Quyết định chấm dứt đàm phán về gói kích thích Covid-19 tiếp theo mà Tổng thống Donald Trump đưa ra hôm qua (6/10) đã khiến rất nhiều người ở phố Wall cũng như Washington cảm thấy khó hiểu.
Câu hỏi mà họ đặt ra là tại sao Nhà Trắng lại đột ngột quay lưng với chính sách kinh tế có thể được coi là then chốt trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump. Một lãnh đạo cao cấp trên phố Wall gọi động thái này của ông Trump là "phi lý", đặc biệt trong bối cảnh chỉ còn vài tuần nữa là đến ngày bầu cử.
Có rất nhiều bên (cho dù là không cùng phe với ông Trump) ủng hộ việc tung thêm các gói kích thích kinh tế. Đó là Cục dự trữ liên bang (Fed), là phố Wall, kể cả các nghị sĩ đảng Dân chủ ở lưỡng viện, đảng Cộng hòa và cả công chúng Mỹ.
Các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư vẫn cho rằng xét theo nhiều thước đo thì kinh tế Mỹ vẫn còn rất mong manh. Một số nhà làm luật đang hối thúc các bên cần nối lại đàm phán. "Sẽ là 1 sai lầm lớn nếu chờ cho đến tận sau bầu cử để đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ Covid-19 tiếp theo", Thượng nghị sĩ Susan Collins nói. "Tôi đã liên lạc với Bộ trưởng Tài chính, một trong những người đàm phán chính, và với vài Thượng nghị sĩ khác", ông nói.
Đối thủ của ông Trump, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, thì buộc tội quyết định ngừng đàm phán cho thấy Tổng thống không quan tâm gì đến những người đang phải vật lộn với hậu quả kinh tế mà đại dịch gây ra.
"Ông ấy chấm dứt những cuộc đàm phán mà sẽ giúp các doanh nghiệp và trường học chúng ta, cũng như các hộ gia đình và những người thất nghiệp đang chật vật. Gói kích thích sẽ cứu lấy hàng trăm nghìn việc làm", ông Biden nói.
"Nếu bạn mất việc, nếu doanh nghiệp của bạn đóng cửa, nếu trường học của con bạn cũng đóng cửa, thì hôm nay Donald Trump đã quyết định rằng không điều nào trong số đó có ý nghĩa đối với ông ấy", ông bổ sung thêm.
Hôm qua ông Trump viết trên Twitter rằng ông đã yêu cầu các bên liên quan ngừng đàm phán cho đến sau khi cuộc bầu cử kết thúc. "Sau khi tôi chiến thắng, chúng ta sẽ thông qua gói kích thích tập trung vào những người Mỹ làm việc chăm chỉ và các doanh nghiệp nhỏ", ông viết.
Sau đó ông Trump lại tiếp tục viết rằng ông đã yêu cầu Thượng nghị sĩ Mitch McConnell thay vào đó nên tập trung vào nỗ lực phê chuẩn thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tòa án tối cao.
Sau động thái của ông Trump, thị trường nhanh chóng rơi vào cơn bán tháo với chỉ số Dow Jones đảo chiều xóa sạch số điểm đã tăng được trước đó và kết thúc phiên giảm 375 điểm. S&P 500 cũng giảm 1,4% khi kết thúc phiên.
Covid-19 đã trực tiếp khiến hàng triệu người Mỹ thất nghiệp hoặc đang bị cho nghỉ phép không lương. Tốc độ tạo việc làm mới vẫn khá chậm chạp. Một loạt chuyên gia mới đây đã hạ dự báo về tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý IV.
Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho thấy trong tháng trước đã có thêm 661.000 việc làm mới, thấp hơn so với con số dự báo 800.000. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 7,9% trong tháng 9, thấp nhất kể từ 2013 (ngoại trừ tháng cao kỷ lục trong khủng hoảng do Covid-19).
Bà Nancy Pelosi, người đứng đầu đảng Dân chủ trong các cuộc đàm phán với Nhà Trắng, đã nói chuyện với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và xác nhận Tổng thống không muốn đàm phán tiếp.
Tuần trước Hạ viện Mỹ đã thông qua gói kích thích trị giá 2200 tỷ USD mà theo đó từ nay đến tháng 1 năm sau sẽ bổ sung thêm 600 USD mỗi tuần cho trợ cấp thất nghiệp, trực tiếp gửi thêm 1.200 USD cho mỗi người dân và thêm 436 tỷ USD hỗ trợ cho các bang và chính quyền địa phương. Nhưng gói này vẫn đang bị bế tắc vì Thượng viện không thông qua.
Một số người cũng cảm thấy khó hiểu khi thị trường không bán tháo mạnh hơn bởi có rất nhiều nhà đầu tư đặt cược rằng Mỹ chắc chắn sẽ có thêm 1 gói kích thích. Tuy nhiên theo Dennis DeBusschere, chiến lược gia của Evercore ISI, có lẽ đà bán tháo được tiết chế bởi vì những dòng tweet của ông Trump làm tăng khả năng đảng Dân chủ sẽ chiếm ưu thế ở cả Nhà Trắng và Quốc hội.
Nếu kết quả bầu cử thực sự là như vậy, đảng Dân chủ sẽ đưa ra 1 gói kích thích thậm chí còn lớn hơn.
Vài giờ trước khi bài viết của ông Trump xuất hiện, Chủ tịch Fed Jerome Powell có bài phát biểu cho rằng triển vọng kinh tế Mỹ có thể xấu đi đáng kể nếu như Quốc hội không đạt được thỏa thuận để tăng cứu trợ. Điều đó sẽ "dẫn đến 1 đà hồi phục yếu ớt, tạo ra những gánh nặng không cần thiết đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp" và "đóng băng" đà hồi phục cho đến nay đang diễn biến tốt hơn mong đợi.
Theo khảo sát mới nhất do CNBC/Change Research thực hiện, gói "giảm đau kinh tế" để giúp nền kinh tế Mỹ chống chọi với các tác động tiêu cực từ dịch bệnh vẫn là vấn đề quan trọng đối với nhiều cử tri. 66% người được hỏi cho biết họ đồng ý với nhận định "nền kinh tế vẫn đang chật vật và chúng tôi cần thêm hỗ trợ tài chính từ Washignton", trong khi 34% đồng tình với quan điểm "nền kinh tế đang hồi phục và chúng tôi không cần thêm hỗ trợ tài chính".