Gia đình hoàng tộc nổi tiếng nhất thế giới có lẽ là Hoàng gia Anh, với khối tài sản đồ sộ được ước tính lên tới 88 tỷ USD và những "drama" dường như không có hồi kết trong nội bộ.
Tuy nhiên, có một gia tộc khác với số lượng thành viên có thể nói là "choáng ngợp" là 15.000 người, đó chính là Hoàng gia Ả rập Xê út – Al Saud.
CNBC từng tiết lộ, các thành viên của nhà Al Saud có một cuộc sống khiến bất kỳ ai cũng phải ghen tị khi thường xuyên di chuyển bằng trực thăng riêng, sống trong những căn biệt thự nguy nga với nội thất bằng vàng.
Trong vài thập niên trước đây, dầu mỏ là loại hàng hóa được giao dịch rất nhiều với mức giá tăng mạnh.
Gia tộc Al Saud chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực khai thác các mỏ dầu khổng lồ, dưới thời trị vì của quốc vương Abdulaziz bin Abdul Rahman Al Saud.
Điều này đã giúp họ thu về hàng tỷ USD, một phần để chi trả cho cuộc sống xa xỉ của các thành viên danh giá.
Ngoài ra, vua Salman còn thành lập một doanh nghiệp để đầu tư ra nước ngoài và thực hiện những thương vụ thâu tóm trị giá hàng tỷ USD là "Al Saud Group". Họ còn sở hữu công ty dầu khí quốc doanh Saudi Aramco. Công ty này năm ngoái đã gây ấn tượng mạnh cho cả thế giới với mức vốn hóa "trên trời" là 1.000 tỷ USD, vượt qua cả những những gã khổng lồ của Mỹ với mức lợi nhuận cao nhất thế giới.
Một trong những thành viên có tầm ảnh hưởng nhất trong hoàng gia là Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud.
Hiện tại, khi đã gần 90 tuổi, ông chuyển giao phần lớn quyền lực cho con trai, đồng thời là người kế vị ngai vàng – Thái tử Mohammed Bin Salman.
Cho đến nay, giá trị thực sự của khối tài sản thuộc sở hữu của Thái tử vẫn là điều bí ẩn. Trong một cuộc phỏng vấn với CBS News, ông cho biết tình hình tài chính là vấn đề riêng tư và không hề có lỗi vì đã sống một cuộc sống xa hoa.
Ngoài ra, ông cũng chia sẻ phần lớn tài sản đã được sử dụng để làm từ thiện, đã dành ít nhất 51% cho người dân và 49% còn lại là cho bản thân mình.
Trong khi đó, những thành viên khác trong gia tộc cũng giàu có không kém. Năm 2016, một công chúa đã chi 30 triệu USD để mua một khu đất tại Rue Octave-Feuillet (Pháp).
Hơn nữa, 15.000 công chúa, hoàng tử của dòng họ này còn được hưởng những đặc quyền mà không phải ai cũng muốn.
Năm 1996, một nhân viên ngoại giao Mỹ tại Riyadh tới Bộ Tài chính và Ngân sách để làm việc, đã choáng váng khi nhìn thấy những cọc tiền đang chất đống chờ thành viên hoàng gia tới lấy.
Người này cho biết số tiền cấp cho thành viên hoàng gia có chênh lệch khá lớn, từ 270.000USD/tháng cho tới 8.000USD. Số tiền lớn nhất sẽ được dành cho con trai người lập quốc và ít nhất là cho chắt của vị vua.
Giàu có và sở hữu thế lực mạnh, hoàng gia Ả rập Saudi cũng không tránh khỏi những mâu thuẫn nội bộ.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Reuters đưa tin vụ tấn công nhà máy dầu mà Iran bị cáo buộc là thủ phạm đã làm dấy lên những lo ngại trong nội bộ của gia tộc này về khả năng lãnh đạo, bảo vệ đất nước của Thái tử Mohammed bin Salman.
Sau đó, một số người trong giới tinh hoa của Ả Rập chia sẻ họ đã mất niềm tin đối với người kế vị.
Tuy nhiên, thực tế là, vụ việc trên chỉ là yếu tố "đổ thêm dầu vào lửa" đối với những bất đồng vốn có trong hoàng gia về vai trò lãnh đạo của Thái tử.
Nhiều người cho rằng, chặng đường lên ngôi của ông được "dẫn lối" bằng những cuộc thanh trừng, với mục đích loại bỏ nạn tham nhũng, khiến nhiều thành viên kỳ cựu trong chính quyền bị thay thế bởi những nhân vật trẻ tuổi, ít kinh nghiệm hơn.
Với mục đích chấm dứt nạn tham nhũng, cách đây 3 năm, Thái tử Mohammed đã yêu cầu những người giàu nhất Ả rập Xê út – gồm cả nhiều thành viên trong hoàng tộc, giao nộp tài sản cho chính phủ.
Sau chiến dịch này, Forbes đã gạch tên 10 tỷ phú ở nước này khỏi danh sách những người giàu nhất thế giới được công bố hàng năm. Sau đó, Ả rập Xê út được cho là thu về hơn 100 tỷ USD nhờ chiến dịch trên.
Trong số những người bị loại bỏ khỏi ghế lãnh đạo có cựu Thái tử Mohammed bin Nayef, đã có 20 năm kinh nghiệm công tác ở nội các.
Vị trí của ông được thay thế bởi người em họ 33 tuổi của bin Salman. Do đó, một số thành viên hoàng tộc cho rằng nỗ lực củng cố quyền lực của Thái tử đã gây tổn hại đến vương quốc.
Dù những bất đồng vẫn còn tồn tại trong nội bộ hoàng gia, nhưng một số nguồn tin cho rằng vị trí của Thái tử sẽ khó có thể bị lung lay, ít nhất là trong thời gian Quốc vương vẫn còn trị vì.
Ngoài ra, ông bin Salman còn nhận được sự ủng hộ khá nhiệt tình từ người dân Ả rập Xê út, đặc biệt là thế hệ trẻ nhờ tư tưởng tiến bộ và mục tiêu đưa đất nước trở nên hiện đại hơn.
Hiện tại, mối đe dọa lớn nhất với quyền lực của vị thái tử có lẽ chỉ là người anh em còn sống duy nhất của Quốc vương là Hoàng thân Ahmed bin Abdulaziz – người nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của hoàng tộc, cơ quan an ninh và những nước phương Tây.
Dẫu vậy, ông Ahmed đã sống khá kín tiếng trong vài năm vừa qua. Do đó, vẫn chưa nguồn tin nào có thể xác nhận rằng ông thực sự có tham vọng với vị trí đứng đầu hoàng tộc hay không.
Trong khi những "rich kid" cùng tuổi thường theo học tại những ngôi trường danh tiếng ở nước ngoài, bin Salman lựa chọn ở lại Riyadh và học ngành luật tại ĐH King Saud.
Trái với cuộc sống xa hoa, được biết, vị thái tử là một người đàn ông trẻ tuổi nghiêm túc, không sử dụng đồ uống có cồn và không thích tiệc tùng.
Sau khi tốt nghiệp, ông đã dành nhiều năm làm việc trong lĩnh vực kinh doanh trước khi làm cố vấn đặc biệt cho cha mình – khi đó chưa lên ngôi Quốc vương.
Cuối tháng 1/2015, Hoàng thân Salman bin Abdulaziz Al Saud nhậm chức sau khi anh trai ông là Abdullah băng hà. Cùng ngày, Hoàng tử bin Salman cũng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng và phong tước Phó Thái tử.
Quyền lực của bin Salman được thúc đẩy mạnh mẽ sau khi được giao quản lý tập đoàn Saudi Aramco.
Ngoài ra, ông còn đứng đầu Hội đồng Kinh tế và Phát triển, giám sát các bộ ngành khách và quản lý ngân sách đầu tư công của cả nước. Tháng 6/2017, ông chính thức được Quốc vương phong làm Thái tử khi chỉ mới 31 tuổi.
Bin Salman đã gây được ấn tượng mạnh mẽ kể từ khi làm cố vấn cho cha, với thái độ cương quyết trong chính sách đối ngoại.
Chưa dừng ở đó, yếu tố giúp nhà lãnh đạo trẻ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía người dân, đặc biệt là lớp trẻ, là kế hoạch cải cách kinh tế, xã hội khác biệt, tiến bộ và táo bạo.
Theo kế hoạch "Tầm nhìn kinh tế 2030" của Thái tử, nền kinh tế Ả rập Xê út sẽ bước trên một con đường mới, giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ để trở thành trung tâm đầu tư toàn cầu thông qua đa dạng hóa nguồn thu ngân sách, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tăng thuế, tăng đầu tư công và giảm trợ cấp.
Kế hoạch này bước đầu đã được thể hiện thông qua thương vụ niêm yết tập đoàn dầu khí nghìn tỷ USD – Saudi Aramco, hồi năm ngoái.
Vị Thái tử trẻ tuổi mang tư tưởng hiện đại, cách tân, do đó ông tập trung nhiều vào việc thay đổi lối sống và những quan điểm lạc hậu đã tồn tại hàng trăm năm, khi triển khai kế hoạch cải cách xã hội.
Ông ủng hộ việc trao quyền nhiều hơn phụ nữ, tạo điều kiện cho họ có được học vấn cao hơn, sẵn sàng cho phụ nữ tự lái xe mà không cần đàn ông đi cùng.
Ngoài ra, luật mới được ban hành tháng 8/2019 cũng cho phép phụ nữ nước này quyền đăng ký hộ chiếu, hay đứng tên một số giấy tờ liên quan đến gia đình.
Nhờ quyết định của Thái tử, nhiều phụ nữ nước này đã chia sẻ niềm vui trên mạng xã hội, họ cảm thấy nhẹ nhõm khi có thể đi du lịch nước ngoài, hay thậm chí là bước ra khỏi nhà mà không cần xin phép đàn ông trong gia đình.