Lần đầu thưởng thức đồ Việt Nam tại Trung Quốc
Sau một thời gian sinh sống và làm việc tại Thượng Hải, tôi và vài người bạn quyết định tới thử đồ ăn tại cửa hàng Trung Nguyên Legend tọa lạc ở khu trung tâm thành phố. Lý do cho chuyến đi lần này một phần là vì tò mò, một phần khác vì đã lâu chưa được ăn đồ Việt Nam và tôi cũng muốn giới thiệu những món đặc sản quê hương cho các bạn người Nga học cùng.
Cửa hàng Trung Nguyên Legend nằm ở số 699 đường Nam Kinh Tây, thuộc khu trung tâm thương mại đắt đỏ Thái Cổ Hối. Do ở xa và không muốn tới vào giờ cao điểm nên tôi rời nhà từ 8h sáng. Sau vài giờ đồng hồ di chuyển bằng tàu điện ngầm, tôi đã tới đường Nam Kinh Tây. Từ đằng xa, Trung Nguyên Legend với logo quen thuộc dần hiện ra, không khó tìm như lo lắng ban đầu của tôi.
Cửa hàng có mặt tiền rộng, nằm cạnh những tòa nhà cao tầng và khu trung tâm thương mại của phố đi bộ. Ngay sau lớp cửa kính tự động là một chiếc bàn lớn có mô hình Bảo tàng Thế giới Cà phê, một trong những công trình "biểu tượng" tại tỉnh Đắk Lắk. Vì đã từng tới bảo tàng của Trung Nguyên tại Buôn Ma Thuột nên tôi không khỏi bất ngờ về độ chi tiết của mô hình này.
Bước tiếp vào bên trong, chúng tôi được tiếp đón bởi không gian màu trắng - đen chủ đạo và đồ nội thất sang trọng, có thể thoải mái lựa chọn chỗ ngồi trong diện tích lên đến 500 mét vuông. Nhiều khách Trung Quốc còn từng bình luận rằng không gian này "sang trọng không kém gì các chi nhánh cà phê Starbucks tại Mỹ". Ngoài ra, khách trong cửa hàng dễ dàng bắt gặp tiếng Việt, có nhiều câu trích dẫn nổi tiếng được gắn trên tường.
Tôi và các bạn bắt đầu chọn đồ ăn từ menu của quán. Cũng như nhiều cửa hàng khác tại Trung Quốc, Trung Nguyên Legend có in mã QR để khách hàng quét đặt món trên điện thoại. Trong thực đơn của Trung Nguyên, khung giờ ăn sáng có mức giá mềm hơn các khung giờ còn lại, ở mức 22-38 tệ/suất (từ 70-130 nghìn đồng).
Theo tìm hiểu trước khi đến, tôi biết cửa hàng bán nhiều loại cà phê khác nhau, trong đó hương vị đặc trưng nhất không thể không kể đến hạt cà phê Robusta. Các món ăn đặc sản khác như bánh tráng cuốn tôm thịt, phở, bún bò Huế, nem rán cũng là những món Việt Nam tôi trông đợi tại cửa hàng.
Tuy nhiên, khi đặt món trên ứng dụng điện thoại, nhiều món... không xuất hiện mặc dù bàn khách ngồi bên cạnh vẫn đang ăn. Sau khi chúng tôi đã gọi phở, bánh mì, bún bò Huế, vài cốc cà phê, chúng tôi mới phát hiện rằng một số món ăn - có thể vì lí do khách quan - không hiện trên ứng dụng đặt món mà cần phải ra quầy để gọi.
Sau 11h sáng, các món ăn như phở, bún bò Huế, bún chả Hà Nội, bún chả Đà Nẵng… được bán ở mức 68-78 tệ (từ 230-260 nghìn đồng). Một chiếc bánh mì chuẩn vị Việt Nam được bán với giá 58 tệ (200 nghìn đồng). Cửa hàng cũng có suất “Phở Quốc Vương” dành cho 4 người với giá 268 tệ (hơn 900 nghìn đồng).
Ngoài ra, cửa hàng còn bán cơm gà 68 tệ (230 nghìn đồng), chả cá Lã Vọng, xôi gà nướng với giá 158 tệ (530 nghìn đồng). Các loại đồ cuốn, nem được bán với mức 48 tệ (160 nghìn đồng). Mẹt đồ ăn vặt được đề xuất lựa chọn với mức giá 88 tệ (300 nghìn đồng), có salad Hội An với mức 58 tệ (200 nghìn đồng).
Bên cạnh đó, thực đơn cũng thể hiện thế mạnh về cà phê của Trung Nguyên. Menu đồ uống gồm 3 mục Ottoman, Roman và Thiền, giới thiệu đa dạng chủng loại và sản phẩm để khách hàng có thể lựa chọn, trong đó nổi bật nhất vẫn là cà phê trứng và cà phê sữa đá của Việt Nam. Để thưởng thức một lúc ba nền văn hóa cà phê khác nhau, khách có thể lựa chọn set 88 tệ (300 nghìn đồng).
Có xứng với giá tiền?
Chúng tôi không phải chờ lâu trước khi đồ ăn được mang lên. Theo cảm nhận cá nhân, phở khá đậm đà và giống vị phở miền Bắc. Bát phở cũng như các suất ăn khác đều khá lớn, có nhiều miếng thịt bò, phù hợp với khẩu phần dành cho một người ăn khỏe.
Người bạn Nga đi cùng tôi nói rất thích nước dùng của phở bò và có thể “húp mãi không chán”. Đây không phải lần đầu tiên người bạn này thưởng thức đồ ăn Việt Nam nhưng vẫn rất ấn tượng với món phở. Tuy nhiên, vì bát khá lớn nên các bạn nữ không thể "xử lí" hết được.
Bánh mì đầy đặn với thịt, trứng và rau. Người dân Thượng Hải không có thói quen ăn bánh mì kẹp mà thường ăn bánh cuộn rau củ hoặc thịt, bánh bao, cảo, nên vào ngày thường tôi gần như không bao giờ bắt gặp bánh mì kiểu Việt Nam.
Bánh mì tại Trung Nguyên Legend được phục vụ trong chiếc "mẹt mini" lót lá chuối, cùng dao dĩa và bát xốt nhỏ. Bánh mì dễ ăn, đủ vị và đúng chuẩn "vua ẩm thực đường phố" mà một số báo quốc tế từng ca ngợi về món ăn này.
Mức giá của các món này có thể coi là khá phù hợp bởi đây là món ăn nước ngoài, bán trong khu vực có giá thuê không hề rẻ. Theo một ước tính, để thuê mặt bằng rộng tại tầng 1, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, Trung Nguyên Legend có thể đã phải bỏ từ 700 đến hơn 800 triệu đồng/tháng.
Cà phê có hương thơm nồng, hấp dẫn từ những hạt cà phê rang xay. Mỗi giọt cà phê đều mang vị đắng đặc trưng, hòa quyện với vị ngọt từ sữa, tạo nên một trải nghiệm vị giác độc đáo. Cảm giác ấm áp lan tỏa trong từng lần uống, rất phù hợp trong thời tiết lạnh 0 độ tại Thượng Hải.
Vì đã quá no sau khi ăn, nên chúng tôi không có dịp thưởng thức những món ăn khác. Do tò mò, trước khi ra về, tôi đã tranh thủ đọc thêm đánh giá của khách Trung Quốc đối với cửa hàng này.
Trên ứng dụng đánh giá ẩm thực Dianping, một thực khách Trung Quốc viết: “Cà phê sử dụng hạt Robusta, tạo ra hương vị êm dịu và đậm đà. Thật thư giãn khi ngồi đợi cà phê được chiết xuất từ từ từng giọt. Đáy của cốc cà phê là sữa đặc, cần khuấy đều khi uống, vị ngọt của sữa sẽ kết hợp với vị đắng của cà phê, phù hợp với khẩu vị của mọi người".
Một người dùng khác viết:
"Đối với một người nghiện cà phê nặng như tôi, một tách cà phê Việt Nam vào buổi sáng có thể khiến tôi tỉnh táo rất lâu, và tôi không còn phải uống cà phê Mỹ liên tục nữa! Đây là cửa hàng mơ ước của những người yêu thích cà phê!
“Bún chả và nem Việt Nam cũng rất ngon. Nếu bạn muốn thử một loại văn hóa cà phê khác, hãy đến đây để trải nghiệm cà phê nhỏ giọt chính thống của Việt Nam, nếm thử các món ăn nhẹ địa phương của Việt Nam và trải nghiệm cà phê nhỏ giọt truyền thống mà không cần rời khỏi Thượng Hải”.
Kết thúc bữa ăn, chúng tôi ra về và hẹn nhau sẽ lại tới đây vào một ngày gần nhất để thưởng thức những món đặc sản còn lại.