THẤT BẠI LIÊN TỤC, BỊ LỪA TRẮNG TAY
Đó là câu chuyện của anh Tống Văn Huy (sinh năm 1989, hiện đang sống và làm việc ở Hà Nội). Trước đây, Huy chọn học ngành Công nghệ thông tin vì yêu thích máy tính cũng như nhận ra sự quan trọng của công nghệ thông tin ứng dụng trong đời sống.
Hết 4 năm đại học, anh ra trường và may mắn được vào làm việc tại một công ty lớn về lĩnh vực công nghệ. Trong quá trình làm việc, chàng trai 8x học hỏi được nhiều điều, từ đó tự nhận thức được mục tiêu và mong muốn của bản thân. Tuy nhiên, ít kinh nghiệm và chưa thực sự va chạm nhiều chính là những rào cản khiến cho việc thực hiện mục tiêu và ý tưởng của anh thất bại.
Năm 2014, Huy tham gia một dự án về công nghệ nhưng không thành công. Anh quyết định Nam tiến để thay đổi môi trường, thử thách bản thân ở vùng đất mới để được trải nghiệm, nhìn nhận cuộc sống một cách đa chiều.
Anh Tống Văn Huy, giám đốc một công ty công nghệ tại Hà Nội.
Khi vào Nam, anh làm qua nhiều công việc khác nhau, mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng. Công việc vất vả, tốn nhiều thời gian khiến anh không có nhiều thời gian cho bản thân và trải nghiệm cuộc sống.
Sau hơn 1 năm bươn trải, thu nhập của anh vẫn ít ỏi, chi tiêu không được thoải mái, không có tiền để dành. Cộng thêm nỗi nỗi nhớ gia đình, bạn bè và nơi đã gắn bó nhiều năm Huy nhận ra mình cần phải trở về Hà Nội.
“Mình thất bại trong việc tìm cơ hội trong Nam, nhưng đổi lại mình được va chạm, trải nghiệm rất nhiều. Và quan trọng là khi thử quăng bản thân ra khỏi vùng an toàn, mình cũng vẫn sống được” - Huy nói về những ngày tháng Nam tiến.
Ra Bắc, chàng trai gốc Ninh Bình thử sức ở lĩnh vực mới - bán hàng online. Anh nhập các sản phẩm đồ gia dụng, mỹ phẩm Trung Quốc về bán online, chạy quảng cáo trên Facebook. Công việc này đem lại cho anh lợi nhuận tốt. Sau 1 năm, anh Huy đã có một nhóm bán hàng vận hành trơn tru. Nhưng vì thiếu kinh nghiệm, anh lại trắng tay khi nhân viên kế toán “ôm” toàn bộ tiền gốc, lãi, tiền hàng bỏ trốn.
Anh Huy cùng những người bạn có cùng chí hướng đã quyết tâm khởi nghiệp.
LÀM XE ÔM KIẾM TIỀN KHỞI NGHIỆP, GIỜ THU 10 TỶ/NĂM
Đến năm 2016, một lần nữa anh Huy nhận ra công nghệ thông tin vẫn là một lĩnh vực tiềm năng, cũng là lĩnh vực bản thân có chuyên môn nhất. Do đó, anh quyết định vay 20 triệu đồng để khởi nghiệp.
“Với 20 triệu đồng, mình gặp rất nhiều khó khăn do có nhiều khoản chi phí phải lo như: Phí thành lập công ty, phí sắm đồ cho văn phòng. Nói là văn phòng chứ thực tế nó chỉ là một cái phòng nhỏ với vài bộ bàn ghế cho anh em ngồi làm việc mà thôi. May mắn là số tiền vừa đủ, chứ không thì mình không biết xoay thêm kiểu gì.
Còn một cái may nữa là mình có 1 người bạn chơi với nhau lâu năm, anh em cùng ý tưởng. Bạn mình khi đó làm vị trí leader kỹ thuật của một công ty lớn với mức lương cao nhưng vẫn chấp nhận ra làm cùng mình với thu nhập… 0 đồng.
Ngoài ra, cậu ấy còn hỗ trợ mình việc tuyển dụng, đào tạo các bạn sinh viên. Nhờ vậy mà công ty có những nhân viên đầu tiên. Việc tuyển các bạn sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm, về mình đào tạo thêm giúp tiết kiệm được kha khá chi phí.
Mình cũng xác định năm đầu tiên sẽ phải đi làm không công. Ban đầu, công ty nhận những dự án, hợp đồng rất nhỏ, tiền thu về chỉ đủ trả lương cho nhân viên, thuê văn phòng. Mình nhớ có những hôm trong người không còn đồng tiền nào. Khi nhân viên về hết, mình lóc cóc dắt xe máy ra đầu ngõ làm xe ôm, kiếm tiền ăn tối” - Huy nhớ lại thời điểm gian nan khi bắt đầu startup.
Những năm tháng khó khăn, anh từng phải chạy xe ôm kiếm ăn qua ngày.
Những ngày tháng đó, áp lực, căng thẳng đến với giám đốc trẻ nhiều vô kể, nhưng chán nản và buông bỏ thì chưa bao giờ anh nghĩ đến. Đến giờ, anh Huy cũng không định nghĩa chính xác được rằng lúc ấy động lực nào đã giúp anh vượt qua tất cả mọi khó khăn đó. Chỉ biết rằng, mục tiêu mà anh đặt ra luôn ở trước mắt. Và trong tâm trí, chàng trai trẻ luôn hướng tới việc phải đạt được mục tiêu đó.
Từ những hợp đồng nhỏ, dần dần công ty của anh Huy đã có một tệp khách hàng ổn định. Công ty bắt đầu thực hiện các dự án lớn, gây được ấn tượng với đối tác như: Mạng xã hội cho người Việt tại Nhật; Phần mềm quản lý nội bộ của ngân hàng Thụy Sĩ, Mạng xã hội việc làm part-time cho sinh viên; Phần mềm học tiếng Anh…
Năm 2019, công ty của anh Huy đạt doanh thu hàng tỷ đồng/tháng. Ở tuổi 30, anh mua được căn nhà hơn 3 tỷ đồng và ô tô riêng cho mình.
Đến hiện tại, “đứa con” của anh Huy đã “thay da đổi thịt”. Văn phòng nhỏ như phòng trọ ngày nào giờ đã được chuyển sang không gian rộng 140m2, khang trang, sạch đẹp hơn. Công ty hiện đạt doanh thu khoảng 10 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho 30 nhân sự với thu nhập 10-20 triệu đồng/người mỗi tháng.
Công ty của anh Huy hiện tạo công ăn việc làm cho 30 người, với mức lương 10-20 triệu đồng/người/tháng.
TIẾC CHO CÁC BẠN TRẺ ĐỊNH GẮN BÓ VỚI NGHỀ SHIPPER
Thời gian qua, có nhiều quan điểm nói rằng người trẻ bây giờ đi làm shipper nhiều, có người còn định gắn bó với công việc này, như vậy là không có chí tiến thủ. Bản thân cũng từng phải làm xe ôm để kiếm tiền startup, anh Huy bày tỏ suy nghĩ: “Quan điểm của mình thì bạn làm gì kiếm tiền chân chính thì đều không sai. Tuy nhiên, cần nhận định rõ ràng mục tiêu dài hạn và tạm thời. Lấy việc tạm thời để phục vụ việc lâu dài vì không phải ai cũng có xuất phát điểm tốt.
Riêng các bạn trẻ mà có ý định gắn bó với công việc shipper hay xe ôm công nghệ thì mình cảm thấy đáng tiếc. Vì khi còn trẻ, còn rất nhiều cơ hội để các bạn có thể thử sức và phát triển bản thân ở các lĩnh vực khác. Mình mong các bạn trẻ sẽ có định hướng và nhìn nhận cơ hội sự nghiệp 1 cách tích cực và rõ ràng hơn”.
Anh Huy cảm thấy tiếc cho những bạn trẻ muốn gắn bó với nghề shipper.
Tự nhận bản thân chưa phải một người thành công nhưng ít nhiều cũng đã có thành quả trong sự nghiệp, anh Huy nhắn nhủ đến những người trẻ đang muốn startup: “Khi muốn khởi nghiệp, các bạn hãy trau dồi kiến thức, mở rộng các mối quan hệ trong lĩnh vực mà các bạn muốn làm, kiên trì, tâm huyết và vạch ra mục tiêu rõ ràng từng bước để thực hiện tốt nhất có thể”.