyển lên cùng với lúc chuyển nguyên vật liệu làm nhà nên mọi việc rất nhàn, kiểu “một công đôi việc”. Nhà xây xong là tôi cũng bắt tay vào trồng rau luôn.
Cũng nhờ kết hợp xây nhà với hoàn thiện sân thượng nên tiết kiệm được đôi chút kinh phí, chỉ hết xấp xỉ 5 triệu đồng. Sau này, tôi thấy mùa hè không đủ nước tưới, rau hay bị héo nên ông xã đã làm giúp một hệ thống tưới tự động hết 8,5 triệu đồng. Có hệ thống này thì tôi rất yên tâm, đi vắng vài ngày cũng không sợ” - chị Nga kể.
Trong khu vườn rộng 30m2 của mình, chị Nga trồng rất nhiều loại rau khác nhau, tùy theo mùa. Mùa xuân - hè, chị trồng các loại rau cải, rau dền, rau muống, mồng tơi, bầu, bí xanh, mướp...
Mùa thu - đông, chị trồng rau cải mào gà, cải ngọt, cải dún, su hào, bắp cải, súp lơ, xà lách, su su, lặc lè… Để có nhiều diện tích trồng trọt, tăng năng suất, chị Nga tận dụng làm giàn trên cao để trồng các loại cây leo, hàn thanh sắt để treo các chậu nhựa.
Rau lên xanh mướt 4 mùa giúp gia đình chị Nga có rau sạch tươi ngon ăn mỗi ngày.
Cháu nội chị Nga thích thú làm vườn cùng bà.
Mùa nào thức ấy, gối vụ, xen canh nên vườn rau nhà chị Nga bốn mùa xanh tốt, gia đình luôn có rau sạch tươi ngon thưởng thức. Chia sẻ về bí quyết để rau lên đều, không bị sâu hại, chị Nga cho hay mỗi ngày, chị dành từ 2-3h ở vườn để tưới, chăm bón và hái rau. Các loại rau ăn lá thường hay bị sâu hại nên chị tưới ẩm 2 lần sáng/tối để kiến không tha rệp lên lá rau làm tổ. Để bướm trắng không đến đẻ nhờ ấu trùng sâu xanh, chị làm nước enzyme rồi pha tưới cho rau.
Cô giáo còn làm dung dịch chuối, dịch cá và ủ rác nhà bếp làm dinh dưỡng, mua dịch trùn quế để tưới rau. Nhờ vậy, vườn rau nhà chị Nga tốt um, xanh tươi, mọc kín mít cả sân thượng.
“Công việc trồng rau thực ra không khó và nặng nhọc, chỉ cần người trồng chăm chỉ và hiểu biết chút ít về đặc điểm sinh trưởng của các loại rau, cách chăm sóc chúng là sẽ luôn có vườn rau xanh tốt quanh năm. Kinh nghiệm của tôi là trồng rau theo mùa và các loại rau quả đã được thuần chủng, mua hạt giống ở chỗ uy tín là sẽ gieo trồng thành công” - chị Nga nói thêm.
Chị Nga làm giàn leo, giá treo chậu trồng rau để tăng năng suất.
CẢ NĂM KHÔNG MẤT TIỀN MUA RAU
Thành quả mà chị Nga có được là một khu vườn nhỏ nhưng cực kỳ gọn gàng, sạch sẽ, tươi tốt đã mắt. Đến nỗi, họ hàng nhà chị ở quê lên cũng ngỡ ngàng, không tin được là chị lại có thể làm được một khu vườn xanh mướt như thế ở “tít trên tầng 4”.
Do diện tích có hạn nên chị Nga ưu tiên trồng cây ăn lá và cây lấy quả. Rau thu hoạch đủ dùng cho gia đình nên cả năm cô giáo không mất tiền mua rau. Chỉ có các loại củ chưa trồng được thì thỉnh thoảng, chị phải đi mua về dùng. Thời điểm chính vụ, rau bội thu, chị Nga đem cho các con và tặng bạn bè, người thân. Cô giáo rất vui khi có thể chia sẻ ít nhiều nguồn rau sạch tự trồng với mọi người.
Con gái chị Nga tưới rau giúp mẹ.
Các bạn khách nước ngoài cũng lên thăm vườn rau của chị.
Họ hàng ở quê lên ngỡ ngàng vì chị Nga có thể làm được một khu vườn tươi tốt thế này ở sân thượng.
Khu vườn nhỏ còn là nơi để cô giáo Ngữ Văn có cơ hội được vận động, thư giãn mỗi ngày, kết nối các thành viên trong nhà vào dịp cuối tuần. Đặc biệt là trong mùa dịch, mọi người phải hạn chế ra ngoài nhưng đều không cảm thấy tù túng vì đã có chỗ xả stress. Cháu nội chị Nga nhờ thường xuyên lên tưới rau giúp bà mà bây giờ cũng đã dần biết rau cần tưới nước để lớn lên, biết nhận mặt các loại rau, quả khác nhau...
“Vì mục đích trồng rau vừa vui lại vừa lấy rau quả an toàn để gia đình dùng nên tôi vẫn trồng các loại rau quen thuộc để dễ chăm sóc. Diện tích vườn có giới hạn nên tôi không có dự kiến đầu tư, nâng cấp vườn thêm nữa để đỡ tốn kém. Khu vườn nhỏ trên nóc nhà của tôi vẫn tồn tại xanh tốt cùng năm tháng, thỉnh thoảng một vài chậu bị hỏng thì tôi thay chậu mới cũng rất nhẹ nhàng.
Tóm lại, trồng rau bằng niềm đam mê cùng tình yêu cây cối thì sẽ cảm thấy thoải mái, lại khỏe người nên tôi thấy rất vui và thanh thản” - cô giáo hạnh phúc nói.