Đinh Thị Lý (sinh năm 1991, quê Hải Dương) điều khiển chiếc xe lăn điện 4 bánh di chuyển vào khu vực giảng đường của Đại học La Trobe (Melbourne, Úc). Là học viên thấp nhất lớp, với chiều cao 93cm, Lý vẫn luôn nổi bật nhờ sự thông minh và tinh thần ham học hỏi trong mỗi tiết học.
“Chân tôi ngắn, tong teo, đi lại yếu, chỉ đi được khoảng 100m và không đi được bậc thang. Thế nhưng, tôi muốn thay đổi suy nghĩ của những người xung quanh, rằng nếu được tạo những điều kiện thuận lợi và công bằng trong xã hội, tôi vẫn có thể gặt hái được nhiều thành công”, Lý khẳng định.
Lý học tập tại Đại học La Trobe, Úc. (Ảnh: NVCC)
Lý sinh ra với cân nặng và ngoại hình bình thường nhưng thường xuyên đau ốm. Lên 3 tuổi cô mới biết đi và 8 tuổi đôi chân không dài ra nữa. Lý được bác sĩ chẩn đoán thiếu hoóc môn phát triển chiều cao và không thể chữa trị.
Là em út trong gia đình nhà nông có 4 chị em gái, Lý xác định nếu không thể đỡ đần bố mẹ việc nhà, việc đồng áng thì phải học tập thật chăm chỉ. Suốt từ mẫu giáo đến hết cấp 3, gia đình Lý luân phiên đưa đón con gái đi học.
Lo sợ con sẽ khó hòa nhập cộng đồng nên dù nhà trong hẻm nhỏ, bố mẹ Lý vẫn mở cửa hàng tạp hóa bán đồ khô, thịt, cá,… để Lý có cơ hội tiếp xúc với nhiều người. Nhờ vậy, Lý dần tự tin hơn, không còn rụt rè, nhút nhát.
Sau khi Lý hoàn thành chương trình học phổ thông với thành tích học tập xuất sắc, nhiều người khuyên bố mẹ cô không nên cho cô học lên cao, vì dù sao cũng không xin được việc. Thế nhưng, bố mẹ Lý vẫn ủng hộ mọi quyết định của con.
Lên đại học, Lý theo học ngành Công nghệ Thông tin (Đại Học Khoa học Tự nhiên TP.HCM). Bà Quyết - mẹ của Lý phải chuyển vào TP.HCM để đưa đón, chăm sóc con gái. Ở quê, bố Lý làm nhiều công việc để gửi tiền nuôi con đi học. Các chị gái của Lý cũng cố gắng đỡ đần để tạo mọi điều kiện giúp em gái hạt tiêu đạt được ước mơ.
“Vì ngoại hình quá nhỏ bé nên việc học tập của tôi gặp khó khăn. Dù vậy, tôi luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng hòa nhập, không ngừng phấn đấu để mai sau có thể tự lo cho bản thân mình và báo hiếu bố mẹ”, 9x chia sẻ.
Ở tất cả các kỳ học trên đại học, Lý đều giành được học bổng như học bổng khoa Công nghệ Thông tin, học bổng Lawence S.Ting, học bổng Sumitomo, học bổng Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam. Nữ sinh cũng được nhận bằng cử nhân trước thời hạn – trong 3,5 năm.
Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2011, Lý tự sáng lập một thương hiệu Nữ Hoàng SEO trong ngành SEO online (tối ưu hóa tìm kiếm của người dùng). Công việc này không chỉ giúp cô có nguồn thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm cho nhiều người khác.
Để truyền cảm hứng cho người khuyết tật, 9x còn tham gia chương trình giảng dạy online về SEO cho hơn 100 người khuyết tật và chọn người phù hợp để cùng tham gia dự án. Ở tuổi 31, khi đã có sự nghiệp ổn định với mức lương hơn 100 triệu đồng/ tháng, Lý quyết định tạm gác công việc sang một bên để săn học bổng du học.
“Tôi đang có một sự nghiệp ổn định, thế nhưng tôi biết mình còn có thể làm được tốt hơn nữa nếu có đủ những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Vậy nên, tôi quyết định đi du học", Đinh Thị Lý cho biết.
Lý chụp ảnh cùng các sinh viên và đại diện trường Đại học La Trobe. (Ảnh: NVCC)
Khó khăn lớn nhất của Lý khi chinh phục học bổng chính là trình độ ngoại ngữ. Cô phải luyện tiếng Anh suốt một năm tại Đại học RMIT để bổ sung về ngôn ngữ. Tiếp đó, cô trau chuốt cho bộ hồ sơ của bản thân, trong đó chú trọng nhất vào bài luận.
Học bổng Chính phủ Úc (Australia Awards Scholarships) đề cao tinh thần leadership (lãnh đạo), tác động và ảnh hưởng của bạn đối với địa phương, quốc gia và cộng đồng nơi bạn sinh sống, làm việc. Vì vậy, Lý cố gắng thể hiện những điểm mạnh và điểm khác biệt của bản thân.
Trong bài luận, Lý mạnh dạn đưa ra quan điểm: Thay vì đi xin việc từ những người khác thì mình có thể tự tạo công việc cho mình và những người khác nữa. Đặc biệt, việc khởi nghiệp với dự án công nghệ và những đóng góp cho cộng đồng giúp Lý ghi điểm trước hội đồng giám khảo.
Sau khi giành được học bổng du học Úc, Lý gác lại 98% công việc hiện tại để tập trung vào việc học, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm từ nền giáo dục hiện đại của Úc. Thêm vào đó, cô tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chia sẻ câu chuyện của bản thân với mong muốn truyền động lực cho những người cùng cảnh ngộ.
“Trước đây, tôi rất ngại chia sẻ câu chuyện của bản thân, rồi tôi nhận ra rằng, một trong những lý do giúp tôi thành công như ngày hôm nay là nhờ noi theo gương sáng từ người khuyết tật tại Việt Nam và trên thế giới. Tôi tự tin và quyết tâm hơn rất nhiều sau khi nghe xong câu chuyện của họ. Và giống như trò domino, tôi mong muốn có thể lan toả câu chuyện của mình đến nhiều người khuyết tật hơn nữa”, Lý chia sẻ.
Du học thạc sĩ ngành Quản lý của trường đại học La Trobe, bên cạnh các quyền lợi giống như các học viên khác, Lý còn được tài trợ thêm một người thân cùng đồng hành chăm sóc, hỗ trợ ứng cô trong suốt quá trình học tập. Chương trình học bổng cũng sẽ mời chuyên gia đánh giá và cung cấp phương tiện đi lại phù hợp dành riêng cho Lý nhằm thúc đẩy quá trình sống độc lập và vươn lên trong cuộc sống.