Cô gái 28 tuổi muốn tái định hình chính trị Afghanistan

Hoàng Cường |

Khi Shahba Shahrukhi nói với cha mẹ rằng cô có ý định ra tranh cử trong cuộc bầu cử Quốc hội Afghanistan vào ngày 20-10 - cuộc bầu cử đầu tiên tại nước này trong 8 năm - họ đã cười. “Không, con không đùa”, cô nói với họ, giọng chắc nịch, “Con phải ra tranh cử”.

Cần luồng sinh khí mới

Khi cha mẹ nhận thấy con gái có thái độ nghiêm túc, họ nhanh chóng ngừng cười và cấm cô làm như vậy. Nhưng, lần đầu tiên trong đời, nhà tâm lý học 28 tuổi từ chối nghe theo lời cha mẹ. “Tôi biết tôi phải làm điều này để cho những người phụ nữ khác biết rằng bạn có thể là một nhà lãnh đạo và bạn có thể chiến đấu. Đất nước này cần luồng sinh khí mới”, Shahrukhi, người đang chạy đua tranh cử ở quê nhà Samangan, một tỉnh phía Bắc Afghanistan, chia sẻ.

Là người phụ nữ đầu tiên trong gia đình đã tốt nghiệp đại học, Shahrukhi cam kết thúc đẩy giáo dục ở phụ nữ, điều mà cô gọi là “vết thương lớn nhất của Afghanistan”.

Theo Ủy ban Bầu cử độc lập, Shahrukhi nằm trong số 16% ứng cử viên đại biểu Quốc hội là phụ nữ. Ở một đất nước vẫn còn mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, cuộc bầu cử được xem là một cuộc trưng cầu dân ý về việc phụ nữ Afghanistan được coi trọng như thế nào trong xã hội.

Cuộc bầu cử Quốc hội bị trì hoãn trong thời gian dài của Afghanistan diễn ra trong bối cảnh nhóm phiến quân Taliban duy trì kiểm soát hơn 40% diện tích lãnh thổ nước này và số dân thường thiệt mạng đã lên tới 8.050 người trong 9 tháng đầu năm nay.

Cuộc bầu cử lần này sẽ là thước đo đối với sự tiến bộ của phụ nữ trong xã hội. Hồi năm 2013, Quốc hội Afghanistan đã thông qua một đạo luật giảm tỷ lệ ghế hội đồng tỉnh dành cho phụ nữ từ 25% xuống 20%. “Đôi khi có vẻ như Chính phủ không nghĩ rằng Taliban là kẻ thù chính của nhân dân. Thay vào đó, phụ nữ vẫn được coi là kẻ thù số một”, Lima Ahmad, một nhà nghiên cứu tại trường Cao đẳng Quốc phòng NATO, nhận định.

Gần 17 năm sau cuộc can thiệp quân sự do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan nhằm lật đổ Taliban và “giải phóng” phụ nữ Afghanistan, vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo sự công bằng của phụ nữ Afghanistan trong xã hội.

Thúc đẩy sự thay đổi

Đối với Shahrukhi và các nữ ứng viên khác, cải cách giáo dục là ưu tiên ở một đất nước ước tính khoảng 2/3 bé gái Afghanistan vẫn không được đi học. Sakena Yacoobi, nhà hoạt động giáo dục nổi tiếng và là Giám đốc điều hành CEO của Học viện Nghiên cứu Afghanistan, bày tỏ lo ngại về sự suy giảm nguồn lực từ cộng đồng quốc tế dành cho Afghanistan, nhất là khi Tổng thống Donald Trump tập trung vào chính sách “Nước Mỹ trên hết”.

Hiện Afghanistan vẫn còn nhiều việc phải làm để giảm tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ vẫn còn cao, gần 87% phụ nữ nước này từng bị lạm dụng. Mặc dù Tổng thống Ashraf Ghani thường xuyên tuyên bố thực hiện chính sách không khoan nhượng đối với hành vi bạo lực phụ nữ, nhưng các nhà hoạt động cho rằng điều đó là chưa đủ.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội Afghanistan lần này, dự kiến có khoảng 9 triệu cử tri, trong đó có 3 triệu cử tri là nữ giới, đi bỏ phiếu để bầu chọn 249 nghị sĩ trong cơ quan lập pháp của quốc gia Nam Á với nhiệm kỳ 5 năm, cũng như bầu chính quyền địa phương các cấp.

Link gốc bài viết tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại