Có đập Tam Hiệp, vì sao TQ vẫn phải “thấp thỏm” khi lũ kéo về?

Vương Nam |

Đợt lũ thứ 2 trên sông Dương Tử đang đặt đập Tam Hiệp vào thử thách lớn nhất kể từ đầu mùa mưa lũ năm nay. Hôm 18.7, lưu lượng nước đổ về hồ chứa của con đập đã ở mức 61.000 m3/giây. Tình hình kiểm soát lũ trên sông Dương Tử vốn đã căng thẳng lại càng nghiêm trọng hơn.

Ông Chen Guiya – chuyên gia cao cấp thuộc Ủy ban sông Dương Tử, Bộ Thủy lợi Trung Quốc – cho biết, các biện pháp nhằm kiểm soát lũ trên sông Dương Tử vẫn đang được thắt chặt.

73 trạm quan sát mực nước trên sông Dương Tử đã vượt mức cảnh báo lũ từ 1,06 – 2,18 mét.

Mực nước cao nhất trong đợt lũ thứ 2 tại hồ chứa đập Tam Hiệp được ghi nhận ở mức 160,17 mét, vượt cảnh báo lũ 15 mét. Dự báo từ ngày 19 – 20.7, những cơn mưa to đến rất to vẫn sẽ tiếp diễn ở khu vực hạ lưu sông Dương Tử.

Trả lời về những nghi ngờ gần đây xoay quanh khả năng kiểm soát lũ của dự án đập Tam Hiệp, ông Chen nhấn mạnh, con đập là “xương sống” trong hệ thống điều tiết lũ sông Dương Tử.

“Tuy nhiên, đập Tam Hiệp không phải là toàn năng”, ông Chen nói.

Ông Chen cho rằng, kể cả khi có đập Tam Hiệp, Trung Quốc vẫn phải đề cao cảnh giác trong mùa mưa lũ lịch sử năm nay. Kể từ đầu năm, lượng mưa trung bình trên sông Dương Tử ở mức 750 mm, cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có đập Tam Hiệp, vì sao TQ vẫn phải “thấp thỏm” khi lũ kéo về? - Ảnh 1.

Binh sĩ Trung Quốc bảo vệ an ninh đập Tam Hiệp (ảnh: Xinhua)

Đặc biệt kể từ khi bước vào mùa mưa lũ chính, đã có 9 đợt mưa cực lớn xảy ra ở lưu vực sông Dương Tử và điều này là đáng lo ngại, theo ông Chen.

Ông Chen nói rằng, từ đầu tháng 6, hồ chứa đập Tam Hiệp đã trữ gần 10 tỷ mét khối nước lũ.

“Có đập Tam Hiệp không có nghĩa là chúng ta có thể ngồi thư giãn và uống trà. Bản thân đập Tam Hiệp cũng có giới hạn rõ ràng. Khả năng của con đập không phải vô tận. Dung tích trữ lũ của đập ở mức 22,15 tỷ mét khối trong khi lũ từ thượng nguồn sông Dương Tử có thể đổ về 300 tỷ mét khối nước trong cả mùa lũ trung bình”, ông Chen nhận xét.

Ông Chen cho rằng, Trung Quốc đang trong giai đoạn quan trọng nhất để kiểm soát lũ lụt – cuối tháng 7 và đầu tháng 8.

“Mưa lớn vẫn tiếp tục. Dự kiến sau đợt lũ này, đập Tam Hiệp sẽ đón thêm trận lũ mới”, ông Chen nói.

Trong đợt lũ thứ 2 trên sông Dương Tử, hôm 18.7, đập Tam Hiệp đã mở 3 cổng xả lũ với lượng nước 33.000 m3/giây để giảm áp lực. Lượng nước được xả ra sau đó tăng lên thành 37.000 m3/giây.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Trung Quốc, cuối tháng 7 sẽ tiếp tục có những trận mưa lớn xảy ra ở lưu vực sông Dương Tử.

Ông Chen nhấn mạnh, yêu cầu hàng đầu hiện nay đối với các địa phương nơi có sông Dương Tử chảy qua là phải làm tốt việc kiểm tra, bảo vệ đê điều.

“Sau một thời gian dài ngập lụt ở trung lưu, hạ lưu Dương Tử. Mối nguy đối với những con đê có thể tăng lên. Điều phải làm khẩn cấp hiện nay là chính quyền mỗi địa phương phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc gia cố, kiểm tra đê. Phải phát hiện và xử lý sớm các tình huống nguy hiểm trên những con đê”, ông Chen nhận xét.

Zhang Jiatuan – quan chức thuộc Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc – cho rằng, lũ lụt trên sông Dương Tử sẽ được kiểm soát và đập Tam Hiệp vẫn an toàn.

“108 tình huống nguy hiểm trên các con đê chính ở sông Dương Tử đã được phát hiện, xử lý và không gây ra mối nguy nào”, ông Zhang nói.

Có đập Tam Hiệp, vì sao TQ vẫn phải “thấp thỏm” khi lũ kéo về? - Ảnh 3.

Mưa lũ nhấn chìm một khu dân cư ở Giang Tây, Trung Quốc (ảnh: Xinhua)

Theo ông Zhang, hiện tại, có một số rủi ro chính trong việc kiểm soát lũ trên sông Dương Tử như sau:

Thứ nhất, mực nước ở trung lưu, hạ lưu sông Dương Tử đã vượt quá mức cảnh báo suốt nửa tháng nay. Đê kè bị ngâm lâu trong nước, rất dễ bị xói lở, vỡ, cuốn trôi.

Thứ hai, tuần tra đê, hộ đê, sửa đê, cứu hộ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt hiện nay khiến lực lượng phòng chống lũ lụt kiệt sức.

Theo Tân Hoa Xã, để đối phó với diễn biến mưa lũ hiện tại, Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc đã tổ chức những cuộc họp liên tục trong vài ngày gần đây. Theo đó, yêu cầu chính quyền các địa phương phải hiểu rõ mức độ nghiêm trọng và phức tạp của tình hình mưa lũ.

Nội dung các cuộc họp đặc biệt nhấn mạnh việc kiểm tra đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý nhanh chóng các tình huống nguy hiểm. Ngoài ra, còn phải nỗ lực hết sức cứu hộ, cứu trợ và di dời người dân đến nơi tránh trú an toàn.

Tân Hoa Xã cho hay, đã có 77.800 lính cứu hỏa, 11.700 xe cứu hỏa và 6.355 xuồng được huy động để giải cứu người mắc kẹt do lũ lụt ở các tỉnh thành phía Nam Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại