Thành công nhờ 2 "món quà" của bố mẹ
Susan Li, người Mỹ gốc Hoa vừa đảm nhận vị trí Giám đốc tài chính (CFO) mới của Meta. Ở tuổi 36, Susan Li là một trong những người trẻ nhất giữ vai trò này tại một công ty lớn ở Thung lũng Sillicon . Ngay lập tức câu chuyện về Li trở thành nguồn cảm hứng cho những người Trung Quốc thực hiện hóa "giấc mơ Mỹ".
Susan Li sinh ra ở Thành Đô (Trung Quốc) trước khi chuyển đến Mỹ năm 2 tuổi. Bố cô là Giáo sư tại Đại học bang Portland. Li được coi là “thế hệ nhập cư 1,5”, thông thạo 2 ngôn ngữ và tiếp thu văn hóa, truyền thống của cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Đặc điểm này có ảnh hưởng rất quan trọng đến việc học và phát triển sự nghiệp của cô sau này.
Cô gái này trải qua tuổi thơ trong sự lạc lõng khi chưa thể hòa nhập được với bạn bè xung quanh. Tuy vậy, Li có thành tích học tập đáng kinh ngạc khi học trung học năm 11 tuổi và được nhận vào Đại học Stanford năm 15 tuổi. Cô theo đuổi ngành Kinh tế, Toán học và Khoa học máy tính.
Để có được thành công như hôm nay, Susan Li tin rằng đó là nhờ 2 “món quà” của bố mẹ: Một là sự hy sinh của bố mẹ dành cho cô, hai là việc bố mẹ luôn khuyến khích cô làm việc chăm chỉ và tin tưởng vào bản thân. Li có được động lực phấn đấu từ chính gia đình của mình.
Khi cô còn nhỏ, bố Li phải vừa học tiến sĩ vừa đi làm thêm ở các nhà hàng để kiếm tiền nuôi gia đình. Gia đình Li chen chúc với 2 gia đình khác trong một căn hộ 3 phòng ngủ. Tuy vậy, Li vẫn cảm thấy cô có mọi thứ mình cần, đặc biệt là trong việc học.
Li hồi tưởng lại khi còn học trung học, cô được truyền cảm hứng mạnh mẽ bởi Madeleine Albright, nữ ngoại trưởng đầu tiên của Hoa Kỳ. Bà cùng cha mẹ rời CH Séc đến Mỹ khi 11 tuổi, cũng thuộc “thế hệ nhập cư 1,5” giống Li. Cô mơ ước trở thành người phụ nữ thành đạt giống Albright.
Bố Li luôn động viên cô: “Con có thể trở thành một người như vậy, rồi một ngày con sẽ làm được”. Khi Susan Li quyết định học tài chính ở Đại học, bố mẹ cô cũng tôn trọng lựa chọn này dù đây là lĩnh vực họ không quen thuộc.
Trả lời phỏng vấn Forbes, Susan Li cho biết cô không ngừng tin tưởng mình có thể trở thành bất cứ điều gì mình muốn, sẵn sàng đảm nhận những thách thức mới và may mắn có được những người cố vấn giúp cô theo đuổi đúng con đường mình chọn lựa.
Hành trình từ Morgan Stanley đến Meta
Susan Li tốt nghiệp Stanford năm 19 tuổi và ngay lập tức có được một vị trí tại ngân hàng đầu tư, công ty tài chính hàng đầu nước Mỹ Morgan Stanley. Cô làm việc tại nhiều sàn giao dịch của Morgran Stanley ở New York, Thung lũng Silicon và Hồng Kông (Trung Quốc). Khả năng song ngữ của cô đóng vai trò quan trọng trong suốt quá trình đó.
Năm 22 tuổi, Li gia nhập Facebook, lựa chọn thay đổi con đường sự nghiệp của cô. Facebook năm 2008 chỉ là một công ty mới thành lập với vỏn vẹn vài trăm nhân viên. Tuy vậy, từ bỏ ngân hàng nổi tiếng để đến một công ty nhỏ mới thành lập hoàn toàn không phải một quyết định bốc đồng.
Li thừa nhận làm việc tại Morgan Stanley là một điều tuyệt vời cho sinh viên mới tốt nghiệp. Nhưng cô gái này luôn muốn thử thách bản thân và đam mê những điều mới mẻ.
Trong kỳ nghỉ tại Đông Nam Á, Li gặp một nhóm người lạ thú vị và họ đã trò chuyện rất vui vẻ. Khi chia tay nhau, những người này nói với cô giữ liên lạc qua Facebook. Điều này khiến cô nhận ra mạng xã hội này đang thay đổi đáng kể cách mọi người trên thế giới kết nối với nhau.
Trở về Mỹ, Susan Li phát hiện nhiều bạn học tại Stanford của cô cũng đang làm việc tại Facebook và họ rất hào hứng với công việc này. Dù quy mô của mạng xã hội này tại thời điểm đó còn nhỏ nhưng nó đang mở rộng rất nhanh. Những yếu tố đó đã thu hút Susan “nhảy việc”.
Khi mới gia nhập, Susan Li làm việc ở bộ phận Tài chính, khi đó có rất ít nhân sự. Facebook cho cô cảm giác có thể phát triển năng lực chuyên môn, bắt đầu từ vai trò lập kế hoạch doanh thu đến việc phát triển sản phẩm mới. Sau khi công ty IPO, trách nhiệm của Susan lớn hơn khi đảm nhận việc phân bổ nguồn lực, chi phí và quản lý số lượng nhân viên.
Có thể nói sự phát triển trong sự nghiệp của Susan Li đồng hành cùng sự phát triển của Facebook và Meta. Mark Zuckerberg cũng từng chia sẻ Susan đóng vai trò quan trọng trong suốt 14 năm qua, ca ngợi cô là người tài năng, tận tâm và có khả năng lãnh đạo.
“Theo truyền thống, mọi người thường nghĩ CFO như một người chỉ quản lý tài chính. Nhưng ngày này, các CFO có nhiều nhiệm vụ hơn thế. CFO thực sự là người góp phần định hướng kinh doanh và tầm nhìn sản phẩm cho công ty”, Li nói trong một sự phiên thảo luận của các CFO hồi tháng 10.