Khái niệm chữa lành trở nên thông dụng từ đầu năm 2021. Đó là khi thế giới trải qua những mất mát vì dịch Covid-19 để lại, Liên Hiệp Quốc đã gọi năm 2021 là "năm để chữa lành" (Year of Healing).
Chữa lành có thể được hiểu là xoa dịu, chuyển hóa cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, bất an, tổn thương về trạng thái an yên, thoả mãn với hiện tại để có thêm động lực, niềm tin vào bản thân. Chữa lành có thể được hiểu đơn giản hơn là hướng con người đến những điều lạc quan, tích cực.
"Chữa lành" nhưng chữa mãi vẫn không lành....
Trong năm 2023, chữa lành không chỉ là khái niệm nằm trong các cuốn sách self-help, hạt giống tâm hồn, mà đã có một "thị trường" rộng lớn hơn. Mọi người tìm đến chữa lành thông qua các khóa học thiền định, trở về với thiên nhiên, âm nhạc, phim ảnh, podcast, tour du lịch, workshop…
Tuy nhiên, sau một thời gian được nhắc đến quá nhiều, hai từ "chữa lành" bắt đầu có dấu hiệu bị hiểu sai, dùng sai và lạm dụng. Trên mạng xã hội, các clip châm biếm với tiêu đề "chữa rách những vết thương đã lành" hay "chữa lành thành què" xuất hiện ngày càng nhiều.
Tại Trung Quốc, giới trẻ sẵn sàng đốt tiền cho các dịch vụ chữa lành để rồi hối hận vì tiền mất tật mang.
Tháng 9/2023, câu chuyện về một người phụ nữ đã tiêu hết toàn bộ tiền tiết kiệm của mình vào một hội thảo tâm linh đã khiến dư luận dậy sóng.
Một người phụ nữ đang thất nghiệp và chỉ còn 4.000 nhân dân tệ (hơn 13 triệu đồng) tiền tiết kiệm đã tham gia hội thảo trực tuyến của Xuebamao - một người nổi tiếng trong ngành thực hành tâm linh. Trong các buổi gặp gỡ, cô được khuyến khích tiêu tiền hoang phí vào những thứ như đồng hồ xa xỉ và chi phí khách sạn, tuân theo nguyên tắc "chi càng nhiều, bạn sẽ càng kiếm được nhiều".
Nhiều tuần sau, cô thấy mình ngập trong nợ nần chồng chất, một hoàn cảnh mà nhiều người đi trước trong việc theo đuổi thực hành tâm linh đã mắc phải.
Vụ việc đã gây ra làn sóng chỉ trích rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc đối với cả Xuebamao và cả những người tham gia vào hoạt động.
Nhà tâm lý học với 18 năm kinh nghiệm - Zhou Xiaopeng cho rằng khó có thể định nghĩa được hết tất cả những hoạt động trong việc thực hành tâm linh, vì nó quá hỗn tạp. Nhưng điều có thể nhìn thấy rõ là hầu hết đều không hề rẻ.
Những chiếc bùa hoặc vòng tay, thường có giá khoảng 500 nhân dân tệ (hơn 1,7 triệu đồng) trở lên. Các buổi chữa lành đặc biệt có giá trung bình trên 3.000 nhân dân tệ (hơn 10 triệu đồng). Những sản phẩm, dịch vụ này thường được quảng cáo là có nhiều lợi ích khác nhau, từ việc đoàn tụ vợ chồng đến mang lại tài lộc và xua đuổi bệnh tật.
Do yêu cầu tham gia vào ngành này chưa cao, thiếu sự quản lý tiêu chuẩn, cộng thêm các báo cáo về việc các hoạt động tâm linh khiến nhiều người chìm trong nợ nần đã thu hút nhiều phản ứng trái chiều từ công chúng và Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc cũng phải vào cuộc. Chính quyền đang áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với những nội dung như vậy, bao gồm cả những thứ thường được dán nhãn là mê tín như việc đọc tarot và sử dụng tinh thể.
Tại Việt Nam, chữa lành đang ngày càng bị thực dụng hóa để kiếm chác lợi ích vật chất. Nhiều người sau khi tham gia hội thảo, các cuộc khảo sát lấy ý kiến, xem các video chữa lành đã bị cài cắm mua hàng, mua thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… rồi rước họa vào thân. Ngoài ra, còn có những khóa chữa lành tự kỷ, học viên không phải đóng tiền mà sẽ mua các dụng cụ vẽ và âm nhạc của giảng viên với số tiền còn nhiều hơn cả học phí. Những lớp học như thế được phát trực tiếp trong nhóm kín với gần 600 thành viên tham gia suốt từ Bắc vào Nam.
Như trường hợp nữ sinh một trường đại học ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM có hai năm liên tục thuộc top sinh viên giỏi nhất khoa. Năm học thứ 3, cô trượt học bổng nên tự cảm thấy "cuộc đời lao dốc" và quyết định đi… chữa lành.
Cô gái này đã theo học 4 khóa chữa lành, cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Tốn khoảng 35 triệu đồng. Và cái kết khiến cô cũng bất ngờ. Đi chữa lành nhưng "chữa" hoài vẫn không "lành". Trớ trêu hơn, học kỳ gần nhất, không những trượt học bổng, nữ sinh này còn… rớt 2 môn.
Giới trẻ quá yếu ớt...
Ngày nay chúng ta thường tôn vinh sự thành công của những tỷ phú nổi tiếng như Bill Gates, Warren Buffett, Jack Ma hay ở Việt Nam, những tỷ phú, triệu phú như ông Phạm Nhật Vượng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ dưới góc độ của cải và thành tích đạt được. Những thước đo này không sai, nhưng vấn đề là chúng ta đã bỏ qua những hy sinh cần thiết để đạt được điều đó.
Nhắc đến Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ, ai cũng biết vị doanh nhân này là người sáng lập thương hiệu cà phê nổi tiếng Trung Nguyên. Ông được xem là một tượng đài doanh nhân trong lòng nhiều người Việt với triết lý kinh doanh mới mẻ, gai góc, là nguồn cảm hứng vô tận đối với các start up non trẻ thông qua những phát ngôn để đời về cả cuộc sống xen lẫn những bài học kinh doanh.
Khi tạp chí Forbes tôn vinh ông chủ của cà phê Trung Nguyên là "Vua cà phê Việt" thì Đặng Lê Nguyên Vũ lại "trốn" lên trang trại của mình ở Đắk Lắk.
Ông từng nói ghét cái từ "ở ẩn" mà mọi người gán ghép cho mình. Bởi: "Dân thành phố và thế hệ thanh niên hiện quá yếu ớt. Mới áp lực một chút đã phải giảm stress, phải tìm kiếm sự cân bằng. Thế là không được. Muốn phát triển, phải tự gây sức ép cho mình…".
Khi chia sẻ lời khuyên với các bạn trẻ muốn khởi nghiệp, ông Vũ nói 6 tháng của mình phải làm hơn người ta làm 20 năm. Nếu không có tiền thì phải có trí.
"Mình không có tiền thì phải có trí. Không có trí thì phải đổ mồ hôi, sức lao động. Những thứ đó nó là điểm tựa cho mình. Nếu nói khởi nghiệp thì hiện nay các bạn gần như nó không phải là con số 0 nữa. Giờ nó có điều kiện đủ thứ nào là môi trường. Ngày xưa Qua là còn số âm chứ không phải số 0", Chủ tịch Trung Nguyên nói.
Hay tỷ phú Jack Ma chia sẻ ông đã từng bị nhiều trường đại học và công ty từ chối, nhưng ông không bao giờ nản. "Nếu bạn thất bại, hãy làm lại. Nếu tiếp tục thất bại, hãy làm lại lần nữa. Và nếu vẫn tiếp tục thất bại, hãy đứng dậy và tiếp tục làm lại", tỷ phú Jack Ma nhấn mạnh.
Có thể thấy, thay vì vùi mình trong các khóa học chữa lành, người thành công lại tự tìm lối thoát trong bế tắc, và coi khó khăn là thử thách để ngày càng lớn mạnh hơn.
Chính Bill Gates cũng tận dụng áp lực, stress và hình thành một thói quen đơn giản từ những năm 1980 giúp ông làm việc tốt hơn trong môi trường kinh doanh bận rộn, áp lực. Giải pháp đối mặt với stress từng được Bill Gates chia sẻ trên trang CNBC.
Vào những năm 1980, Bill Gates bắt đầu đầu triển khai thói quen "think weeks" (tạm dịch: những tuần suy nghĩ), là giai đoạn ông dành thời gian trong một cabin bí mật nằm ở đâu đó trong một khu rừng tuyết tùng ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Khoảng thời gian này được Bill Gates dành để đọc các báo cáo từ những nhân viên của Microsoft đưa ra những cải tiến mới hoặc các khoản đầu tư tiềm năng.
Kết quả của "tuần suy nghĩ" là việc ra đời những ý tưởng lớn như ra mắt Internet Explorer vào năm 1995. Mặc dù ban đầu là một hoạt động cá nhân, Gates sau đó đã chia sẻ khái niệm này đến nhiều người bạn có tầm ảnh hưởng mà ông quen biết.
Phải khẳng định rằng chữa lành không sai, nhưng nếu không chữa đúng cách thì chẳng khác nào đang tự hại chính mình. Nếu hiểu được điều này, ngay cả khi bạn đóng cửa để "think weeks" như Bill Gates thì vẫn nhận về được nhiều giá trị tốt đẹp hơn là mất tiền vô ích.
Tạp chí Inc đã chỉ ra 2 lý do mà bạn nên học theo các tỷ phú:
1. Sự đổi mới thể hiện qua sự cô độc
Những cá nhân như Warren Buffet được biết đến dành tới 80% thời gian để đọc và suy nghĩ. Dành thời gian trong đơn độc, không có phiền nhiễu cho phép bạn có một cái nhìn toàn cảnh hơn cùng đồng thời có thêm nhiều tự nhận thức về cuộc sống của chính mình.
Trong kinh doanh, điều này rất quan trọng vì doanh nghiệp thường chỉ là sự phản ánh cuộc sống của bạn. Tương tự với người trẻ, những mối quan hệ, sự nghiệp cũng chỉ là sự phản ánh đời sống nội tâm của chính họ.
Nếu một tuần là quá nhiều đối với bạn ngay bây giờ, hãy bắt đầu với việc lên lịch 30 phút thời gian suy nghĩ tập trung hàng ngày.
2. Những quãng nghỉ chậm lại làm cho bạn mạnh mẽ hơn
Một cơ thể mệt mỏi sẽ tạo ra được rất ít kết quả dù bạn có nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Họ quên mất thành phần quan trọng khác để thành công trong thể thao: Phục hồi và nghỉ ngơi.
Thời đại hiện nay việc vắt kiệt sức lực bằng mọi giá được tôn vinh trong khi đó việc nghỉ giải lao lại là một điều xấu hổ. Nhưng thực tế nếu không có áp lực bạn không thể tiến lên nhưng khi quá căng thẳng, không để chính bản thân phục hồi về thể chất và tinh thần thì bạn cũng sẽ có rất ít tiến bộ.
Một điều bạn có thể làm là lên lịch cho thời gian vài ngày nghỉ ngơi hoàn toàn vào cuối mỗi quý. Hãy thử học Bill Gates, trở về với môi trường thiên nhiên, tận hưởng những sở thích như suy ngẫm về tương lai.
Bây giờ, khi quay lại quy trình làm việc điển hình của mình, bạn được làm mới và có những hiểu biết mới được thu thập từ tương lai mà bây giờ có thể được thực hiện.