Một hóa thạch dạng sống tồn tại 558 triệu năm trước đã được xác định là loài động vật lâu đời nhất thế giới từng được biết đến.
Theo nghiên cứu mới, loài động vật này đã tồn tại ít nhất 20 triệu năm trước sự kiện gọi là “Bùng nổ kỷ Cambri” của thế giới động vật. Sự kiện Cambri diễn ra khoảng 540 triệu năm trước, chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt động vật có vẻ ngoài hiện đại như ốc, động vật hai mảnh vỏ và chân đốt.
Hóa thạch của loài Dickinsonia là phần còn lại của một dạng sống hình oval và là một phần của nhóm sinh vật bí ẩn gọi là Ediacaran.
Những sinh vật này là những sinh vật phức tạp sớm nhất xuất hiện trên Trái Đất, nhưng vị trí của chúng trong cây tiến hóa vẫn khiến nhiều nhà khoa học đau đầu.
Các nhà khoa học có thể xác định được Dickinsonia là một loài động vật nhờ phần còn lại của chất hữu cơ trên hóa thạch, được xác định là cholesterol cổ đại.
Hóa thạch được phát hiện trên hai bề mặt vách đá tại vùng hoang dã xa xôi miền Tây Bắc nước Nga.