Ngày 19/10, ở thành phố Vân Phù (Quảng Đông, Trung Quốc), một đám cưới linh đình diễn ra, cô dâu đã được chú rể đón về dinh, chuẩn bị vào nhà thực hiện các bước tiếp theo.
Cặp đôi mới cưới vừa bước xuống xe, một phụ nữ trung niên liền tiến đến mặc vào người cô dâu chiếc tạp dề màu hồng. Cô dâu có phần ngơ ngác không biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng nghĩ rằng hôm đó là ngày trọng đại của mình nên vẫn làm theo mà không ý kiến.
Hình ảnh cô dâu đứng giữa đám đông, mặc váy cưới màu trắng, trên tay cầm bó hoa hồng rực rỡ mà lại đeo chiếc tạp dề, trông không phù hợp một chút nào. Người vây xem còn bật cười thành tiếng, vỗ tay hoan hô.
Cư dân mạng thấy cảnh này đã chỉ trích dữ dội phía nhà trai vì cho rằng hành động này trong ngày cưới chính là muốn cô dâu “vừa bước vào nhà thì phải xuống bếp nấu cơm, làm tròn bổn phận cơm nước cho chồng”.
“Thật sự khó hiểu! Thời đại nào rồi mà còn quan niệm vợ hay con dâu phải phục vụ nhà chồng. Gia đình chú rể này chỉ muốn cô dâu suốt ngày làm việc nhà, nấu nướng phục vụ cho họ thôi sao”.
“Tại sao lại mặc tạp dề mà không phải đeo chuỗi vòng vàng nào đó? Không phải sẽ mang theo ý nghĩa giàu có, gia đình đủ đầy sao?”.
Cư dân mạng phẫn nộ đến mức người đăng tải phải xóa vội video này, thế nhưng nó vẫn xuất hiện ở các kênh tài khoản và trang mạng xã hội khác.
Tuy nhiên, nhiều luồng ý kiến trái chiều đã nổ ra.
Theo đó, nhiều người cho rằng việc cô dâu về nhà chồng lo chuyện nấu nướng là việc hết sức bình thường. Hơn nữa, đây có thể chỉ là một tục lệ trong đám cưới, cũng không thể chắc chắn rằng nhà chồng ép buộc cô dâu làm tròn bổn phận.
Đồng thời, so với những yêu cầu mà chú rể phải làm trong đám cưới thì việc cô dâu bị đeo tạp dề đã hết sức nhẹ nhàng. Theo đó, chú rể phải vượt qua nhiều thử thách do đàng gái bày ra mới được đón dâu. Vào phòng tân hôn, anh còn phải quỳ gối thề non hẹn biển, thậm chí là hôn chân mang giày cho cô dâu rồi đọc thư cam kết yêu thương vợ mình suốt đời…
Tuy nhiên, có nhiều dân mạng đã tiết lộ hành động đeo tạp dề cho cô dâu không phải mang ngụ ý làm việc nhà.
Thì ra, theo phong tục của nhiều địa phương ở Vân Phù, Quảng Đông, mang tạp đề quanh bụng trong ngày cưới thể hiện cô dâu đang có thai, mong muốn con đàn cháu đống, nhiều con nhiều phúc, con cháu quây quần.
Một cư dân mạng đã chia sẻ: “Tôi đến từ huyện Úc Nam, Vân Phù. Đám cưới của tôi cũng như vậy. Ngày cưới, tôi chưa có thai nhưng vẫn mang tạp dề. Mọi người đã hiểu nhầm rồi. Đeo tạp dề cho cô dâu chỉ là muốn bảo vệ cái thai, mong muốn sinh con thuận lợi, mẹ tròn con vuông. Không hề có ý nghĩa bắt cô dâu làm việc nhà, phục vụ nhà chồng. Việc nhà trong gia đình tôi đều được vợ chồng phân công mà làm, tôn trọng lẫn nhau”.
Được biết, tập tục đám cưới ở Trung Quốc vô cùng phong phú và đa dạng, đặc biệt ở những vùng nông thôn lại càng “đậm đà” hơn. Có tập tục hay ho đáng kế thừa, cũng có không ít hủ tục không còn phù hợp với thời đại. Do đó, việc hiểu đúng ý nghĩa của một phong tục tập quán là rất quan trọng, chỉ cần không gây hại cho con người thì mọi thứ đều đáng được truyền thừa.