Cô gái suýt bị điếc vì dùng tăm bông ngoáy tai, bác sĩ cảnh báo điều quan trọng

Đinh Kim |

Cô gái bị viêm tai nặng, không chỉ phải chịu đựng những cơn đau, dịch mủ thường xuyên chảy ra mà khả năng nghe cũng giảm thấy rõ.

Vệ sinh tai là thói quen hàng ngày của không ít người, đa số đều sử dụng tăm bông để làm sạch tai. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo việc làm này sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Mới đây, cô gái người Malaysia tên Yen Nee đã chia sẻ trải nghiệm kinh hoàng của bản thân với những chiếc tăm bông lên trang Facebook cá nhân. Theo đó, khoảng 1 tháng trước, Yen bắt đầu cảm thấy ngứa và đau bên tai phải. Tình trạng viêm trở nên trầm trọng hơn khi các cơn đau lan đến đầu, mặt và cổ họng.

"Khả năng nghe của tôi giảm đi rất nhiều, tôi thường thấy dịch mủ chảy ra từ tai", trang Waupost.com dẫn lời kể của Yen vào hôm 12/4.

Cô gái suýt bị điếc vì dùng tăm bông ngoáy tai, bác sĩ cảnh báo điều quan trọng - Ảnh 1.

Cô gái phải trải qua ca phẫu thuật kéo dài gần 2 tiếng để lấy dị vật trong tai. Ảnh: Facebook Yen Nee


Khi cơn đau ngày càng nghiêm trọng hơn, Yen đã đến một bệnh viện ở Penang để thăm khám. Tại đây, bác sĩ Ruth Ng đã phát hiện có một vật cứng trong ống tai của Yen dẫn đến viêm tai nặng và khuyên cô nên phẫu thuật để lấy dị vật. Ca phẫu thuật dự kiến được thực hiện trong 15 phút nhưng cuối cùng kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ.

Yen cho biết nguyên nhân khiến cô gặp phải tình trạng nói trên là do thường xuyên sử dụng tăm bông để làm sạch ráy tai. Theo chia sẻ của bác sĩ, việc này khiến các mảnh ráy tai bị đẩy vào sâu trong ống tai và tích tụ lại rồi gây viêm nhiễm. Nếu không được điều trị kịp thời thì màng nhĩ của Yen có thể bị vỡ dẫn đến điếc.

Nhân trường hợp của Yen, bác sĩ Ruth khuyên mọi người cách tốt nhất để chăm sóc tai là cứ để nguyên như vậy, đừng cố tìm cách làm sạch bên trong tai, đặc biệt là nên hạn chế sử dụng tăm bông.

Lý do là vì tai thường có thể tự làm sạch, ráy tai sẽ tự động ra khỏi ống tai trong các hoạt động hàng ngày như tắm, nhai hay tập thể dục. Tuy nhiên, thỉnh thoảng bạn vẫn nên vệ sinh sạch sẽ phần tai bên ngoài.

Theo trang WebMD, nếu cảm thấy tai bị tắc nghẽn thì bạn nên tới gặp bác sĩ vì có khả năng nguyên nhân không phải do ráy tai. Trong trường hợp vấn đề không nghiêm trọng, bạn có thể tự làm sạch tai bằng bộ dụng cụ hoặc các chất làm mềm chất bẩn trong tai được bán tại các hiệu thuốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại