Trong vòng 4 tháng của năm 2022, người phụ nữ họ Viên, 38 tuổi, đến từ Thượng Hải, Trung Quốc, đã chi cho bạn trai quen qua mạng 4 triệu nhân dân tệ (hơn 13 tỷ đồng) để anh ta đầu tư bitcoin. Để có số tiền lớn này, cô đã phải thế chấp căn hộ mình đang ở và vay ngân hàng.
Cảnh sát Thượng Hải phát hiện có dấu hiệu lừa đảo sau khi thấy tài khoản ngân hàng của cô Viên hoạt động bất thường. Họ cố gắng thuyết phục cô ngừng chuyển tiền, nhưng với niềm tin sau này bạn trai sẽ trả lại cho mình cả gia tài, Viên vẫn bất chấp, tiếp tục đầu tư cho anh ta.
Khi cảnh sát đến gặp, cô liên tục phủ nhận và nói dối về việc chuyển khoản ngân hàng. Có lần, cô phủ nhận mình đã chuyển 640 nghìn nhân dân tệ (2,1 tỷ đồng) mặc dù ngân hàng đã báo cáo giao dịch này với cảnh sát. Trong một lần khác, cô nói dối về lý do chuyển tiền, rằng cô mua túi xách từ thương hiệu cao cấp do được giảm giá.
Cảnh sát nhiều lần cố gắng thuyết phục cô Viên rằng bạn trai đang lừa cô, nhưng không thành. (Ảnh: Douyin)
Ngày 9/1, trong cuộc trò chuyện thứ chín với cảnh sát, cô Viên nói họ đã ép cô quá mức: “Áp lực mà các người tạo cho tôi còn lớn hơn áp lực bị lừa đảo" .
Cảnh sát cố gắng thuyết phục: "Hầu hết những người từng bị lừa đảo thế này sau cùng sẽ phải khóc lóc cầu cứu chúng tôi để tìm lại số tiền đã mất". Nhưng cô Viên đáp lại một cách kiên quyết: “Tôi sẽ không làm vậy”.
Chỉ sau khi một phụ nữ khác cũng bị ban trai cô lừa tiền nhắn riêng cho cô và cảnh báo về vụ lừa đảo, Viên mới bắt đầu nghi ngờ có điều gì đó không ổn.
Giáo viên 38 tuổi cuối cùng đã báo cảnh sát sau khi một nạn nhân lừa đảo khác cảnh báo. (Ảnh: Douyin)
Ngày 9/3/2023, cô Viên tự gọi cho cảnh sát để gặp mặt. Nhưng đến cuộc gặp thứ 12 với họ, dường như cô vẫn chưa tỉnh ngộ, khóc lóc không tin mình bị lừa và khẳng định bạn trai sẽ cưới cô.
Viên cho biết, cô đã gặp người đàn ông này trên mạng. Những bức ảnh và video đăng tải trên mạng xã hội miêu tả anh ta là người đẹp trai, giàu có và tốt bụng, yêu động vật.
Cảnh sát cho rằng, đây là loại "tội phạm lãng mạn kinh điển", luôn làm giả mạo hồ sơ trên mạng xã hội nhằm lừa nạn nhân.
Một quan chức quận Giang Phố thuộc đội cảnh sát chống lừa đảo cho biết: “Cô Viên đã đầu tư rất nhiều tiền và cảm xúc vào người đó đến mức cô ấy thà tin rằng cảnh sát mới là những kẻ lừa đảo”.
Những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường chống các vụ lừa đảo trực tuyến. Các biện pháp được thực hiện bao gồm quảng bá một ứng dụng chống lừa đảo, có thể phát hiện và chặn các cuộc gọi, tin nhắn đáng nghi. Nước này cũng thông qua Luật Chống lừa đảo trực tuyến và viễn thông mới vào năm ngoái.